Lại chuyện trọng tài: Học cách sống chung với sai sót

25/03/2012 18:55 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Trọng tài, từ đẳng cấp đến ít thâm niên, đều sai, thậm chí sai ngớ ngẩn. Giải pháp thuê trọng tài ngoại vẫn chưa thể. Tạm dừng giải để tái cấu trúc công tác trọng tài càng không. Vậy thì, chẳng còn cách nào khác là phải sống chung với trọng tài cũng như những sai sót của “Vua”. Quả là không dễ!

8 năm vẫn chưa cho quả ngọt

Nếu tính sau cơn bể dâu của giới trọng tài Việt Nam năm 2005, đã gần 8 năm hình thành một thế hệ trọng tài mới, sau lứa Lương Thế Tài, Dương Văn Hiền, Dương Mạnh Hùng, Đặng Thanh Hạ, Trần Khánh Hưng giải nghệ.

Thế nhưng, đến mùa giải 2012 này, sân cỏ Việt Nam vẫn chưa sản sinh được nhiều trọng tài giỏi, có phong cách lẫn cá tính, đủ tạo một hấp lực lôi cuốn khán giả. Nói thế bởi trọng tài vẫn là một ngôi sao trên sân cỏ, nếu anh ta thật sự có tài năng lẫn cá tính đặc biệt. Cuộc bầu bán danh hiệu hàng năm vẫn chỉ quanh quẩn mấy cái tên cũ.

Người ta không hiểu nổi 8 năm trời Hội đồng trọng tài quốc gia trước đây đào tạo kiểu nào, để đến nay lực lượng trọng tài không những không đáp ứng về chất, mà còn còn thiếu hụt nghiêm trọng về lượng.


Trong những ngày qua, trọng tài Võ Minh Trí đã trở nên nổi tiếng với pha sửa sai trên sân Thanh Hóa. Ảnh: VSI

Cũng không hiểu nổi, ý thức vươn lên để tự hoàn thiện mình của trọng tài Việt Nam ở mức nào, để 8 năm vẫn cơ bản giẫm chân tại chỗ. Tìm ra một vài thần tượng trọng tài quá khó khăn. Điều đáng nói, khi bước ra khỏi sân cỏ nội địa, nhiều trọng tài được AFC đánh giá rất cao. Vậy mà trở về, họ lẫn trong rừng trọng tài nội.

Việc dùng trọng tài ngoại sẽ khiến các đội bóng không thể phàn nàn dù có thể trọng tài ngoại chưa chắc đã giỏi bằng trọng tài Việt Nam đâu nhưng đây là chuyện không thể không làm. Nếu có sự thống nhất về chủ trương, VPF sẽ sớm xúc tiến việc thuê trọng tài ngoại. Tuy nhiên, việc sử dụng trọng tài ngoại sẽ không phải diễn ra tràn lan mà chỉ thuê họ trong những trận cầu nhạy cảm, quyết định đến việc tranh ngôi vô địch hoặc xuống hạng- phát biểu của Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng.

Rõ ràng, trọng tài Việt Nam có vấn đề, ở công tác đào tạo lẫn ý thức vươn lên của mỗi cá nhân. Năm 2011, trong hai cuộc kiểm tra thể lực, số lượng trọng tài bị loại cứ gọi là rụng như sung, trong đó có đến mấy gương mặt được coi có số má. Điều đó đã tố cáo sự thiếu nghiêm túc của một bộ phận không nhỏ trong lực lượng trọng tài với nghề. Dĩ nhiên, càng làm lung lay niềm tin từ phía các đội bóng, người hâm mộ. Bóng đá ngày càng tốc độ, quyết liệt, quá nhiều trọng tài không đảm bảo thể lực, làm sao có thể kiểm soát được diễn biến trên sân?

Chúng ta cũng không phủ nhận, môi trường bóng đá ta chưa thực sự chuyên nghiệp đã tác động đến điều kiện phát triển của giới trọng tài Việt Nam. Trong đó, sự nguy hiểm nhất là giới trọng tài vẫn chưa xóa tan được nghi ngờ đã trong sạch về tư tưởng, sau tấm gương tày liếp năm 2005. Thậm chí một trọng tài kỳ cựu còn dám cá với người viết: nếu cơ quan điều tra vào cuộc có khi đụng đâu, vỡ đó. Những người có trách nhiệm cũng đã bắn tiếng rằng đã nghe xì xào một số trọng tài kỳ cựu có vấn đề. Ban trọng tài sẵn sàng phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ thực hư. Hồ đồ khi chỉ 3 tháng sẽ lột xác?

Kể từ khi xóa bỏ Hội đồng trọng tài quốc gia, Ban trọng tài đã thể hiện quan điểm rất rõ: Làm một cuộc cách mạng lực lượng cũng như ý thức hệ cho đội ngũ trọng tài. Hàng loạt trọng tài trẻ được tăng cường, tin tưởng. Có thể coi đây là cuộc cách mạng trọng tài lần 2, kể từ năm 2005. Ban trọng tài xác định, thà chấp nhận sai về chuyên môn, còn hơn bị dư luận phán xét về tư tưởng.

Ý tưởng đó không tồi, có điều sai sót trọng tài đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần tốc độ các trận đấu năm nay tốt hơn mùa giải 2011. Nhưng cơ bản, không thể đòi hỏi số trọng tài và trợ lý trẻ nhiều như thế sẽ chỉ trong 3 tháng sẽ lột xác toàn diện, đáp ứng được nhiệm vụ. Với nghề trọng tài ở ta, chuyên môn đã quan trọng, bản lĩnh để có thể đương đầu với những nhiễu nhương, không phân tâm dẫn đến sai sót là cả một vấn đề. Đa số những sai sót một phần do bản lĩnh kém, dẫn đến phản xạ trì trệ. Họ không chịu được sức ép từ các đội bóng, dư luận và truyền thông nên đánh mất năng lực của mình khi bước vào thảm cỏ.

Bản lĩnh cần phải kinh qua thời gian. Ban trọng tài không lường trước điều đó. Họ cũng chưa nhận được chia sẻ từ phía dư luận, rằng thà đôn nhiều trọng tài trẻ tư cách còn trong sáng để đào tạo, còn hơn vẫn chấp nhận cách làm cũ để 8 năm trôi qua vẫn không nâng cấp được đội ngũ trọng tài VN, đặc biệt là về tư tưởng.

Khi đã nhận diện bản chất của lực lượng trọng tài trong 8 năm qua như thế, để hy vọng ngay lập tức nâng tầm giới cầm cân nảy mực là không tưởng. Nói cách khác, chắc chắn sắp tới sẽ còn sai sót của trọng tài. Đấy không phải là lỗi của VPF, mà là của VFF và Hội đồng trọng tài quốc gia trước đây. Ban trọng tài chỉ có lỗi ở việc phân công chưa hợp lý, còn mang tính mặt trận, khiên cưỡng.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Bóng đá là lộ thiên, nên trọng tài có tư cách, tâm sáng, đam mê với nghề trước sau gì người ta cũng nhận ra. Nếu trọng tài ra sân tuân thủ tuyệt đối luật, chẳng sợ một thế lực nào, sai sót sẽ dễ dàng được chia sẻ do chuyên môn thuần túy. Mấy trọng tài đã làm được điều đó? Có lẽ là rất ít.

“Thời điểm này chưa nên thuê trọng tài ngoại. Chúng ta là một nền bóng đá được đánh giá là điểm sáng ở châu Á, chúng ta cũng muốn phát triển các trọng tài để ngày càng có nhiều trọng tài Việt Nam cầm còi ở những giải đấu quốc tế lớn. Nếu thuê trọng tài ngoại chẳng hóa ra những nỗ lực phát triển đội ngũ trọng tài trẻ thời gian qua trở thành vô nghĩa. Rõ ràng việc phải đi thuê trọng tài ngoại để bắt ở giải quốc nội là không có lợi cho hình ảnh của nền bóng đá Việt Nam”- phát biểu của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.

Không ai khác, chính đội ngũ trọng tài phải giải quyết bài toán bản thân mình. Bây giờ, dù chế độ đã cao đột biến, nhưng giới trọng tài không tự làm mới mình, sẽ còn rất lâu mới cải thiện được hình ảnh, thậm chí mất 8 năm nữa cùng vậy.

Ban trọng tài ngoài đoàn kết nội bộ, phân công chuẩn mực hơn thì cần phải cương quyết hơn với những sai sót. Thậm chí không thuê nữa, nếu trọng tài bộc lộ sai sót hệ thống, kém quá. Lực lượng trọng tài dù đang thiếu nhưng không có nghĩa là không thể thay thế.

Ban trọng tài - VPF và VFF trước hết cần phải thể hiện sự thiện chí với CLB, truyền thông để mong được chia sẻ hơn. Thậm chí, họ phải mở cả “Hội nghị Diên Hồng”, coi vấn đề trọng tài là nghiêm trọng, mong nhận được sự hỗ trợ, đóng góp ý kiến của nhiều thành phần để cải tạo đội ngũ cầm cân nảy mực. Cử đại diện đi nói chuyện với CLB trước mùa giải (như năm ngoái) vẫn là chưa đủ. Ngay cả giới trọng tài và CLB lâu nay cũng không thân thiện, thậm chí “căm thù” nhau đến tận xương tủy, thì làm sao họ có thể hợp tác với nhau.

Cuối cùng, trong bối cảnh kỷ cương đang lỏng lẻo hiện nay, thì cách tốt nhất để bảo vệ trọng tài là VFF và Ban kỷ luật phải phạt thật nặng những trường hợp phản ứng vô lối, xúc phạm trọng tài của cầu thủ, quan chức các đội bóng. Những hình phạt đó không từ một ai, tránh thân - sơ - sang - hèn.

Khi một nền bóng đá lỗi hệ thống, vẫn đang chưa thoát khỏi thời kỳ quá độ thì không còn cách nào khác là phải tự học cách sống chung với những hạn chế. Trọng tài làm sao có thể tốt lên được, khi các bộ phận khác của nền bóng đá còn yếu kém.

Thế mới có câu: Bóng đá nào, trọng tài nấy. Nếu sai sót đơn thuần về chuyên môn, còn dễ chấp nhận hơn sai sót về tư tưởng. Vẫn chưa thấy trọng tài nào đè ngửa các đội kiểu trắng trợn như Công Trọng, Văn Quyết như mùa bóng trước, dưới thời Hội đồng trọng tài quốc gia trước đây. Tất nhiên, còn phải kiểm chứng ở lượt về, bởi thời điểm đó tình thế cái xấu dễ phơi bày.

Trong bối cảnh ngột ngạt như hiện nay, bản thân giới trọng tài cũng phải tìm cách thoát khỏi tình trạng stress hơi bị nặng trong thời gian qua. Thay vì trốn tránh, họ nên học cách đối phó và sống chung với nó. Họ phải chiến thắng bản thân mình trước thì mới hy vọng làm chủ được các tình huống trên sân.

Thương hiệu của trọng tài không được lực lượng này chú trọng xây dựng, nên bây giờ họ rất phải nhọc công trong hành trình lấy lại niềm tin của người hâm mộ lẫn các đội bóng.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm