Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng'

22/12/2023 07:05 GMT+7 | Văn hoá

Đang diễn ra tại Hà Nội đến ngày 29/12, triển lãm Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật giới thiệu hơn 40 tác phẩm được chọn ra từ hơn trăm bức in trong cuốn sách cùng tên của ông cũng được ra mắt trong dịp này.

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đều tiêu biểu cho các giai đoạn sáng tác trong sự nghiệp của họa sĩ Linh Chi (1921 - 2016), từ những bức tranh và ký họa thời kháng chiến chống Pháp đến sau này, cũng như đầy đủ các đề tài mà ông quan tâm. Đó là phụ nữ áo dài, sơn nữ, phong cảnh nông thôn, miền núi và các chất liệu sở trưởng của ông như lụa, bột màu, khắc gỗ,…

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 1.

Tác phẩm “Tự họa”, phấn màu, 1975 của họa sĩ Linh Chi

"Trong tôi vẫn là người Việt Nam"

Vốn được sinh ra trong một gia đình Nho học, ngay từ nhỏ, họa sĩ Linh Chi đã được theo học các thầy tài danh như Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lương Ngọc, Đoàn Phú Tứ… Ông mê vẽ từ nhỏ, và ngay từ khi lên 8 tuổi đã biết phân biệt sự khác nhau giữa họa sĩ và thợ vẽ. Gia đình vốn khá giả, ông được học vẽ với các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Thân, và sau đó là Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 2.

Họa sĩ Lê Thiết Cương (bìa trái) tại triển lãm “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật”

Nhờ năng khiếu bẩm sinh và sự chuyên tâm, năm 1944, Linh Chi đã có triển lãm tranh riêng, bày ở phố Tràng Tiền. Vào thời điểm đó, ông được đánh giá là một trong những họa sĩ trẻ nhiều hứa hẹn.

Vốn được đào tạo cơ bản, am hiểu sâu sắc kỹ thuật hội họa phương Tây, Linh Chi mê thích tranh của họa sĩ Pháp Matisse từ thuở nhỏ. Thế nhưng, ông biết chắc lọc từ các họa sĩ phương Tây lối suy nghĩ và cách thể hiện tư duy, chứ tuyệt đối không bắt chước họ.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 3.

Không gian triển lãm “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật”

Sinh thời, họa sĩ Linh Chi vẫn thường nói: "Tôi rất yêu cái chói chang, mạnh mẽ của Matisse, cái dịu dàng mơ mộng của Hokusai, nhưng trên tất cả, tôi yêu văn hóa phương Đông, và cái cốt lõi cuối cùng trong tôi vẫn là người Việt Nam". Bởi thế, xem triển lãm Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật sẽ thấy thấm đậm phong cách phương Đông, nhuần nhuyễn chất Việt Nam, không sao lẫn lộn.

Như họa sĩ Ngọc Linh, người bạn đồng nghiệp với họa sĩ Linh Chi trong khóa Mỹ thuật Kháng chiến nhận xét: "Với những tác phẩm của bạn Linh Chi yêu thích, chuyên tâm nghiên cứu thể hiện sang tranh lụa vẽ thiếu nữ Hà Nội, phố vắng, nắng vàng Thu và hai đề tài về bà con dân tộc Mường ở Hòa Bình và bà con dân tộc Dao Đỏ ở tỉnh Tuyên Quang.  Suốt 50 năm cầm cọ, vẽ không biết chán, họa sĩ Linh Chi tìm tòi vẽ đi vẽ lại hai chủ đề dân tộc, bố cục trong tranh vẫn thế, sắc màu có đôi lúc chuyển biến nhè nhẹ trên các khuôn mặt thiếu nữ bầu bĩnh trái xoan theo cảm xúc của trái tim tác giả. Cho nên tranh lụa của bạn Linh Chi vẫn sống động và duyên dáng, truyền cảm xúc cho những người thưởng thức".

Trong cuốn sách Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật (NXB Hội Nhà văn) nhà nghiên cứu hội họa Việt Nam người Pháp Laurent Collin cho rằng tầm tài năng và khát khao của họa sĩ Linh Chi cần đánh giá đúng đắn hơn nữa qua những tác phẩm ông để lại.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 4.

Sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” (NXB Hội Nhà văn)

Theo Laurent Collin, họa sĩ Linh Chi không chỉ mô tả cuộc sống vui vẻ và đơn giản của các sắc tộc thiểu số trong những màu sắc tươi sáng hay phong cảnh nông thôn yên bình trong lúc đất nước đang ở trong chiến tranh. Hơn thế, từ thời gian này đến thời gian khác, ông đã vẽ những con phố vắng trong các thành phố, không chỉ là Hà Nội mà còn là Lạng Sơn, Hải Phòng, hoặc trước đó là cuộc sống hợp tác xã ở Tuyên Quang.

Còn nữa, về tinh thần của Hà Nội, ông đã thu lượm được những khó khăn của những năm 1960 với những gam màu tối và sự đơn giản mà thi vị của những ngày ấy với những người phụ nữ đội khăn đầu ngồi trên phố, cầm trên tay một cành đào Tết đang nở. Họa sĩ Linh Chi còn khắc trên gỗ (một kỹ thuật mà ông đã thành thạo) những cô gái mặc trang phục đơn giản đang chăm chỉ may vá trong xưởng.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 5.

Tác phẩm “Phố Lãn Ông”, lụa, 1997

"Gần gũi hơn, tôi nhớ đến một bức chân dung mực tàu đơn giản nhưng rất xúc động (được đánh dấu là tháng 1 năm 63) về vợ ông ngồi trên một chiếc ghế mây mặc đồ mùa Đông, tóc hơi bị xô lệch, ôm lấy con gái bé nhỏ của họ (Phượng) trên đùi với vẻ mặt buồn bã vô hạn trong đôi mắt của cô vì cặp vợ chồng vừa mất đi một đứa con trai nhỏ" - Laurent Collin cho biết.

"Tôi rất yêu cái chói chang, mạnh mẽ của Matisse, cái dịu dàng mơ mộng của Hokusai, nhưng trên tất cả, tôi yêu văn hóa phương Đông, và cái cốt lõi cuối cùng trong tôi vẫn là người Việt Nam" - họa sĩ Linh Chi.

Vẽ và sống là một

Chia sẻ tại triển lãm Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật, giám tuyển Lê Thiết Cương nhấn mạnh, tranh Linh Chi như một cuốn nhật ký, mỗi trang là một bức tranh.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 7.

Tác phẩm “Con gái họa sĩ”, lụa, 1981

"Ông vẽ bất kể những gì ông thấy, trước mắt, quanh mình. Ông vẽ hàng ngày, ghi chép, những bức tranh to bé khác nhau, những bức ký họa trên một tờ giấy tận dụng chỉ còn một mặt, những tờ bìa rọc vội. Những gương mặt người thân, bạn bè, gia đình, một dãy phố, một con đường quen thuộc, một cơn mưa mùa Thu, một hồi chuông của buổi tụng kinh chiều từ chùa Chân Tiên… Tất cả đều tự nhiên, đều vốn là như vậy, giản dị, mộc mạc như bản tính của ông" - Lê Thiết Cương bày tỏ - "Vẽ như hơi thở, cũng là tự nhiên, vẽ như sống, vẽ là sống. Với họa sĩ Linh Chi, vẽ và sống là một".

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 8.

Tác phẩm “Hai cô Mường”, bột màu, 1956

Trong khi đó, họa sĩ Mai Long, "đồng môn" với họa sĩ Linh Chi tại khóa Mỹ thuật Kháng chiến (1951 - 1954) tại chiến khu Việt Bắc cho biết, Linh Chi là "người đặc biệt ở khóa kháng chiến". Trong một cuộc trò chuyện với con gái của họa sĩ Linh Chi, họa sĩ Mai Long kể: "Lúc nào ông cũng thích vẽ… Ông là người nghệ sĩ hoàn toàn, tức là ông ít nghĩ về vật chất lắm, chỉ nghĩ về nghề nghiệp thôi".

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 9.

Tác phẩm “Thiếu nữ Hà Nội”, màu nước, 1957

Cũng chính từ khóa Mỹ thuật Kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy, cùng các giảng viên là các họa sĩ Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, v.v… đã giúp họa sĩ Linh Chi có điều kiện chuẩn bị cho bản thân một cách hệ thống hành trang tri thức rất cơ bản để có thể đi tiếp trên con đường dài nghệ thuật.

Họa sĩ Linh Chi, 'một quỹ đạo nghệ thuật riêng' - Ảnh 10.

Tác phẩm “Hoa giấy”, bột màu và màu nước, 1989

Cho mãi đến những năm tháng sau này, khóa Mỹ thuật Kháng chiến vẫn được họa sĩ Linh Chi nhắc nhớ bằng sự tự hào. Cụ thể, nhà nghiên cứu Laurent Collin cho biết: "Trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông nói rất nhiều và với sự ngưỡng mộ và tôn vinh về người thầy của mình Tô Ngọc Vân. Linh Chi là một trong những học trò ưu tú và gần gũi nhất của ông trong Lớp Nghệ thuật Kháng chiến ở miền Bắc".

"Họa sĩ Linh Chi khi đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn còn vẽ như ông đã làm không ngừng nghỉ trong hơn 50 năm. "Tôi không thể làm gì khác" - ông thú nhận. Ông quan tâm đến cảm xúc nhiều hơn là lý thuyết nghệ thuật, mặc dù nghiên cứu nghệ thuật là một trong những chủ đề yêu thích của ông. Ông rất khiêm tốn nhưng tự hào về những gì ông đã đạt được".

Cũng theo nhà nghiên cứu Laurent Collin, "Linh Chi đã để lại cho chúng ta một minh chứng rất riêng tư và giản dị về một quỹ đạo nghệ thuật riêng, hoàn toàn phản ánh một niềm đam mê thường ngày với việc vẽ tranh".

Họa sĩ Linh Chi tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh năm 1921 tại Vĩnh Phúc, mất năm 2016. Năm 1942, ông theo học bằng diplomare và học tiếp lên bậc tú tài, được các thầy Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai dạy văn hóa, các thầy Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Trân dạy hội họa.

Năm 1944, Linh Chi bày triển lãm lần đầu tiên với 43 tác phẩm là sơn dầu và bột màu tại Hà Nội. Từ năm 1951 - 1954, ông tham gia khóa Mỹ thuật kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Sau năm 1954, ông về công tác tại Nhà in Quốc gia sau đó chuyển về Xunhasaba.

Tranh của ông hiện đang được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng lớn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Đông Phương Moskva (Nga); Bảo tàng Á - Phi Warsaw (Ba Lan); Bảo tàng Á - Phi (Thụy Sỹ)...

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm