Hé lộ 'kho tàng ẩn giấu' tại tư gia của họa sĩ Phan Kế An

11/03/2022 08:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, cô Phan Mai Thanh Thúy - con gái của danh họa Phan Kế An chia sẻ những câu chuyện thú vị về nhân cách, phẩm chất nghệ sĩ của cha mình. Cùng với đó, những kiệt tác “ẩn giấu" bấy lâu tại tư gia của họa sĩ cũng được hé lộ.

Chuyện ít kể về họa sĩ Phan Kế An

Chuyện ít kể về họa sĩ Phan Kế An

Qua Thể thao và Văn hóa (TTXVN), nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt có những chia sẻ với độc giả về họa sĩ Phan Kế An, một trong những gương mặt có nhiều ảnh hưởng tới mỹ thuật Việt Nam. Ông vừa qua đời vào ngày 22/1.

Chỉ cần dấn thêm vài bước đi vào con ngõ nhỏ trên phố Thợ Nhuộm (nằm ngay cạnh một cửa hàng chocolate nổi tiếng ở Hà Nội), bạn sẽ ngỡ ngàng khi “rơi” vào một không gian nghệ thuật, hoàn toàn khác biệt với cảnh phố xá đông đúc bên ngoài. Đó là nơi cô Phan Mai Thanh Thúy, con gái của họa sĩ Phan Kế An, sinh sống. Khi chúng tôi tới, nơi đây đang lưu giữ rất nhiều bức tranh chưa từng được công bố của nghệ sĩ, tất cả được “khai phá” từ nhà cũ của ông ở số 93 Lò Đúc.

Từng học tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông là người họa sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ ký họa Bác Hồ và được Người tổ chức cho triển lãm đầu tiên chuyên về đề tài ký hoạ Bác. Kiệt tác Nhớ một chiều Tây Bắc của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), và là nguồn cảm hứng cho bài thơ Thả chiều vào tranh của nhà thơ Đoàn Việt Bắc.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phan Kế An thời gian ở Nga (năm 1960 - 1963). Ảnh: Gia đình NVCC

Trong hơn 70 năm sáng tác, họa sĩ Phan Kế An từng được trao những giải thưởng lớn toàn quốc như giải Nhất tranh đả kích Triển lãm Hội họa năm 1951; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc các năm 1955, 1958 và 1985; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001… Đặc biệt, bức Gác chuông chùa trăm gian của ông từng được treo trang trọng tại Viện bảo tàng Hermitage (Nga).

Ghé thăm cô Phan Mai Thanh Thúy - con gái thứ của họa sĩ - trong một ngày lành lạnh, chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, phía sau một danh họa của nước nhà, còn rất nhiều câu chuyện mà chúng ta chưa biết, cho thấy nhân cách, phẩm chất đặc biệt của một người làm nghệ thuật chân chính.

Chú thích ảnh
Cô Phan Mai Thanh Thúy - con gái thứ họa sĩ Phan Kế An tại không gian nghệ thuật của gia đình ở Thợ Nhuộm, Hà Nội

Thạo nghề y, tinh thông thơ ca, ngoại ngữ, thể thao

Là con gái của một họa sĩ danh tiếng, nhưng cô Thúy chỉ thực sự hiểu về công việc của bố mình khi đã trưởng thành. Thời còn nhỏ, các con thường nghĩ ông là… bác sĩ vì ông rất kín tiếng.

“Bố tôi rất giỏi ngành y. Không được học nghề này nhưng ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội), ông từng học giải phẫu học và còn vào tận… nhà xác để học về các bộ phận cơ thể người. Thời kháng chiến, bố tôi được đi theo vị bác sĩ của Tổng Bí thư Trường Chinh học chữa bệnh. Vì vậy, ông biết rõ vị trí để tiêm kháng sinh, biết cả… đỡ đẻ! Ông tiêm cho cả nhà, nhổ răng cho các con” - cô Thúy hào hứng kể lại.

Phải đến khi có dịp được tới nước Nga, cô Thúy mới thấu hiểu giá trị nghề của bố, biết ông có tác phẩm Gác chuông chùa trăm gian được lưu giữ ở Hermitage - một trong những bảo tàng hàng đầu thế giới.

Thời gian ở Nga, họa sĩ Phan Kế An vẽ các mẫu nữ rất nhiều, trong đó có cả mẫu khỏa thân, nhưng ông kín tiếng, và thường rất ít khi kể lại những “giai thoại" giữa ông và họ. “Bố tôi học ở Nga năm 1960. Ông thấp thôi nhưng có nét duyên, hóm hỉnh, lại đa tài, từ vẽ tranh, làm nghề y tới chơi thể thao như bơi lội, tennis. Chính vì vậy, các cô người Nga mê và phục ông lắm” - cô con gái thứ hồi tưởng.

Chú thích ảnh
Cô Thanh Thúy bên một trong những tác phẩm chưa từng được công bố của danh họa Phan Kế An

Cô Thúy nghĩ rằng: “Có lẽ do mẹ tôi ghen quá. Nhưng tới khi ông mất, tôi từng tình cờ thấy một bọc thư tiếng Nga. Trong đó, có đoạn một người phụ nữ Nga viết cho bố tôi, và cứ hỏi mãi: "Sao anh im lặng, sao không trả lời thư của tôi?”. Nhưng bố tôi không trả lời. Ông vẫn luôn im lặng như thế về những câu chuyện các cô gái ở Nga. Những gì còn lại ngày hôm nay là các tác phẩm, ký họa cho thấy khả năng kỹ thuật của một bậc đại sư và cũng rất giàu sức rung cảm.

Nhắc về giai đoạn bố mình ở Nga, người con gái thứ còn nhớ lại nhiều câu chuyện thú vị khác nữa, như cách ông dùng hội họa như một phương tiện giao tiếp với người bản xứ và học tiếng. Thời điểm được sang Nga thực tập, cô Thúy đã tìm tới nhà bà giáo tiếng Nga của bố và được nghe kể về bố mình: “Khi mới sang Nga học, vốn tiếng Nga của ông còn rất ít, khi học với bà giáo tiếng Nga, những từ chưa biết ông đều thể hiện bằng bút vẽ!”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phan Kế An (phải) cạnh một tác phẩm của mình. (Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp)

 Hé lộ quan điểm và hành trình sáng tác

Trong cuộc sống, họa sĩ Phan Kế An được nhận xét là người hiền lành, quý trọng bạn bè. Nhưng trong nghệ thuật, ông giữ tôn chỉ, tiêu chí sáng tạo khắt khe với chính bản thân mình. Cô Thúy vẫn nhớ như in sự cẩn trọng của người cha - danh họa: “Đừng nghĩ họa sĩ phóng khoáng nên không tỉ mỉ. Bố tôi rất cẩn thận, từ việc quết màu vào cái tăm để cho lên tranh sơn mài. Vẽ xong, ông cũng cho cái tăm ấy vào cái cốc, chứ không vứt đi. Mỗi lần mẹ tôi dọn dẹp, mà lỡ vứt đi cái gì thì ầm nhà! Ông vẽ cái lá, đầu nhọn hất lên, độ cong, độ mềm mại sẽ khác hẳn người khác vẽ!”.

Ngày còn nhỏ, các cô con gái của cụ Phan Kế An cũng được bố dạy cách rây vàng, bạc làm sơn mài. “Mỗi mùa Hè, ông khắc tranh lên gỗ rồi để các con in màu theo từng bảng gỗ, hoàn toàn làm thủ công. Ông cũng thuê cả trẻ con hàng xóm làm, và còn thẳng thừng nhận xét: “Hàng xóm làm chăm hơn 2 đứa, cho chúng nó nhiều tiền hơn".

Chú thích ảnh
Họa sĩ Vũ Đỗ (áo be), cùng các admin của cộng đồng Mê Tranh

Và cứ thế, câu chuyện về một người hoạ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam, một con người trọng tình cảm dần được khắc họa qua lời kể của cô Thúy. Theo mạch chuyện, người con gái thứ cũng hé lộ về “kho tàng ẩn giấu" - những tác phẩm sáng giá nhưng chưa bao giờ được công bố của bố cô, những bức vẽ dang dở nhưng không vì thế mà mất đi giá trị.

Đi cùng với chúng tôi ngày hôm đó có cả Vũ Đỗ - một họa sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật học từng tu nghiệp tại Mỹ và các admin của Mê Tranh - một trong những cộng đồng dành cho người yêu nghệ thuật nổi tiếng hiện nay với hơn 100 ngàn thành viên theo dõi. Được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm chưa từng được hé lộ, chúng tôi đều sững sờ.

Vũ Đỗ thậm chí còn đánh giá: “Những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Và dù dang dở, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ”.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, dù sở hữu một kho tàng kiệt tác đồ sộ như thế, bản thân họa sĩ Phan Kế An chưa từng có một buổi triển lãm cá nhân nào, từ sau kháng chiến, phần vì tranh ông chưa ráo mực có khi đã được bán hết. Đó là lý do, người con gái thứ quyết tâm “Phải tổ chức triển lãm cho bố!”. Ý tưởng về “Hidden Treasures" (Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu) - được nhen nhóm như thế, với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace), Hanoi Grapevine, Mê Tranh…

“Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu”

Buổi triển lãm Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu (Hidden Treasures) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 11/3 (kéo dài đến 16/4) tại Viện Pháp tại Hà Nội (24 Tràng Tiền) qua phần giám tuyển của họa sĩ Vũ Đỗ, giới thiệu loạt tác phẩm chưa từng được công bố của ông, còn được gia đình lưu giữ, trong đó có rất nhiều sáng tác được thực hiện trong thời kỳ ông theo học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ).

3 bức sơn mài trong đó có một bức được đánh giá rất cao, 1 bức sơn dầu, 1 bức tranh lụa và loạt tranh ký họa đặc sắc. Tất cả sẽ hé lộ nhiều bất ngờ về hành trình sáng tác và cuộc sống nghệ thuật những năm 1945 - 1960.

Song hành với triển lãm là buổi tọa đàm nghệ thuật, thêm một hoạt động thú vị để từ đó, công chúng có thêm một góc nhìn mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật.

Tô Lệ Trân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm