Bóng tối bao quanh “cha đẻ” chương trình hạt nhân Iran

22/02/2012 11:40 GMT+7 | Trong nước



(TT&VH) - Ngày 20/2, các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) bắt đầu tới Iran để đàm phán mới về chương trình của nước này. Một trong những đề xuất của họ là được tiếp xúc với “cha đẻ” Mohsen Fakrizadeh của chương trình hạt nhân, nhưng đề nghị đã lập tức vấp phải sự từ chối của Tehran.

Người đàn ông bí mật của chương trình hạt nhân Iran, “nhân vật vô hình” trong tâm điểm của những căng thẳng tại Trung Đông ấy tên là Mohsen Fakrizadeh (50 tuổi). Từ 10 năm nay, chuyên gia vật lý hạt nhân kiêm tướng chỉ huy Lữ đoàn Vệ binh Cộng hoà này là “kiến trúc sư” của hàng loạt các cơ sở phục vụ cho việc sản xuất đầu đạn nguyên tử. Bức màn bí mật luôn bao phủ sự tồn tại cũng như hành tung của ông, bởi ngoài lý do an toàn, Iran chưa bao giờ thừa nhận họ đang theo đuổi việc tìm kiếm thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Dự án 111” và văn phòng "Hoa phong lan"

Vậy thực sự Fakrizadeh là con người thế nào? Một số chuyên gia phương Tây phụ trách hồ sơ hạt nhân Iran miêu tả nhân vật này là “một người tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, thu mình trong tư gia và được nuôi dưỡng bằng sự kiêu hãnh ngẩng cao đầu trước “đại Sa tăng” (ám chỉ nước Mỹ)”. Số khác cho biết, ông được bảo vệ ở mức cao nhất bởi ông được xem là người hùng kín đáo của những thành tựu khoa học mà Iran có được.

Mohsen Fakrizadeh cùng thế hệ với những Vệ binh Cộng hoà đầu tiên, được hình thành và mang quan điểm chống Mỹ cùng phương Tây, sau khi nổ ra chiến tranh Iran-Iraq thập niên 1980, thời kỳ Baghdad được phương Tây hậu thuẫn. Cũng từ thời điểm này, Iran bắt đầu tái khởi động chương trình hạt nhân của họ, bị gián đoạn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Nhờ sự giúp đỡ bí mật của Pakistan, các nhà lãnh đạo Cộng hoà Hồi giáo đã cung cấp cho Fakrizadeh mọi phương tiện để có được “vũ khí tối thượng” này, vốn được coi như sự đảm bảo cho tồn vong của nhà nước và chế độ. Hơn 10 năm nay, Mohsen Fakrizadeh được xem là “chú nhện không thể bắt được” ở giữa trung tâm mạng lưới hạt nhân Iran. Trong văn phòng được đặt tên "Hoa phong lan"- tên khu phố nơi Fakrizadeh từng ở từ năm 2000-2003, ông đã dốc toàn tâm toàn ý cho "Dự án 111" tập trung sản xuất đầu đạn nguyên tử. Sau đó, chương trình bí mật này có tên gọi là "AMAD".

Từ 2003-2004, Iran buộc phải “cài cắm” các nhóm nhà khoa học trong các viện, trường đại học dưới diện bình phong và chương trình lại được đổi tên thành "SADAT". Cũng vào thời gian này, có tin người ta đã sản xuất một đoạn băng dài 3 phút về một vụ nổ hạt nhân, diễn ra trên nền nhạc của phim Những chiếc xe đẩy bốc cháy, như “tác phẩm” dành tặng cho các nhà lãnh đạo Iran.

Giới lãnh đạo Iran đi thăm một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở trong nước

Robert Oppenheimer hay một A. Q. Khan của Iran?

Vai trò đặc biệt quan trọng của Mohsen Fakrizadeh và thái độ im lặng của chính quyền Iran về nhân vật chủ chốt này, khiến người ta nhớ đến sự im lặng bao trùm Robert Oppenheimer trong thập niên 40 thế kỷ trước, ở giữa sa mạc New Mexico trong căn cứ ở Los Alamos, khi ông này cùng với nhóm cộng sự sản xuất bom nguyên tử trong khuôn khổ "Dự án Manhattan". Phải rất lâu sau đó, bí mật về bức thư đầy tâm trạng của "Opie"- bí danh của Robert Oppenheimer gửi cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, ngay sau khi quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản mới được tiết lộ: "Thưa ngài Tổng thống, máu đã vấy trên tay của tôi".

Trái với Robert Oppenheimer, Mohsen Fakrizadeh không được miêu tả là một thiên tài khoa học bởi ông này chưa từng có bất kỳ công bố khoa học nào. Nhưng đó là một nhà quản lý tốt, điều hành khoảng 600 chuyên gia dưới cấp rải rác tại khoảng 12 ngành khác nhau của Iran. Ông Mark Fitzpatrick từng làm việc trong chính quyền của Tổng thống Bill Clinton, hiện là chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London đánh giá: "Mohsen Fakrizadeh có thể được ví như là một A. Q. Khan của Iran". A. Q. Khan, tức Abdul Qadeer Khan- “cha đẻ” của vũ khí nguyên tử của Pakistan. Theo Mark Fitzpatrick, “Fakrizadeh vừa đóng góp quan trọng trong sự phát triển công nghệ sản xuất bom cũng như trong nỗ lực có được các thành phần của một chương trình hạt nhân từ bên ngoài".

Trong những năm 1970, A. Q. Khan đã đánh cắp các sơ đồ máy quay li tâm tại nhà máy Urenco của Hà Lan. Sau đó, ông này được cho đã thực hiện các thương vụ mua bán hạt nhân trên “thị trường đen” những năm 80 mà Iran là một khách hàng chính. Người ta không rõ liệu hai nhân vật này đã từng gặp nhau hay chưa.

Sau vụ thử hạt nhân năm 1998, A.Q. Khan được xem là một anh hùng quốc gia tại Pakistan, nhưng nhanh chóng trở thành “tội đồ” với những thú nhận trên truyền hình về việc kiếm bộn tiền nhờ bán công nghệ hạt nhân cho nước ngoài. Cho tới thời điểm này, người ta chỉ thấy một khác biệt giữa Mohsen Fakrizadeh và A. Q. Khan là nhà khoa học Iran không tìm cách làm giàu cho bản thân bằng cách bán công nghệ cho nước khác.

Mục tiêu của tình báo Israel (Mossad)

Là nhân vật chủ chốt quản lý phần nhạy cảm nhất trong chương trình hạt nhân Iran, Mohsen Fakrizadeh bị xếp vào vị trí số 1 trong danh sách mục tiêu săn lùng của Cơ quan tình báo Israel (Mossad). Những năm gần đây, Mossad luôn tìm cách thâm nhập vào chương trình hạt nhân Iran bằng cách tóm lấy các nhân vật đầu não và tiến hành những hoạt động phá hoại.

Nhưng chắc chắn Mossad sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính mục tiêu, bởi hiện tại chưa một bức ảnh nào của Mohsen Fakrizadeh được công bố. Những gì người ta có thể hình dung là ông sống khép mình, làm việc liên tục trong các toà nhà hiện đại đầy hoa của Đại học Malek-Ashtar ở Tehran-một trong những địa điểm nghiên cứu hạt nhân thuộc quản lý của quân đội. Cũng có thể, nếu là người kín đáo hơn, ông sẽ thích đi dạo bên trong khu liên hợp Mojdeh nằm trong Bộ Quốc phòng Iran, vốn được phương Tây xem là trung tâm phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.

Ngọc Nhàn (Theo Le Temps)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm