Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale

29/11/2023 13:00 GMT+7 | Văn hoá

Với lịch sử 129 năm tổ chức (kể từ 1895 đến nay), đại triển lãm Venice Biennale được xem như một "Thế vận hội - Olympic của mỹ thuật". Lê Hữu Hiếu là họa sĩ Việt đầu tiên chính thức được Ban tổ chức mời dự Biennale Venezia lần thứ 60 - năm 2024.

Ông Paolo De Grandis - Chủ tịch của tổ chức PDG Arte Communications, đại diện đơn vị tổ chức Biennale Venezia lần thứ 60 - đã có thư gửi tới Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Việt Nam về việc mời họa sĩ Lê Hữu Hiếu tham dự sự kiện này. Hồ sơ dự án nghệ thuật của Lê Hữu Hiếu đang trình Bộ VH,TT&DL xem xét. 

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu trong quá trình thực hiện tác phẩm

Hiện tại, họa sĩ Lê Hữu Hiếu đang trong quá trình chuẩn bị tác phẩm khổng lồ được thực hiện từ một ngôi nhà cổ Bắc bộ để dự cuộc đại triển lãm này. Anh có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN):

* Được biết hiện tại anh đang chuẩn bị tác phẩm để tham dự một sự kiện được xem là "Thế vận hội của mỹ thuật thế giới" - Biennale Venezia lần thứ 60 - dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2024 tại Italy. Anh đã chuẩn bị tác phẩm gì để giới thiệu với quốc tế?

- Tác phẩm tôi đang chuẩn bị cho sự kiện lần này có một cái tên rất ngắn gọn đó là "Tằm". "Tằm" ở đây hiểu theo đúng nghĩa đen của nó bởi tổng thể toàn bộ tác phẩm sẽ được phủ một lớp tơ tằm sống. Tằm được tôi nuôi và thả lên bề mặt của toàn bộ tác phẩm, sau đó Tằm sẽ tự dệt theo bản năng và tạo nên những hiệu quả thị giác cực kì bất ngờ.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 2.

Trong bộ tác phẩm lần này tôi dự kiến sẽ sử dụng hết khoảng hơn 100kg tằm sống, hiện tại tôi đang trong quá trình thực hiện. Tác phẩm sắp đặt bao gồm rất nhiều khối lớn riêng biệt, trong đó trung tâm là một căn nhà gỗ mít cổ của Bắc bộ được tôi mua về và phục chế lại. Tằm ở đây như một sự kết nối giữa các khối tác phẩm với nhau, về ý niệm sâu hơn có thể hiểu sợi tơ tằm như một sợi chỉ xuyên suốt, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện đại và truyền thống.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 3.

Quá trình thực hiện tác phẩm "Tằm" của Lê Hữu Hiếu

* Anh có thể chia sẻ chi tiết quá trình hình thành tác phẩm "Tằm" với kích thước khổng lồ này, thưa anh?

- Trở lại với tên gọi Tằm của tác phẩm, bản thân kén Tằm cũng là một sự liên tưởng đến một đặc điểm rất riêng biệt của dân tộc Việt nam, một đặc điểm duy nhất chỉ có ở người Việt và cũng chính nó đã giữ cho chúng ta hơn 4000 năm lịch sử luôn đứng vững và giữ được những gì đặc trưng nhất của mình. Đó chính là Văn hóa "Làng", từ thủa sơ khai cho đến những năm chiến tranh ác liệt nhất, "Làng" vẫn luôn là một thành trì vững chãi bảo vệ toàn vẹn con người và các giá trị văn hóa riêng của dân tộc Việt nam. "Làng" những khi bình yên như cái kén tằm nở bung ra thành con Ngài bay đi để tiếp tục cuộc hành trình. Khi có biến cố "Làng" cũng sẽ như cái kén Tằm đóng kín lại để tự bảo vệ mình. Trong "Làng" thì trọng tâm chính sẽ là "Nhà" và đó cũng chính là trọng tâm của tác phẩm.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 4.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 5.

"Tằm" sẽ được dệt từ những con tằm sống

Tôi đã mất nhiều thời gian để tìm được một ngôi nhà cổ Bắc bộ thật ưng ý. Tuy nhiên, ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đã xuống cấp nhiều nên phải phục dựng lại. Ngôi nhà cổ chính là sự liên tưởng gần gũi nhất đến nguồn gốc khởi thủy của cha ông khi bắt đầu xây dựng đất nước. Bên trong ngôi nhà tôi treo một chiếc kén tằm lớn, nó sẽ bồng bềnh như đám mây nhưng cũng tượng trưng cho Trời. Ở giữa là khối hộp hình vuông tượng trưng cho Đất, hoặc cũng có thể liên tưởng đến sự tích Bánh chưng – bánh dầy trong văn hóa Việt Nam.

Tiếp đến là sắp đặt về các vị thần trong Văn hóa Việt. Với đặc trưng thời tiết nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi và biển, các vị thần trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam đa phần xuất phát từ đặc điểm này. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng được cho là lâu đời nhất của người Việt có 3 vị thần chính đó là: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Trong tác phẩm tôi tập trung chính vào Mẫu Thượng Ngàn, với việc mô phỏng vị thần như những thân cây mọc lên từ rừng, trên bề mặt lồng ghép các hình ảnh hoa văn gốm cổ, trống đồng...

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 6.

Một góc ngôi nhà cổ Bắc bộ được Lê Hữu Hiếu phục dựng

Đặc biệt xuyên suốt các tác phẩm tôi sử dụng toàn bộ bằng gỗ Mít, một chất liệu gỗ đặc trưng và được cha ông cha ta sử dụng xuyên suốt lịch sử. Gỗ mít sau khi xẻ ra thành thanh được tôi bọc bằng vỏ trấu, rơm và đất sét, sau đó được thui qua lửa – quá trình này cha ông gọi là "hom đất". Gỗ sau khi được "hom" sẽ có màu sẫm và chống được mối mọt, cong vênh… Cuối cùng sẽ được phủ một lớp nhựa cánh kiến đỏ. Cách làm này nhằm bảo vệ tác phẩm một cách tốt nhất, cũng là một cách để lưu giữ những tinh hoa mà cha ông đã để lại. 

Phần vỏ mít, dăm gỗ được giã nhỏ kết hợp với một số loại cây, được đun sôi và nhuộm màu cho một số phần của tác phẩm. Thời xa xưa cách nhuộm vải ngày thường được dùng để nhuộm áo cà sa hoặc các loại túi vải khác dùng trong đời sống hằng ngày.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 7.

Phần 2 của tác phẩm tượng trưng cho Ngũ hành - Kim

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 8.

Mộc

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 9.

Thủy

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 10.

Hỏa

Phần tiếp theo của tác phẩm chính là bộ ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ). Trong văn hóa tin ngưỡng Việt Nam, âm dương và ngũ hành được học hỏi từ nên văn minh cổ đại của Trung Hoa. Ở nước ta đã sử dụng và biến hóa để đưa ra những cách thức và biểu đạt riêng, âm dương và ngũ hành qua hàng ngàn năm cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt.

Phần cuối của tác phẩm cũng chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị đã biến mất theo thời gian và những giá trị đang được bảo vệ. Bộ gồm 12 tượng rời, được lấy cảm hứng từ bộ tượng bảo vệ lăng Khải Định (Ứng Lăng). Tôi sử dụng ngôn ngữ chung và nhất quán về tạo hình bằng việc sử dụng các thanh gỗ Mít đan chéo kết hợp phần mô phỏng được đúc bằng nhựa. Điểm chung các bức tượng có vệt đỏ ở khuôn mặt, tôi lấy ý niệm từ việc xa xưa trong lúc hô thần nhập tượng, người xưa thường dùng tờ giấy màu đỏ và dán lên mặt của tượng trước khi làm lễ. Riêng bức tượng lớn nhất mô tả theo đúng bức tượng vị quan võ ở Ứng Lăng, tôi sử dụng màu đỏ như muốn nhấn mạnh hơn về sự tự hào Việt Nam máu đỏ da vàng.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 11.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 12.

Các bức tượng lấy cảm hứng từ Lăng Khải Định

Tháng 10/2021 MoCa Italia và Arte Laguna Studio tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên "Soul Energy" - "Năng lượng tâm hồn" của họa sĩ Lê Hữu Hiếu tại Arsenale Nord, Venice (giám tuyển bởi TS Chiara Canali). Với không gian triển lãm gần 1000m2, triển lãm đã gây kinh ngạc cho các cơ quan truyền thông, các giám tuyển và khán giả tại Italia cũng như Châu Âu. Đây không những là triển lãm chính thức đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam tại Italy mà còn là triển lãm cá nhân đầu tiên của một nghệ sĩ Châu Á tại Arsenale Nord, Venice.

* Theo anh tất cả những thông điệp kể trên có thể tạo ấn tượng với cho bạn bè quốc tế về mỹ thuật Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung?

- Tôi đã từng hỏi trực tiếp giám tuyển của tôi là Tiến sĩ Chiara Canali về việc có biết về Việt Nam không? Câu trả lời thực sự cũng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Cô ấy nói đây là lần đầu tiên cô ấy tiếp xúc và nhìn thấy tác phẩm từ một nghệ sĩ đến từ Việt Nam. Trước đó cô ấy chỉ mơ hồ về các sự kiện liên quan đến chiến tranh Việt Nam. 

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 14.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu (bìa trái) tại cuộc triển lãm cá nhân ở Venice, Italy năm 2021

Cô ấy nhận lời làm giám tuyển của tôi ở triển lãm "Năng lượng tâm hồn" đơn giản bởi vì chất lượng tác phẩm và cô ấy nhìn thấy tôi còn có tiềm năng đi xa trong tương lai. Cô ấy nghĩ tôi là người Việt Nam đang hoạt động ở Italy chứ không nghĩ là tôi hoàn toàn sống và làm việc tại Việt Nam. Trước khi triển lãm diễn ra tôi gửi các hình ảnh qua email cho cô ấy và cơ bản thì cô ấy cũng không quá nhiệt tình. Tuy nhiên khi thực sự nhìn thấy bộ tác phẩm thì là một cảm giác choáng ngợp. Đặc biệt hơn khi tôi mở tiếp trình bày về dự án mới tôi "Tằm" đang thực hiện. Sau khi xem xong cô ấy đã nói ngắn gọn với tôi rằng: Với tác phẩm này, chúng ta phải nghĩ đến việc cạnh tranh "Sư Tử Vàng" danh giá của Venice Biennale!

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 15.

Khán giả xếp hàng vào dự triển lãm "Năng lượng tâm hồn" của Lê Hữu Hiếu

Trong buổi làm việc với phóng viên kì cựu hơn 30 làm việc cho New York Times - Robertbaldride, ông ấy nói đã từng đến Việt Nam vào những năm 2000, chuyến đi theo cựu Tổng thống Bill Clinton đã để lại ấn tượng cực kì sâu sắc. Mặc dù thời gian ở Việt Nam ít những ông thực sự yêu Việt Nam. Ông cũng nói với tôi về việc tại sao ông có mặt ở triển lãm, mặc dù lúc đó việc di chuyển cực kì khó khăn từ Mỹ sang Italy do Covid-19, nhưng ông bảo ông đã quyết tâm vì ngoài công việc cá nhân thì việc có một nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện tại Arsenale Nord, Venice khiến ông thấy tò mò.

Lúc ông ấy đến triển lãm cũng là ngày gần cuối và cũng không còn cơ hội để ông ấy có thể viết về tôi trong triển lãm cá nhân. Tuy nhiên cũng giống cảm giác của giám tuyển - TS Chiara Canali khi tôi trình bày về dự án mới "Tằm". Tôi đã nhìn thấy được sự trầm tư và ánh mắt xúc động của ông ấy khi xem về tác phẩm, ông ấy đã nói với tôi rất, rất nhiều điều. Trước khi rời đi, ông ấy đã để lại danh thiếp cho tôi và nói rằng, nếu Việt Nam tham dự Venice Biennale, ông ấy sẽ là người tiên phong quảng bá Việt Nam lên các tạp chí lớn và danh giá nhất trên thế giới. Ông ấy bảo chỉ cần cảm ơn ông ấy bằng việc mời ông ấy một bát Phở (Cười).

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 16.

Tôi lấy ví dụ về đánh giá của hai người bạn nhưng cũng là hai người có chuyên môn cao, nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa trên thế giới. Để thấy rằng quả thật Văn hóa Việt Nam chúng ta đang là một kho tàng vô giá, còn rất mới mẻ với bạn bè quốc tế. Nếu các nghệ sĩ làm việc nghiêm túc, có sự nghiên cứu chuyên nghiệp, có những cách làm bài bản thì việc Văn hóa Việt Nam chúng ta càng ngày càng được ghi nhận trên thế giới là điều hiển nhiên.

"Lê Hữu Hiếu là một nghệ sĩ có phong cách vẽ tranh đặc biệt, khả năng hoà phối giữa truyền thống và sáng tạo, giữa tượng hình và trừu tượng, lồng ghép văn hoá phương Đông vào nghệ thuật phương Tây. Sức biểu đạt mạnh mẽ và sự độc đáo trong các tác phẩm của anh như thể đã đưa lịch sử Việt Nam thành dạng thức khái niệm thông qua một cuộc đối thoại mở với hiện tại, với sự góp mặt của những huyền thoại và những nhân vật tiêu biểu nhất" - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Italy Vittorio Sgarbi nhận xét về dự án "Tằm" của Lê Hữu Hiếu.

* Là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự đại triển lãm Venice Biennale 2024, cảm xúc của anh thế nào?

- Thực tế ngay từ năm 2017 khi sang Italy tham dự triển lãm tôi đã sang tham quan Venice Biennale. Từ sau đó tôi đã quyết tâm bằng tất cả mọi thứ mình có, tôi phải tiếp cận được cách để có thể tham dự, tác phẩm cũng được tôi lên kế hoạch thực hiện ở thời điểm này. Tôi đã tìm hiểu về tất cả mọi thứ liên quan đến Venice Biennale, việc tổ chức triển lãm các nhân ở Arsenale Nord, Venice chính là cách tiếp cận nhanh nhất mà tôi có thể làm.

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu: Mang nhà cổ Bắc bộ đến 'thế vận hội mỹ thuật' Venice Biennale - Ảnh 18.

Một góc cuộc triển lãm "Năng lượng tâm hồn"

Địa điểm Arsenale, Venice chính là nơi sẽ diễn ra Venice Biennale, triển lãm ở đây thì tôi có thể tiếp cận được các giám tuyển Venice Biennale nếu may mắn. Tuy nhiên quá trình xin phép và đệ trình lên Bộ Văn hóa Italy để được chấp nhận triển lãm cá nhân ở Arsenale Nord, Venice là một quá trình cực kì gian nan, tiếp đó là quá trình tìm đơn vị bảo trợ nghệ thuật, bảo trợ về tài chính... Đây là một quãng thời gian cực kì mệt mỏi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình là người may mắn bởi quá nhiều người bạn lớn ở Việt Nam và trên thế giới đã chung tay giúp đỡ tôi. Quá trình diễn ra triển lãm đúng vào lúc Covid-19 chính ra cũng là may mắn. Vì gần như là triển lãm lớn duy nhất trên thế giới vào thời điểm đó nên nó thu hút được rất nhiều những nhà chuyên môn lớn trên thế giới, trong đó có cả Ngài Chủ tịch Venice Biennale.

Quả thật khi nhận được lời mời, tôi cũng hơi số. Tôi nghĩ là sẽ lâu hơn nữa tôi mới lọt vào mắt của hội đồng giám tuyển của Venice Biennale. Nhưng cảm giác đó trôi qua nhanh lắm, tôi ý thức được một khối lượng công việc khổng lồ phía sau nếu có cơ hội chính thức tham dự vào Venice Biennale.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở và chúc dự án của anh thành công!

Lê Hữu Hiếu sinh năm 1982 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có triển lãm cá nhân "Mặc" năm 2014 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; năm 2015 Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia; năm 2016 tham dự Spectrum - Miami Art Fair 2016 cùng triển lãm Contemporary Art Projects USA; năm 2017 Triển lãm Tam tấu tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; năm 2017 tham gia Florence Biennale lần thứ XI tại Fortezza da Basso – Florence, Italy; triển lãm cá nhân "Soul Energy" năm 2021 tại Italy.


Hà Chi (thực hiện). Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm