Keiko Matsuzaka trải lòng khi 'Hòa cùng làn gió Việt'

09/11/2015 13:25 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Keiko Matsuzaka - minh tinh nổi tiếng Nhật Bản, từng giành Cành cọ vàng LHP Cannes 1992 - đã nhận lời tới Việt Nam tham gia diễn xuất trong bộ phim điện ảnh hợp tác Việt - Nhật: Hòa cùng làn gió Việt. Phim dựa trên tiểu thuyết Bà nội từ Ê-chi-gô, Nhật Bản tới Việt Nam của nhà văn Miyuki Komatsu (hiện sống tại Hà Nội), đã được công chiếu chính thức tại Hà Nội, và sẽ tới TP.HCM chiếu cho học sinh sinh viên vào tháng 11/2015 này.

Bộ phim dài 114 phút, hai đạo diễn: NSND - Tất Bình và Kazuki Ohmori đã rất khéo léo đề cập những vấn đề trong xã hội như: chiến tranh, gia đình, chăm sóc người già… Thông điệp đã được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, tươi sáng đầy tình người.

Phim có sự tham gia của dàn diễn viên: Keiko Matsuzaka, Reiko Kusamura, NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Trần Nhượng, NSND Lan Hương... Phim kể lại câu chuyện xúc động của một người mẹ Nhật tên là Shinue mắc bệnh Alzheimer. Bà có một cuộc sống không hạnh phúc, sau khi chồng bà chết.

Cô con gái duy nhất của bà là  Misao dạy tiếng Nhật tại Việt Nam đã đón bà sang sống cùng. Họ đã hòa nhập cùng làn gió Việt, cùng sống với cộng đồng người Việt và hy vọng bừng lên, nụ cười của bà đã trở lại trên môi, đây cũng là điều hạnh phúc nhất mà cô giáo Misao cảm nhận được.

Vai nữ chính Misao được hai vị đạo diễn gửi gắm cho nữ minh tinh Nhật Bản Keiko Matsuzaka.

Trong chuyến sang Việt Nam quảng bá về bộ phim Hòa cùng làn gió Việt nữ diễn viên Keiko Matsuzaka đã dành cho Thể thao & Văn hóa cuộc trò chuyện.


Minh tinh Keiko Matsuzaka rất thích áo dài Việt

* Bà có băn khoăn gì khi nhận lời tới Việt Nam đóng vai cô giáo Misao trong phim “Hòa cùng làn gió Việt”?

Trước hết, đối với tôi, việc tham gia bộ phim hợp tác Việt – Nhật là một điều rất vinh hạnh. Việt Nam và Nhật Bản giống nhau là đều dựa trên nền tảng là nho giáo, việc coi trọng người già là một điều rất cần thiết. Bộ phim này một lần nữa nhắc nhở chúng ta coi trọng tình yêu thương tới bố mẹ mình, những người cao tuổi và tôi nghĩ rằng nó là một giá trị nhân văn sâu sắc.

* Bà nghĩ rằng “Hòa cùng làn gió Việt” có sức hấp dẫn như thế nào với khán giả?

- Khi trình chiếu ở Nhật Bản, bộ phim cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả và các nhà chuyên môn. Tôi hy vọng khi chiếu ở Việt Nam những người sống trong cùng một gia đình, bố mẹ và con cái khi xem bộ phim này sẽ hạnh phúc, vui và gắn bó với nhau hơn. Những người phải chăm sóc người già trong cuộc sống này cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Một tác phẩm điện ảnh hay chắc chắn phải mang thông điệp ý nghĩa. Chúng ta, ai rồi cũng sẽ già, không tránh được quy luật đó. Rồi quanh chúng ta còn nhiều người già như ông, bà, cha, mẹ. Đừng bao giờ lãng quên họ, họ cần được sẻ chia. Giờ có quá ít các tác phẩm dành cho đối tượng người cao tuổi.

Tôi luôn hy vọng Hòa cùng làn gió Việt có một cách hấp dẫn người xem, không phải bởi những cảnh quay hoành tráng, bằng dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp hay những câu chuyện tình yêu sướt mướt mà bằng  dấu hằn in vết thời gian trên mắt người Mẹ!

* Trong phim Hòa cùng làn gió Việt, có cảnh bà phải lái xe mô tô trên đường phố Hà  Nội. Bà có gặp khó khăn nhiều không khi tập xe máy trên đường phố của chúng tôi?

- Mọi người phải giúp tôi nhiều lắm, họ giúp tôi dắt xe rồi đứng ở phía sau hỗ trợ tôi để tôi hoàn thành những cảnh quay ấn tượng này.

* Bà nghĩ sao về giao thông của Việt Nam?

- Tôi thấy người Việt Nam giỏi thật. Làm sao mà họ có thể cảm nhận tốt về khoảng cách mà có thể giữ được sự an toàn đến thế.

* Bà đang mặc chiếc áo dài của đất nước tôi? Bà có so sánh gì về vẻ đẹp của áo dài Việt và kimono Nhật Bản?

- Cả hai loại trang phục này đều giống nhau ở chỗ là tôn vẻ thanh lịch của người mặc. Tôi rất thích chiếc cổ áo dài Việt, rất kín đáo mà vẫn đẹp, chi tiết này có vẻ giống như trang phục truyền thống kimono của chúng tôi.

* Trong sự nghiệp điện ảnh của bà, giải thưởng danh giá nhất là vai diễn chính Kohei Oguri trong phim Nọc độc chết người - giải thưởng cho bộ phim hay nhất tại Liên hoan phim Cannes 1992. Bà còn giữ  những kỷ niệm gì về vai diễn ấy?

- Đó là niềm tự hào lớn lao đối với tôi. Bởi vì với tác phẩm đó, vai diễn đó có thể toát lên được nội tâm, vẻ đẹp truyền thống của con người Nhật Bản, là tình yêu sâu sắc. Tôi sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày rực rỡ ấy.

* Vào thập niên 70, tên tuổi của bà chói lọi với những vai diễn đình đám và liên tiếp là diễn viên xuất sắc của Nhật Bản trong các năm 1981, 1982 và 1990. Giờ bà có nuối tiếc thời hoàng kim của mình?

- Ồ! Tôi hoàn toàn không có cảm giác nuối tiếc. Có ai điều khiển được thời gian ngừng trôi đâu. Thực ra tôi nghĩ lại những năm tuổi 20 đó, tôi may mắn là nguồn cảm hứng cho những bài hát mà đến bây giờ mọi người vẫn yêu thích, những tác phẩm thành công đã đem lại tên tuổi của tôi cho đến bây giờ, rồi những mạch cảm xúc ấy nhắc mọi người nhớ về quá khứ  đó giống như phép mầu đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống ngày hôm nay và đó là kỷ niệm  đẹp mà tôi luôn trân trọng, gìn giữ.

* Hãy chia sẻ một chút về cuộc sống riêng của bà hiện nay?Về chồng và các con của bà?

- Tôi có hai cô con gái, chúng không hề tham gia hoạt động liên quan đến truyền thông, đại chúng mà chỉ tham gia những hoạt động giao lưu văn hóa. Chúng là những họa sĩ. Còn chồng tôi là nhạc sỹ nhạc Jazz.

Hiện nay, ngoài việc tham gia diễn xuất, tôi cùng hai con gái đi tới khắp đất nước Nhật để đọc thơ cổ - một loại hình văn hóa độc đáo của người Nhật. Hơn 17 năm qua  tôi vẫn cùng các con đi đến khắp nơi trên đất nước Nhật Bản để đọc thơ cổ Haiku - một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Á Đông vĩ đại. Đó là một thành quả đặc sắc, tinh tế trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc chúng tôi.

* Bà ngày xưa rất trẻ, đẹp và nổi tiếng. Vậy thì để có được một cuộc sống hạnh phúc là không hề đơn giản?

- Khi tôi làm việc thì tôi làm việc hết mình, với gia đình tôi sống hết mình. Là một người mẹ, người vợ, trong mỗi vai trò tôi đều làm không dở chừng.  Mọi thứ đơn giản  như vậy đó.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Mỹ Hạnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm