Robert Mihagui: Vẽ để tìm bóng mẹ Việt Nam

09/01/2011 17:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Họa sĩ Robert Mihagui mang hai dòng máu, cha người Pháp, mẹ người Việt. Ông sinh năm 1945 tại tỉnh Vĩnh Phú, năm 13 tuổi ông theo cha về Pháp nhưng nỗi nhớ quê mẹ chưa bao giờ nguôi.

Năm 1998, ông về Việt Nam để đi du lịch, ông thấy Việt Nam, nhất là Sài Gòn vẫn còn nhiều nét thân quen như thuở nhỏ ông từng sống nơi đây trước khi sang Pháp, nên quyết định thường xuyên về. Kể từ đó, mỗi năm ông sống ở Việt Nam khoảng 6 tháng.

Hơn 10 năm đi tìm mẹ

Sống trong cảnh cũ, Robert càng nhớ đến người mang nặng đẻ đau sinh ra mình. Cụ bà tên Nguyễn Thị Sinh, sau năm 1954 theo chồng vào Sài Gòn nhưng rồi đến lúc phải chia lìa.

Robert nhớ lại đầy ân hận: “Khi tôi bị lùa lên tàu theo cha về Pháp, tôi không nghĩ là mình mãi mãi cách xa người đã sinh ra mình. Thuở trẻ, tôi mải vui sống mà quên rằng có một người ở Việt Nam luôn nhớ mong tôi. Khi bắt đầu có tuổi, tôi mới ý thức đi tìm nguồn cội, nhưng mọi việc dường như quá trễ”.

Họa sĩ Robert Mihagui tại triển lãm Sắc màu quê hương: Đông và Tây
Suốt những năm 1998 - 2010, Robert luôn đi tìm mẹ mình trong niềm hy vọng. Đầu mối của việc tìm kiếm này là những lá thư xưa kia mẹ ông đã gửi cho cha. Ngoài những lá thư này, mọi sự như mò kim đáy bể.

Đến tháng 7/2010, nhờ một bạn gái người Việt dò tìm, Robert lần được đến nhà người viết thư thuê năm xưa. Ở Sài Gòn một thời, nghề viết thư thuê hoặc dịch thư thuê ở các bưu điện rất nhiều. Đến nhà người “thông ngôn” cho những cánh thư năm nào, thì người đó đã qua đời, chỉ còn lại người con của ông ta. May mắn người con ấy đã nhớ được nhà ở của cụ bà Nguyễn Thị Sinh - vì cụ là khách hàng ruột của cha mình.

Cầm được địa chỉ nhà mẹ, Robert vui mừng hơn cả vẽ được một tuyệt tác. Nhưng trời cao ít chiều lòng người. Đến nơi tưởng gặp được mẹ, Robert mới hay tin mẹ ông đã mất năm 1992. Hiện tro cốt của cụ bà đang nương náu tại chùa Kỳ Quang 2 (Q. Gò Vấp, TP.HCM). Ngôi nhà mẹ ông sống trong những năm cuối đời, trong nỗi cô đơn nhung nhớ con trai mình là nơi mà người tốt cho ở nhờ.

Robert nói, nếu cuộc đời có “giá như” thì: “Tôi sẽ giá như mình còn mẹ và giá như tôi không rong chơi suốt một thời trai trẻ, để tôi còn nhìn thấy mẹ và mẹ nhìn thấy tôi một lần - dù là lần sau chót”.

Kỹ thuật phương Tây, hồn phương Đông

Tháng 12/2010, Robert có cuộc triển lãm cá nhân tại gallery Phương Mai (129B Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) mang tên Sắc màu quê hương: Đông và Tây. Những bức tranh trong triển lãm này được hình thành từ kỹ thuật hội họa của phương Tây và cảm xúc của phương Đông. Ngắm những bức tranh sơn dầu của Robert, thoạt tiên nghĩ rằng đây là tranh thủy mặc vì sắc màu của tranh phương Đông chi phối nhãn quan và khối óc của người xem.

Tuy nhiên, Robert đến với hội họa không chỉ có vẽ. Ông còn sẵn sàng làm một người thợ cho những công trình mang dấu ấn tâm linh. Một tác giả người Pháp viết về Robert Mihagui rằng: “Năm 1975, ông đã dành 6 tháng tham gia phục hồi mái vòm của nhà thờ Saint Augustin (Paris), và tin rằng không có cảm hứng nào tốt hơn so với việc trưởng thành từ công việc thực tế trong một nơi có tâm linh như vậy”.

Robert là một người kín đáo và khiêm tốn. Từ năm 1990 tại Paris, những bức tranh của Robert Mihagui đã đạt giá khoảng 1.300 USD trong một cuộc đấu giá nghệ thuật. Từ năm 2006 đến nay, Robert đã có 7 cuộc triển lãm cá nhân sau hơn 10 cuộc triển lãm chung. Trong 7 cuộc triển lãm cá nhân này, ông có 3 lần triển lãm tại Việt Nam. Cuộc triển lãm mới nhất tại gallery Phương Mai, ông đã cố dùng kỹ thuật tranh sơn dầu phương Tây nhằm biểu đạt được hình bóng quê hương của người mẹ phương Đông trong đó.

Vẽ quê hương để thấy bóng mẹ mình

Robert ao ướt được về Vĩnh Phú (nay chia thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) để ngắm nhìn nơi mẹ ông sinh ra và vẽ tranh về nơi này. Nhưng ao ước đó giống như “cưỡi ngựa xem hoa” vì ông chưa sống đủ để hiểu về mảnh đất ấy.

Ông đang ấp ủ thực hiện một loạt tranh về Sài Gòn xưa. Sài Gòn “hòn ngọc viễn Đông” với những kiến trúc và nếp sống tiêu biểu như thuở thiếu thời ông sống. Với loạt tranh này, Robert sẽ vẽ “tả thực” thông qua những gam màu của trí nhớ. Nếu loạt tranh này hoàn chỉnh, có lẽ là lần duy nhất và cuối cùng Robert tự phá đi phong cách trừu tượng và hậu ấn tượng của mình. Ông phá đi phong cách mấy chục năm theo đuổi để vẽ về Sài Gòn, đơn giản vì muốn mượn cảnh xưa để thấy lại bóng mẹ mình.

Như cánh chim tìm về tổ ấm Việt

Mùa Xuân năm nay, họa sĩ Robert ăn Tết Việt Nam cũng như suốt 12 năm qua ông đã làm vậy. Robert bắt đầu về nước khi châu Âu vào mùa tuyết rơi, ông như những cánh chim tìm về tổ ấm của mình sau bao năm lưu lạc, sống đến hết mùa Xuân đất Việt mới trở lại Pháp.

Vị họa sĩ tuổi ngoài 60 cho biết, hiện bạn bè con lai như ông có nhiều người muốn tìm lại mẹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, vì thế hệ con lai Pháp như Robert cùng sinh ra trước năm 1954, đến nay gần như không còn bao nhiêu người mẹ còn sống để họ tìm về nhận mặt.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm