Lê Thiết Cương và Eva Lindskog: Giữa "Còn & Mất"

15/03/2011 14:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một triển lãm ảnh đặc biệt đánh dấu sự hoạt động trở lại của họa sĩ Lê Thiết Cương và gallery của anh (làm cùng một người bạn Thụy Điển). Còn & Mất, sẽ khai mạc 16h30 ngày 18/3 đến hết 28/3 tại 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội chứa đựng rất nhiều sau những - gì - nhìn - thấy. Họa sĩ Lê Thiết Cương đã trò chuyện với TT&VH về sự kiện này.

Viết báo, tản văn, minh họa, làm sách với Lê Thiết Cương đã là nghề. Nhưng không bao giờ anh làm hàng chợ. Anh làm triển lãm này tặng Eva Lindskog không nhằm chứng minh năng lực nhiếp ảnh, mà chia sẻ cùng người xem những dấu ấn. Cơ duyên của triển lãm thật lạ. Bà Eva quốc tịch Thụy Điển, 67 tuổi, đã có 20 năm sống tại VN, là một người bạn của anh. Eva Lindskog là nhà xã hội học, làm các dự án tại VN. Bà không có nhà riêng, mà thuê nhà. Năm 2001, Eva mua bức bột màu của anh, vẽ nhà sư khất thực, qua một gallery ở TP.HCM, nơi bà đang sống. Năm 2003, bà tới Hà Nội và tình cờ biết nhà anh. Eva chụp rất nhiều ảnh VN và anh muốn một lần nữa, làm triển lãm cùng bà để chia tay như kỷ niệm trước khi bà về nước. Các triển lãm ảnh của Eva đều do anh tổ chức như triển lãm: Việt Nam 80 - 00 (giai đoạn 1980 - 2000) tại gallery 39 vào tháng 9/2007 và tháng 12/2007 bày tiếp ở Bảo tàng Dân tộc học.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhiếp ảnh gia Thụy Điển Eva Lindskog

* Anh nói rằng, anh và Eva Lindskog có 99% khác nhau. Chỉ 1% giống nhau mà một hợp thành triển lãm?

- 99% khác nhau: Eva là phụ nữ, người nước ngoài chụp ảnh VN, tôi là đàn ông, người VN; Eva là nhà xã hội học; tôi là họa sĩ, Eva chụp phim đen trắng Kodak; tôi chụp máy kỹ thuật số Canon 5D Mark II, ảnh màu; Eva trưng bày loạt ảnh chụp từ 1975 - 1989; tôi đưa ra hình ảnh từ 1997 - 2010.

Nhưng chúng tôi lại có 1% cái chung: chúng tôi cùng được coi là nhiếp ảnh không chuyên, song lại cùng quan niệm về nhiếp ảnh. Như mỹ thuật, nhiếp ảnh chỉ có 2 loại: nhiếp ảnh và nhiếp ảnh ứng dụng (gồm ảnh quảng cáo, ảnh phong cảnh, ảnh nude). Nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác. Nó có 3 chức năng, cũng là 3 thuộc tính bắt buộc: trung thực, lưu giữ, thời điểm. Chụp ảnh, là để những khoảnh khắc không mất đi mà còn mãi.

* Đặt tên triển lãm Còn & Mất, anh đẩy sự quyết liệt đến đối cực này thực ra nhằm níu giữ?

- Thời hiện tại nhịp sống nhanh, nhiều cái mới đến và mất đi, chúng không hủy diệt mà thay thế nhau. Nhiếp ảnh sẽ làm gì nếu không lưu giữ lại? Chúng tôi dành nhiều tâm huyết cho đề tài Hà Nội, ở đó, chất chứa bao tiếc nuối, lưu luyến.

* Cảm nhận của anh về ảnh của Eva Lindskog?

- Bốn tháng trước, tôi soi 800 tấm phim để chọn 20 ảnh cho Eva, tất cả phóng khổ 30x45 lồng khung trắng. Tôi đánh giá cao những bức ảnh có tính phát hiện. Chúng tôi không bao giờ dàn dựng, ép ý cho ảnh hay “bày” mọi thứ lồ lộ.

Eva đến VN lần đầu tháng 3/1975. Bà chụp bức những người dân Hải Phòng đứng ở ngã tư xem bản đồ chiến sự quân ta đã giải phóng Tây Nguyên. Đáng chú ý có bức 5 cô gái cười, mặc giống nhau đứng dưới hiên nhà Dịch Vọng, sau họ là 4 xe đạp, trước họ là 1 chiếc xe có biển số. Hình ảnh gợi cho tôi nhớ một thời con người ta giống nhau cách nghĩ, cách lo, mong muốn và buồn nản cũng gần như nhau và... không có mốt.

Ảnh của Eva Lindskog

Hay bức toa tàu chở hàng đỗ ở xa, trên đó chất các cuộn dây điện to và hàng chữ “You go Slava”. Hóa ra, giúp chúng ta, có cả CHLB Nam Tư (cho dây điện). Bức khác: tàu điện chạy qua góc phố vuông, bọn trẻ đu phía đuôi tàu, chỗ thường vẫn để quang gánh. Tàu điện chỉ còn chạy trong hoài niệm và ước mong tái hiện. Cũng như ảnh phố Tràng Tiền toàn người đạp xe và đi bộ.

* Còn ảnh của anh?

- 20 bức ảnh màu của tôi phóng 3 cỡ 18 x 24, 30 x 45, 50 x 75cm.

Hà Nội có đời sống và ngôn ngữ biến động. Tôi có kiểu ảnh nhằm lưu giữ hình ảnh ở khía cạnh ngôn ngữ. Bên vỉa hè phố Hàng Vải, hai ông già tựa lưng vào tường. Một ông hút thuốc lào, phía sau đề chữ “Đây! Thuốc lào hết ý”. Bên phải, ông già hút thuốc lá ngồi bên 2 cái xe đạp lòng thòng săm, tường ghi chữ vôi “Vá xe 9 thay vành”. Bây giờ tìm đâu ra hàng vá chín, người ta vá bằng miếng dán ăn liền nên từ “vá chín” không còn sử dụng, từ “hết ý” ít dùng.

Ảnh của Lê Thiết Cương

* Trong biến động gấp gáp của đời sống Hà Nội đang bị lai tạp, xô bồ hóa, chụp những bức ảnh “lưu giữ” ấy, anh có tìm được câu trả lời?

- Không chỉ riêng Hà Nội, mà nhiều phong tục, mỹ tục truyền thống đang mai một, lược giản và biến mất với tốc độ báo động. Tôi chộp được cảnh đôi vợ chồng trẻ phóng xe SH đèo đứa con ở giữa, chạy giữa phố cổ ngày áp Tết 2002. Phía đuôi xe buộc cành đào. Đó chưa phải thông tin ý tưởng. Mà là bó mùi già cạnh đấy. Một cặp vợ chồng giao lá xông buổi sáng cho quầy lá đầu chợ Hàng Bè. Cái chợ lâu năm ấy của Hà Nội đã không còn. Gia đình tôi vẫn tắm lá mùi cuối năm. Bao nhà giữ phong tục ấy? Khi chụp, đưa ra công chúng, tôi muốn người xem đồng cảm để có chữ “Còn”.

* Một mình lo toàn bộ công việc chuẩn bị. Đó là đáp lại một tình yêu VN của Eva?

- Gallery của tôi hoạt động phi lợi nhuận, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong sự thâm hụt kinh tế dài dài của ông chủ, nhưng tôi chấp nhận vì cần có sự cống hiến; cứ lo hơn thiệt thì chẳng có ai làm. Tôi lo in, dịch giấy mời, sách và mọi khâu chuẩn bị. Chi phí 6.000 USD cho sự kiện này, hai tác giả chia đôi. Riêng in sách ảnh 4.400 USD, 300 cuốn khổ 28x20cm, in song ngữ cũng chỉ để... tặng; vì đa số mọi người chỉ thích tặng hoặc nhăm nhăm xin chứ không chịu mua (cười).

Bà Eva có mặt tại Hà Nội ngày 13/3 và ở lại tới hết triển lãm. Cuối tháng 4, Eva về Thụy Điển, bà sẽ sống tuổi già tại quê hương mình. Eva có 1 con gái tên Liên, cô có con trai và sắp sinh con gái. Liên từng sang VN gần 20 năm trước. 20 năm sống tại VN, quãng thời gian dài trong đời người, đã đến lúc Eva trở lại Bắc Âu, đoàn tụ với con cháu. Tôi tin nhiều người sẽ đến xem và chia sẻ với Eva cùng tôi. Tôi làm sự kiện cho người bạn vong niên này, bởi phía sau không chỉ như tên triển lãm, mà chính là tôn vinh tình yêu VN sâu nặng của những người như kiến trúc sư Kazic với Mỹ Sơn, nhà văn Lady Borton, như Eva... Tình yêu ấy không thể hỏi và không thể lý giải, khi tôi thấy họ yêu VN như người VN vậy.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc triển lãm thành công.

Gia Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm