Nhớ vô cùng, Trường Sa

15/02/2013 07:40 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Chiều cuối năm 2012, anh Trần Trọng Văn, quay phim của Đài Truyền hình Hà Nội, gọi điện hỏi: Này, em nhớ chuyến đi Trường Sa năm ấy không?

Trời, nỗi nhớ của tôi chỉ chờ có người chạm khẽ, là ào ra. Không phải nỗi nhớ những kỷ niệm đã qua. Nghề báo, hai mươi năm cho tôi nhiều cơ hội đến những vùng đất lạ, dù chỉ ghé qua một đêm (trên đỉnh 2.805 mét Phanxipăng) hay ở lại hai mươi ngày (trong một căn phòng nhỏ thuộc thành phố Busan, Hàn Quốc)…, nơi nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Nhưng Trường Sa thì không phải là kỷ niệm.

Đầu năm 1995, nhà báo Đỗ Phượng, khi ấy là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, gọi tôi sang phòng và bảo: Có muốn đi Trường Sa không? Năm đó tôi là một phóng viên trẻ, rất trẻ, mới hơn một năm tuổi nghề, hành trang nhẹ như không. Trường Sa trong hiểu biết non nớt, có phần lãng mạn của tôi khi ấy gần như chỉ là tưởng tượng về những chàng trai đầu trọc lóc đợi mưa trên đảo Sinh Tồn (thơ Trần Đăng Khoa). Chỉ tới khi gặp anh Trần Bình Minh, chị Thu Uyên (chưa làm sếp như bây giờ nhưng đã rất nổi tiếng), chị Kim Cúc (sau là Phó giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), anh Lê Quang Vinh (báo Lao động), anh Quang Đạo (báo Nhân dân), anh Nguyễn Như Phong (bây giờ là Tổng biên tập báo Năng lượng),… cùng rất đông các cây bút tên tuổi khác mà lúc đó tôi chỉ biết ngưỡng mộ qua các bài đọc trên báo, ở nơi tàu xuất phát (Tân Cảng, TP.HCM), tôi mới lờ mờ hiểu được tầm vóc của chuyến đi mà mình may mắn có một. Titan, con tàu hiện đại nhất của hải quân lúc bấy giờ, đưa đoàn nhà báo (hình như là đông nhất từ trước tới lúc đó), cùng với nhiều nghệ sĩ và văn công ra với Trường Sa.


Đảo Đá Tây giữa sóng nước biển Đông

Khởi hành như một chuyến đi biển vô cùng lãng mạn, như mọi cảnh con tàu rời bến trong các bộ phim. Từ trên boong tàu, tôi nhìn thành phố xa dần, bắt đầu cảm nhận được vị ẩm và mặn trong gió thổi về từ cửa biển. Nhưng những cảm giác lãng mạn với biển bị dập tắt ngay khi chưa đầy nửa ngày sau khi rời bến, tàu chúng tôi gặp sóng lừng. Không gặp may, mấy anh thủy thủ nói thế, vì cuối tháng Ba, đầu tháng Tư lúc đó, vốn là thời gian biển yên trời lặng nhất. Các anh kể nhiều lần ra đảo vào tháng Mười hai, tháng mà những người lính ngoài đảo mong tàu nhất, thủy thủ cũng say, mà say quá phải ra boong nằm, lấy dây buộc người vào tàu cho khỏi rớt. Chúng tôi không đủ sức bò ra boong nằm, mà dán chặt vào giường, dán đến nỗi, về sau, toàn bị trêu là rệp, đầu óc quay cuồng chẳng biết trời đất là gì, miệng thì nôn thốc nôn tháo, khi không nôn, mấy em văn công Quân khu 3 gọi mẹ quá trời. Không biết lên tàu vũ trụ thế nào, nhưng dưới Trái đất, nghe nói say sóng, mà nhất là sóng biển, khủng khiếp nhất, có lẽ đúng. Say quăng quật mà không chạy đi đâu được, mà sóng vẫn tiếp tục nhồi từng đợt này sang đợt khác. Chúng tôi nằm bẹp như thế một ngày một đêm. Các anh nuôi vẫn cần mẫn tới giờ ăn bưng vào phòng khi thì cơm, sau chuyển sang cháo, rồi lại bê đi, mâm bát nguyên trạng. Duy nhất trong đoàn có một người gần như hoàn toàn tỉnh táo, không phải mấy anh nhà báo to khỏe, mà là… chị Thu Uyên. Về sau nghe nói bí quyết không say sóng của chị (không biết chính xác bao nhiêu phần trăm) là… uống rượu say để khỏi say sóng!

Tạnh sóng lừng, vẫn chưa thấy Trường Sa. Cứ mỗi sáng, chúng tôi lao lên boong tàu, nhìn tứ phía, thắc thỏm tìm một dấu hiệu của đảo. Nhưng mênh mông quanh tàu chỉ là biển, biển thật sự, không phải “biển giả vờ” nơi các bãi tắm Nha Trang, Vũng Tàu, Cửa Lò, Đồ Sơn. Xanh thẳm như một thứ thạch đặc quánh vào ban ngày và đen thẫm rờn rợn khi đêm về. Ban ngày cá chuồn bay rào rào quanh tàu, chúng tôi dùng vợt vợt cá như vợt bướm. Buổi tối, từng đàn cá mực lượn lờ quanh vùng nước sáng đèn pha. Những con cá mực ngố chưa từng thấy, “tay” ôm chặt con cá chuồn được mắc làm mồi câu, bị lôi thẳng lên boong tàu, con nào con nấy nằm chật cả cái xô nhựa… Chỉ ở đây mới hiểu được sự giàu có và hào phóng của biển. Và chỉ ở đây, mới cảm được sự vô cùng của biển, sự nhỏ bé và chông chênh nhưng lại vô cùng dũng mãnh của con người. Con tàu Titan đồ sộ thế ở Tân Cảng, giờ này chỉ như… con thuyền vỏ trấu của Nô-e, vậy mà nó cứ đi, miệt mài, lầm lì về phía không bờ. Như những con người gắn bó với biển khơi, biết cái hữu hạn của mình nhưng cũng biết cái vô hạn của khát khao chinh phục.

Tác giả cùng người lính trên đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, năm 1995

Đến sáng ngày thứ ba thì có thông báo: sắp tới Trường Sa Lớn, thủ phủ của quần đảo Trường Sa. Chúng tôi đứng hết trên boong, nai nịt gọn gàng để sẵn sàng lên đảo. Nhưng không đơn giản thế. Do các bãi đá ngầm san hô san sát quanh đảo, để an toàn, tàu buộc phải thả neo ngoài xa và dùng xuồng đưa người vào. Lên được xuồng cũng là một thử thách với những người lần đầu đi biển, lại là con gái. Vì sóng nhồi kinh khủng, xuồng tung lên rớt xuống với khoảng dao động cỡ một đến hai mét, làm sao đặt chân đúng điểm tựa trong tích tắc… Cuối cùng, một chiến sĩ hải quân của tàu đã quyết định dùng cánh tay mình làm thang cho chúng tôi bước xuống xuồng. Tôi không thể quên được hình ảnh của anh khi ấy với dáng đứng vững chãi và cánh tay trần rắn rỏi - một vẻ đẹp tưởng như chỉ có trong thần thoại. Nhưng vẫn chưa hết thử thách, vì xuồng cũng không thể cập sát bờ như những con đò trên sông. Để lên đảo, chúng tôi buộc phải lội một quãng qua bãi đá san hô ngầm, nước ngập ngang hông. Đang loay hoay không biết làm thế nào, vì chẳng ai biết trước tình huống này mà mang theo quần áo dự phòng (mấy anh con trai thì dễ rồi, nhưng còn bọn con gái, nhất là mấy em văn công…), thì nghe ào ào lính đảo. Những chàng trai tuổi đôi mươi, nước da rám nắng, họ chạy ào xuống nước, và chúng tôi vào đảo trên những cánh tay và đôi vai của họ. Trường Sa đón chúng tôi như thế, không phải là đất, mà là những cánh tay.

Những cánh tay rắn rỏi ấy thế mà hóa ra biết làm đủ thứ khéo léo và tinh tế. Biết trồng cây xanh trong những “vườn treo Babylon”, biết chắt chiu từng giọt nước ngọt quý hiếm, biết chăn những con bò béo mượt dù trên đảo không hề có cỏ xanh (và đôi khi vài cái áo biến mất cũng vì bò! Chúng thèm mùi mồ hôi người trên những chiếc áo), biết gói bánh chưng thoăn thoắt, biết xỏ kim mạng vá áo quần như ai, lại còn cần mẫn mài vỏ những con ốc vú nàng thành đủ dáng hình làm quà lưu niệm cho chúng tôi. Những cánh tay đã dựng lên cả một ngôi làng Việt Nam trên hòn đảo nắng gió (nắng Trường Sa đích thực là nắng và gió cũng thế, chúng có thể quật ngã những cơ thể và tinh thần yếu đuối) cũng là những bàn tay vụng về khi trao gửi - gửi một phong thư về cho người thân nơi đất liền, gửi một dòng địa chỉ hẹn gặp nhau, trao một bông hoa giấy tự gấp cho cô văn công hát rất hay, là run run khi lần đầu tiên chạm vào tay con gái…

Những chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn

Hôm sau thì chỉ có nhà báo được theo xuồng lên Đá Lát bởi hòn đảo chìm này vô cùng nhỏ bé, chỉ rộng đúng bằng một ngôi nhà! Khách hóa ra đông gấp nhiều lần chủ. Trên hòn đảo nhỏ xíu khi ấy chỉ có 7 chiến sĩ. Nếu Trường Sa Lớn là một ngôi làng Việt Nam trên biển thì Đá Lát là một ngôi nhà Việt Nam giữa mênh mông sóng nước biển Đông, ngồi trên nhà, khi triều lên, có thể thò chân xuống nước! Ấy vậy mà ở đây lại thiếu nước (dĩ nhiên là nước ngọt), các anh phải xếp tắm xuống hàng ưu tiên chót. Tháng Tư không mưa, trời Trường Sa xanh ngắt “màu xanh xứ sở”, ngay cả một Cơn mưa thăm thẳm xa khơi/ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời... (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn - Trần Đăng Khoa) cũng không có. Chỉ có những người lính sống bình thản trước những thử thách mênh mông: các anh khoe với chúng tôi những chiến lợi phẩm cá khô, vỏ ốc dành gửi về quê nhà, các anh reo lên khi nhận ra chị Kim Cúc, người vẫn nói trên đài (lúc bấy giờ cái đài nhỏ là vật duy nhất trên đảo mang hơi thở hàng ngày của đất liền đến với các chiến sĩ trên hòn đảo nhỏ này)… Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão/Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người/Như đá vững bền, như đá tốt tươi... không còn là thơ của Trần Đăng Khoa nữa, mà là thơ của họ, những chiến sĩ tôi đã gặp ở Trường Sa.

Ngày chia tay với Trường Sa Lớn, với Song Tử Đông, Song Tử Tây, với Sơn Ca, với Đá Lát cũng là một “ngày lịch sử” với tất cả chúng tôi. Khi tất cả đã trở về tàu, Titan chuẩn bị quay đầu hướng về đất liền, thì có chuyện. Chuyện là Hương, cô diễn viên xinh đẹp của đoàn văn công Quân khu 3 tự dưng đau bụng dữ dội. Bác sĩ trên tàu chẩn đoán: ruột thừa, và chỉ định: mổ! Nhưng mổ trên tàu sẽ không an toàn vì sóng vẫn lắc mạnh. Một quyết định “lịch sử”: đưa bệnh nhân quay trở lại Trường Sa, ca mổ được tiến hành trên đảo và người cầm dao mổ lần ấy đã không có cơ hội làm việc này nhiều năm nay! Ê-kíp truyền hình VTV lúc ấy, anh Trần Bình Minh, chị Thu Uyên, anh Phi Hùng quay phim lập tức bám theo, ghi hình ca mổ ruột thừa có lẽ là lần đầu tiên trên đảo. Vậy là ngày trở về của chúng tôi không có Hương. Khi Hương bình phục, cô sẽ trở về đất liền bằng chuyến tàu khác, khoảng một tháng sau. Vui buồn lẫn lộn, buồn vì người thiếu vắng, nhưng vui vì cảm giác như chúng tôi vẫn chưa rời Trường Sa. Về sau này tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại cô văn công xinh đẹp có vinh dự là người bệnh đặc biệt trên đảo Trường Sa năm ấy. Nghe nói cô không còn ở Đoàn văn công Quân khu 3, Hải Phòng, mà đã chuyển về Hà Nội. Chắc cô đã có gia đình và một cuộc sống ổn định. Nhưng tôi tin chắc rằng một tháng ở với Trường Sa sẽ là quãng đời kỳ lạ không thể nào quên với Hương.

Nắng Trường Sa đích thực là nắng và gió cũng thế, chúng có thể quật ngã những cơ thể và tinh thần yếu đuối

Cũng như tôi, dù không có một ngày đêm trọn vẹn trên một hòn đảo nào của quần đảo Trường Sa (do điều kiện hạn chế ở đảo, cả đoàn phải quay về ngủ đêm trên tàu), nhưng quãng thời gian ngắn ngủi ấy vẫn nằm sâu đâu đó trong tôi. Chỉ chờ một cú điện thoại, như chiều nay, Này, em có nhớ chuyến đi Trường Sa năm ấy không?, là nó bật dậy, như mới đó, hôm qua, hôm kia.

17 năm đã qua. Trường Sa giờ này nghe nói đã đổi thay nhiều, dân đông đúc hơn, phụ nữ không còn “ở trên tường” (những năm 1995 đó, đảo rặt đàn ông, các hoa hậu Bùi Bích Phương, Hà Kiều Anh,… trên ảnh lịch được các chiến sĩ dán đầy lên tường phòng ở, được yêu quý đặt tên cho những con chó nuôi trên đảo), đã có trẻ con đến lớp... Đã có nhiều, rất nhiều những chuyến tàu ra đảo, những con tàu hiện đại hơn… Tôi cũng đã đi nhiều hơn, đã đi xa hơn, vượt cả bờ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và còn muốn đi xa hơn nữa. Nhưng nếu bạn hỏi tôi về một nơi nhất định phải đi, thì tôi sẽ nói: Trường Sa. Nơi tất cả đều trần trụi, không che chắn: nắng thì rát, gió thì mặn, biển tận cùng, sóng dữ dội, và khi ấy, bạn sẽ biết được mình là ai, mình thuộc về nơi đâu.

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm