Mỹ đe dọa tấn công Syria: Leo thang chiến tranh mạng

08/09/2013 08:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong tình huống Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, một cuộc chiến trên mạng internet sẽ nổ ra. Khả năng tiến hành chiến tranh mạng của Syria có thể còn hạn chế, nhưng họ lại nhận được sự giúp đỡ không nhỏ.

Theo CS Monitor, Mỹ chắc chắn sẽ tổ chức các cuộc tấn công trên mạng để vô hiệu hóa nhiều mục tiêu Syria, ví dụ như các hệ thống rađa phòng không. Mỹ cần tấn công mạng nếu muốn đánh bom chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad một cách hiệu quả.

Mỹ nắm lợi thế

Các chuyên gia nói rằng Mỹ đã triển khai một "thòng lọng ảo" quanh Syria trong vòng khoảng một năm qua, đủ lâu để có thể xâm nhập và nắm được điểm yếu của các hệ thống quân sự Syria. Nhưng Mỹ sẽ sử dụng lợi thế này ở mức độ nào là điều người ta chưa rõ.

Có điều phần lớn giới quan sát đều đồng tình về việc Mỹ sẽ tổ chức tấn công qua mạng. Một số cho rằng đây là việc nên làm để mang tới cho Mỹ hình ảnh một lực lượng có trách nhiệm, không tàn sát bừa bãi.

"Có một bức màn bí ẩn bao quanh vũ khí trên không gian ảo. Nhưng người ta luôn biết rõ rằng chưa có ai trực tiếp thiệt mạng vì một cuộc tấn công qua mạng" - Jason Healey, giám đốc Sáng kiến Nghệ thuật lãnh đạo trên Không gian mạng thuộc tổ chức tư vấn Atlantic Council ở Washington nhận xét.

Michael Clarke, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia ở London đánh giá bất kỳ cuộc xung đột nào với Syria sẽ đều có sự tham gia của một cuộc chiến ảo trên mạng internet, ở cấp độ nào đó. "Các kỹ thuật tấn công mạng không đắt đỏ, nặc danh và ngày càng hiệu quả. Chúng tương đối ít rủi ro, đặc biệt là về mặt thương vong. Điều này khiến chúng trở nên hấp dẫn trong tình huống đặc biệt phức tạp, bất ổn như ở Syria" - ông nói.

Mỹ sở hữu đạo quân hacker mạnh, có thể tổ chức những cuộc tấn công ảo lớn vào Syria, nhưng Damascus cũng có sự hậu thuẫn không nhỏ

Syria có đồng minh mạnh

Khả năng tiến hành chiến tranh ảo của Syria tương đối hạn chế. Nước này được cho là có sự ủng hộ của nhóm hacker Quân đội Điện tử Syria (SEA). Trong mấy năm gần đây SEA đã tấn công trang web của một số hãng tin bị cho là chỉ trích Syria. Tháng trước, nhóm này đã khiến trang web của tờ New York Times ngưng hoạt động trong một ngày.

Hạ gục các trang web có thể chỉ được xem là một sự phiền toái thay vì mối đe dọa với Mỹ và hoạt động quân sự của nước này. Nhưng các hacker trên khắp thế giới mang tư tưởng chống Mỹ có thể sẽ lặng lẽ thực hiện những vụ tấn công ủng hộ Syria và SEA. Đó là chưa tính tới việc một số quốc gia ủng hộ Syria, như Nga và Iran, cũng có thể tung đạo quân hacker của họ ra ngầm giúp đỡ Syria.

Kể từ năm 2010, các cuộc tấn công liên tiếp nhằm vào chương trình hạt nhân Iran đã gây thiệt hại đáng kể. Kết quả là Iran đầu tư rất mạnh vào khả năng thực hiện chiến tranh mạng. Theo Ilan Berman, Phó Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ, từ năm 2011 Iran đã đầu tư hơn 1 tỷ USD và đạo quân tiến hành chiến tranh mạng của nước này. Ông đánh giá Iran giờ có trong tay lực lượng "lính ảo" lớn thứ 4 thế giới, gồm các quân đoàn hacker nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Vệ binh Cách mạng.

Cả Nga và Iran hiện đều đang tránh việc đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, trong các tình huống nghiêm trọng, không loại trừ khả năng hai nước sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng "chí tử" nhằm vào Mỹ, đặc biệt là khi họ tin rằng với những kỹ thuật che giấu hiện đại, người ta không thể lần ra nguồn gốc của các vụ tấn công mạng.

Lựa chọn vũ khí thật

Đã từng có tiền lệ về một cuộc tấn công mạng nhằm vào Syria. Năm 2007, Israel cho máy bay chiến đấu bay xuyên thủng lưới phòng không của Syria vào ném bom lò phản ứng hạt nhân nước này đang xây dựng. Những chiếc máy bay đã bay vào và ra Syria không gặp vấn đề gì, vì hacker Israel xâm nhập được hệ thống rađa Syria và thêm vào một đoạn mã để khiến chúng bị "mù".

Dù có những thành công như thế, các chuyên gia đánh giá Mỹ vẫn khó gây thiệt hại lớn cho Syria bằng vũ khí ảo như người ta kỳ vọng. Nguyên nhân do một khi đã sử dụng, vũ khí ảo sẽ khó có thể sử dụng lại. Các lỗ hổng hệ thống sẽ bị vá lập tức.

Trong tình huống đó, Mỹ vẫn còn một lựa chọn: sử dụng vũ khí thật. “Thật không may, một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống phòng không Syria không đảm bảo loại nó khỏi chiến trường" - John Bumgarner, giám đốc nghiên cứu tại Cyber Consequences Unit, một đơn vị chuyên nghiên cứu chiến tranh ảo, cho biết - "Nhưng một cuộc tấn công bằng tên lửa thì chắc chắn đảm bảo".

Những tình thế nguy hiểm cho Mỹ

Các chuyên gia đánh giá: bất kỳ cuộc chiến ảo nào có sự tham gia của hacker thuộc Nga và Iran đều mang tới những tình thế nguy hiểm cho Mỹ. "Người Syria không có những khả năng (tiến hành chiến tranh ảo) như một số nước đang có. Nhưng họ có thể thuê hoặc mua những khả năng đó. Hiển nhiên mức độ leo thang chiến tranh mạng sẽ tăng lên nếu Iran, Hezbollah hoặc Nga vào cuộc" - Frank J. Cilluffo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh Nội địa ở Đại học George Washington nói với CS Monitor - "Một cuộc chiến ảo chống Mỹ do Syria thực hiện là một mối quan tâm lớn mà chúng ta cần phải chuẩn bị".


Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm