Hội đồng tiền lương họp cân nhắc mức tăng lương phù hợp để tư vấn cho Thủ tướng

25/08/2015 14:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp, xem xét mức tăng lương để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn đã nêu quan điểm về xung quanh vấn đề này.

Chọn phương án dung hòa hai bên

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, vấn đề tiền lương là vấn đề lớn, rất phức tạp, liên quan nhiều đến tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như quá trình hội nhập.

Nguyên tắc cơ bản nhất của vấn đề tiền lương tại khu vực thị trường là cần bảo đảm nguyên tắc thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vai trò của Nhà nước là cần xây dựng một mức lương tối thiểu để hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức sàn đó để bảo đảm quyền lợi tối thiểu và an sinh xã hội cho người lao động.

Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động là một nguyên tắc, mục tiêu đúng nhưng cần một lộ trình phù hợp. Nếu tăng đột biến sẽ khiến doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có nhiều lao động làm gia công khó có khả năng chịu đựng được.


Công nhân sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia lần trước chưa thống nhất được mức tăng lương do chưa có tiếng nói chung giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn phải tăng nhanh lương tối thiểu để đời sống người lao động tốt hơn nhưng phía đại diện người sử dụng lao động muốn tăng vừa phải bởi trong bối cảnh cạnh tranh, các chi phí đầu vào tăng. Đặc biệt, ngoài tăng lương tối thiểu, bắt đầu từ 1/1/2016, chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi làm cho áp lực tăng chi phí lên, khiến khả năng doanh nghiệp rất khó chịu đựng được.

Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia trong quá trình thương lượng sẽ phải điều hành, phân tích các yếu tố, nhân tố ảnh hưởng để có thể lựa chọn được phương án dung hòa hai bên. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%. Phương án tăng trên 10% một chút là phù hợp.

Ông Phạm Minh Huân nêu rõ: Yếu tố để Hội đồng tiền lương Quốc gia xem xét mức tăng lương để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ là dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế; mặt bằng tiền công trên thị trường; năng suất, chỉ số giá sinh hoạt.

Vấn đề quan trọng là cần đẩy mạnh được thương lượng, nâng cao năng lực cho tổ chức đại diện cho người lao động, nhất là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp để có thể đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm đáp ứng được nhu cầu, nâng cao đời sống cho người lao động nhưng mặt khác phù hợp với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp.

Lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018

Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu về nguyên lý, việc xem xét mức tiền lương tối thiểu cần phải được dựa trên 3 yếu tố theo quy định của pháp luật lao động bao gồm: nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội (mức tăng năng suất lao động) và mức tiền lương trên thị trường lao động (quan hệ cung – cầu lao động) .

Tuy nhiên, để có thể xác định được đầy đủ các yếu tố tác động tới việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm thì cần xem xét thêm cả các yếu tố về sự phát triển của thị trường lao động, tình trạng, cơ hội về việc làm, trình độ tay nghề, năng suất lao động hiện nay…

Hiện nay, đa số người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam là lao động trẻ, thâm niên làm việc còn ngắn, họ đang có gia đình nên các nhu cầu của cá nhân, nhu cầu chăm sóc gia đình của họ sẽ chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của mức lương họ được trả.


Công nhân chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Với lý do đó, các đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra là có lý khi muốn có một mức lương tối thiểu vùng mới đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, khoảng 1/5 người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam có trình độ học vấn ở mức đã tham gia hoặc hoàn thành bậc phổ thông, đào tạo nghề hoặc cao đẳng; khoảng một nửa lao động làm công ăn lương làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng trung bình, 26,2% làm việc đòi hỏi kỹ năng cao và 21,7% là các công việc yêu cầu kỹ năng đơn giản; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ khá thấp (năm 2014 mới đạt 18,39%).

Sự phổ biến của những việc làm với trình độ kỹ năng thấp và trung bình sẽ là khó khăn khi người lao động muốn có một mức lương cao, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ trong khi người sử dụng lao động chưa hoàn toàn thấy có đủ các điều kiện để trả lương ở mức cao hơn cho người lao động.

Quan hệ tiền lương – năng suất lao động là quan hệ 2 chiều, thông thường, mọi người thường nhìn nhận việc trả lương phải gắn với tăng năng suất lao động nhưng việc tăng lương còn là cơ chế để khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động, làm việc có hiệu quả hơn.

Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5% và mức tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng tăng nhanh hơn (giai đoạn 2011-2015 khoảng 3,7%) thì cần phải có điều chỉnh tiền lương ở mức hợp lý hơn. Nếu mức tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì đời sống của người lao động sớm được cải thiện, nhưng sẽ có những tác động như làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp và có thể doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Nếu mức tăng thấp dưới 10% như đề xuất của VCCI thì đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn và không khuyến khích được tăng năng suất lao động và chậm thực hiện lộ trình đảm bảo mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu.

Do đó trong điều kiện hiện nay, kinh tế đang khởi sắc, lạm phát được kiềm chế, nhưng thị trường lao động thì chưa ổn định và phát triển mạnh, tôi cho rằng mức tăng tiền lương tối thiểu theo bốn vùng năm 2016 khoảng 12% là hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước đặt ra, trong đó có việc đảm bảo lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2018.

Nhìn chung, việc điều chỉnh tiền lương là một kênh quan trọng để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giảm bớt các mâu thuẫn, tranh chấp, đình công. Cơ chế xác định mức tiền lương phù hợp trả cho người lao động không chỉ nằm ở việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định trên cơ sở tham vấn ý kiến của Hội đồng tiền lương quốc gia mà còn cả ở cấp độ doanh nghiệp hoặc cấp ngành và do sự thương lượng về mức lương hợp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.

Hiện nay, chúng ta mới tập trung nhiều ở việc nhìn nhận ở cơ chế điều chỉnh tiền lương cấp quốc gia mà chưa tận dụng hết công cụ điều chỉnh tiền lương ở cấp độ doanh nghiệp, cấp ngành và năng lực đàm phán, thương lượng của người lao động và người sử dụng lao động để có mức lương tốt trả cho người lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong thời gian tới, để việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không quá căng thẳng, trái chiều nhau như hiện nay, thì Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để nâng cao trình độ đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động và phát triển các ngành, nghề, công việc có trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Điều này có ý nghĩa quan trọng để giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển thường gặp phải. Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể để giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong các vấn đề liên quan đến tiền lương; xây dựng các cơ chế khuyến khích tăng mức tiền lương trả cho người lao động làm việc có hiệu quả tốt để tăng năng suất lao động trong toàn doanh nghiệp.

Nhìn chung, việc cải thiện các cơ chế pháp lý về đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp, cùng với việc nâng cao vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động để các bên tham gia hiệu quả vào các cơ chế này sẽ là điều kiện quan trọng để người lao động có mức lương thỏa đáng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ và tiền lương chính là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện quan hệ lao động.


Công nhân sản xuất phôi thép tại Nhà máy luyện thép Lưu Xá - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Việc tăng mức lương tối thiểu phù hợp sẽ tạo tác động tích cực đến đời sống công nhân lao động

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thì nút thắt của việc chưa thống nhất được mức tăng lương tối thiểu là do việc đánh giá thực trạng tiền lương hiện nay của các bên còn khác nhau và do việc đánh giá đời sống công nhân lao động hiện nay chưa đúng thực tế. Nhiều số liệu không thống nhất nên việc nhận định, đánh giá không khớp nhau.

Tổng Liên đoàn lấy số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy ở thời điểm này, tiền lương tối thiểu của công nhân, người lao động hiện chỉ thoả mãn hơn 70% nhu cầu sống tối thiểu, theo tính toán thì còn thiếu 22%. Phía Tổng Liên đoàn đã thống nhất lộ trình tăng lương tối thiểu ngang bằng với mức sống tối thiểu kết thúc vào 2017. Từ nay đến thời điểm đó chỉ còn 2 năm.

Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho biết: Đề xuất tăng lương tối thiểu 16,8% của Tổng Liên đoàn được tính dựa theo công thức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, Tổng Liên đoàn chia đôi phần thiếu hụt lương tối thiểu 22%, mỗi năm phải giải quyết một nửa cộng với chỉ số trượt giá năm nay là gần 3% và tăng trưởng GDP (6%).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ đánh giá mức tăng lương tối thiểu này là hoàn toàn thực tiễn vì căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động còn thiếu, dựa theo công thức của ILO và tính đến "sức khoẻ" của các doanh nghiệp.

Có nghĩa là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tính đến các kịch bản của nền kinh tế trước khi đề xuất mức lương tối thiểu năm 2016. Tổng Liên đoàn cũng không hoàn toàn bỏ qua những lợi thế tạm thời có được của "lao động giá rẻ" khi so sánh tổng quan trong khu vực và thế giới.

Trong những căn cứ, đầu tiên phải khẳng định rằng, bức tranh kinh tế ở Việt Nam cuối năm 2014 và đầu năm 2015 sáng sủa hơn nhiều cùng kỳ trước đó: GDP tăng hơn 6%; sự đổi mới của các doanh nghiệp theo chiều hướng tích cực, số doanh nghiệp mới sinh ra nhiều hơn số doanh nghiệp "chết đi"; Số doanh nghiệp tăng vốn nhiều hơn; mức việc làm tăng, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp, dao động ở 2%.

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam và nhiều doanh nghiệp FDI có lãi. Với tất cả những con số đấy có thể thấy bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2015 sáng sủa hơn năm 2014. Khi tăng lương tối thiểu năm 2014 thì nhiều doanh nghiệp ái ngại nhưng vẫn thống nhất được mức tăng 14,3% thì với tình hình kinh tế khả quan hơn trong năm nay thì mức tăng 16,8% của Tổng liên đoàn đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Trong khi khối doanh nghiệp chỉ đề xuất tăng khoảng 10%.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, phải khẳng định rằng, với mức lương các doanh nghiệp đề xuất sẽ không giải quyết được những vấn đề trong đời sống công nhân lao động. Bên cạnh đó, mức tăng lương như vậy không kích thích tăng năng suất lao động.

Thử hỏi một người đói làm sao tạo ra được năng suất lao động cao. Với khoảng lương trên 3 triệu thì người công nhân, lao động phải chi phí 70% để nuôi con, trợ cấp cho gia đình.

Bên cạnh đó công nhân phải chi tiền lương cho phí sinh hoạt, thuê nhà trọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và chi cho đời sống văn hoá, tinh thần... Chúng tôi đã khảo sát đời sống công nhân ở 4 vùng lương thì họ không thể thuê được ngôi nhà khoảng 700 - 800 nghìn/tháng, nếu công nhân có chung tiền vào thuê thì cũng chỉ đủ tiền thuê nhà mức 500 - 600 nghìn/tháng.

Việc tăng lương ảnh hưởng lớn đến gần 80% công nhân lao động (trong tổng số trên 10 triệu công nhân, người lao động Việt Nam) vì họ đang nhận được đồng lương rất thấp. Đời sống công nhân lao động hiện tại là rất khó khăn, không khả quan như nhiều đánh giá.

Đời sống vật chất, tinh thần và kể cả cơ hội phát triển lực lượng, là phát triển về thể lực, trí lực, thái độ lao động... gặp rất nhiều hạn chế vì vậy việc tăng mức lương tối thiểu phù hợp sẽ tạo tác động tích cực đến đời sống công nhân lao động.

Hoa Hằng Tùng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm