Học cách nhìn lên trời

18/05/2015 13:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) -

“Bóng trăng trắng ngà,

Có cây đa to,

Có thằng cuội già,

Ôm một mối mơ”.

(Bài hát Lê Thương - lời đề từ cuốn Sông Ngân khi tỏ khi mờ, NXB VHTT, 1998 (song ngữ Việt - Pháp).

Trong tuần qua, chúng ta ngước lên trời mấy lần? Có thể chẳng lần nào cả. Ban ngày thì trời nắng như đốt như thiêu, vả lại đường sá chật như nêm, nghếch mắt ngó nghiêng, lỡ tông phải xe khác thì khốn.

Tuần qua, nếu may mắn có mặt trên Quảng trường Đỏ, có thể chúng ta cũng ngước nhìn lên trời, để ngắm dàn máy bay khủng của nước Nga bay lượn trong ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít.

Nhưng một ngày trước đó, nước Nga cũng phải trải qua một thất bại khi con tàu vũ trụ bị biến thành một đám cháy sau mấy ngày phóng lên.

Trước đó, chúng ta cũng hơi lo lắng một chút khi hay tin con tàu này sẽ lao xuống Trái đất này, vốn đã kín đặc người. Mặc dù cái đầu của chúng ta, căn nhà của chúng ta chỉ bé bằng cái chấm so với Trái đất, nhưng biết đâu đấy, vị khách không mời nặng hàng tấn kia có thể lao xuống trúng vào nhà mình? Hãy xem một chú chim nhỏ bé mà đã đâm móp mũi máy bay của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỹ thì đủ biết ở tốc độ cao, lực tác động mạnh mẽ cỡ nào...

***

Suy nghĩ vẩn vơ, ta mới thấy rằng hóa ra trong cuộc sống đời thường bị “áo cơm ghì sát đất” này, dù ta không quan tâm lắm đến bầu trời thì trên đó vẫn có rất nhiều thứ có thể tác động tới chúng ta. Đôi khi trên đó cũng loạn xạ, nhí nhố chẳng kém gì dưới mặt đất... Các phi hành gia trên Trạm vũ trụ ISS cũng biết chụp ảnh tự sướng gửi xuống Trái đất. Còn bây giờ, họ sẽ phải dè sẻn khổ sở một chút vì con tàu chở hàng tiếp tế của Nga nói trên đã đứt gánh giữa đường...

Nếu như ở dưới mặt đất, bỗng dưng phát hiện ra một lô đất sắp được thừa kế, hoặc một mỏ dầu chưa được khai thác thì rất có thể, các anh em một nhà, các quốc gia hữu hảo láng giềng sẽ nện nhau chí tử. Vậy mà, bỗng dưng tuần qua phát hiện ra cả một thiên hà mới mà hầu như chẳng thấy ai quan tâm.

Xin được nói rõ là phát hiện ra cả một thiên hà mới, chứ không phải chỉ là một ngôi sao vớ vẩn như... Mặt trời của chúng, càng không phải một hành tinh, hay một vệ tinh lặng lẽ xoay quanh như... Trái đất và Mặt trăng.

Một thiên hà bao gồm tất cả những thứ như thế, nó tương đương với dải Ngân hà mà hệ Mặt trời của chúng ta đang tồn tại một cách rất khiêm tốn.

Thiên hà mới có tên là EGS-zs8-1, nó nằm đâu đó ngoài rìa của vũ trụ, được hình thành sớm nhất sau vụ nổ Big Bang, nên được cho là cổ xưa nhất và cách xa Trái đất nhất, tới 13,1 tỷ năm ánh sáng...

Nghe thật là mơ hồ, nhưng việc nó tồn tại đâu đó trong vũ trụ là sự thật.

***

Ta tự hỏi, tại sao có những điều to lớn như thế vẫn tồn tại ngay trên đầu chúng ta, giữa bầu trời đêm mênh mông đầy sao này mà chúng ta lại chẳng hề biết, chẳng hề quan tâm?

Trên đó có thể có cả một thế giới, mà không, có thể có nhiều thế giới.

Chúng ta chẳng cần biết vì chúng ta chỉ nhìn dưới mặt đất.

Bất kỳ ai đọc cuốn Sông Ngân khi tỏ khi mờ của GS Nguyễn Quang Riệu cũng phải tự đặt ra câu hỏi đó. Bởi cuốn sách đó đã đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú trong vũ trụ mênh mông này.

Sau khi đọc cuốn sách đó, tôi luôn có cảm giác muốn bay lên mỗi khi nhìn vào bầu trời đêm, bởi tôi biết, đó chính là cánh cửa lớn để bước vào sự vô thủy, vô chung của trời đất.

Đọc cuốn sách đó, ta sẽ thấy rằng, cuộc sống dưới mặt đất này vô cùng bé nhỏ và mong manh, nhưng cũng chính vì thế mà sự tồn tại của nó đã là một may mắn diệu kỳ, chẳng khác nào giành được ân huệ của Thượng đế hay có được số độc đắc trong bài toán xác suất của vũ trụ.

Đọc Sông Ngân khi tỏ khi mờ, với lời bài hát của Lê Thương làm đề từ, người ta sẽ không còn cảm giác thờ ơ đến vô cảm trước các thông tin về vũ trụ nữa, bởi người ta đã được học cách nhìn lên trời.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm