Hệ giá trị Việt Nam: Sự 'thẩm thấu' của các hệ giá trị vào cuộc sống

27/01/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình là những vấn đề cốt lõi của mỗi cộng đồng, mỗi đất nước. Song, để hệ giá trị có thể trở thành quan niệm, suy nghĩ, hành xử… của xã hội và mỗi người thì nó cần có tính thực tiễn cao, phù hợp với hoàn cảnh xã hội, điều kiện lịch sử của đất nước, cũng như mỗi tầng lớp, mỗi gia đình. Đồng thời cũng phải hướng đến và phù hợp với những hệ giá trị chung của thế giới, của nhân loại. Có như vậy quốc gia mới không bị tụt hậu, có thể "phát triển bằng người".

1. Về lý thuyết, nhìn chung, hệ thống giá trị cơ bản được cấu thành bởi 3 loại giá trị: (1) Giá trị phổ biến; (2) Giá trị nhóm; (3) Giá trị cá nhân (Xem Nhận thức khách quan trong sử học của PGS-TS Hoàng Hồng trên trang http://lichsu.tnus.edu.vn).

Ba loại giá trị trên đây hợp thành một hệ thống giá trị thể hiện trong mỗi con người, mỗi nhóm, mỗi quốc gia. Cũng từ hệ thống này mà con người xem xét, đánh giá, nhận thức… mọi hiện tượng xã hội. Từ đó đưa đến những ứng xử giữa cá nhân với nhau và với cộng đồng, hay ngược lại, cộng đồng ứng xử với cá nhân/nhóm.

Do vậy, hệ giá trị quốc gia, văn hóa hay gia đình đều dựa trên nền tảng hệ giá trị cá nhân - con người luôn là nhân tố quyết định! Hệ giá trị cá nhân lại được xây dựng thông qua "di truyền văn hóa" ở gia đình, qua xã hội từ hệ thống giáo dục, hệ thống luật pháp. Kinh nghiệm và bài học của nhiều quốc gia đã cho thấy, gìn giữ và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của lịch sử - văn hóa dân tộc là một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng nhất cho quốc gia phát triển bền vững. Bởi vì đó là những thành tố quan trọng góp phần hình thành và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của từng quốc gia.

Hệ giá trị Việt Nam: Sự 'thẩm thấu' của các hệ giá trị vào cuộc sống - Ảnh 1.

Bữa ăn từ thiện tại Guru Ka Langar trong đền Bangla Sahib Gurudwara của đạo Sikh ở Delhi. Người vào "Guru Ka Langar" ăn suất từ thiện không chỉ là người theo đạo Sikh, mà có thể là người theo đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi,… miễn là có nhu cầu. Ảnh: Nhà phê bình Nguyễn Hòa

Chỉ khi nào hệ giá trị xuất phát từ bản sắc văn hóa dân tộc trong hoàn cảnh xã hội mới, tích hợp giá trị của thời đại, hướng đến khát vọng của dân tộc và nhân dân thì khi ấy, những giá trị tốt đẹp sẽ "thẩm thấu" vào cuộc sống, những "giá trị" lý luận cao siêu mới mang tính thực tiễn, trở thành đạo đức, lối sống hàng ngày trong xã hội. Khi ấy đất nước sẽ thực sự thay đổi vì mỗi con người có đầy đủ phẩm chất và phẩm giá con người.

2. Những ngày cuối năm tôi có dịp đi công tác ở Ấn Độ. Quốc gia này là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo. Ngoài ra còn có Do Thái giáo, Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo được truyền đến vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, hình thành một nền văn hóa đa dạng về bản sắc nổi bật trong khu vực.             Chỉ vài ngày đi quanh thủ đô New Delhi và một số thành phố phía Bắc Ấn, tôi đã nhìn thấy rất nhiều di tích, phế tích qua nhiều giai đoạn lịch sử được bảo tồn và gìn giữ cẩn thận. Đặc biệt, Ấn Độ có dến hơn 80% dân số theo Ấn Độ giáo nhưng các công trình kiến trúc của Hồi giáo, Phật giáo hay các tôn giáo, tín ngưỡng khác vẫn dược các cộng đồng dân cư tôn trọng và bảo vệ. Tại các công trình này luôn có rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, những tín đồ đến đây thực hành nghi lễ... Đến những nơi này vào bất cứ ngày nào cũng có thể nhìn thấy những bộ trang phục của các cộng đồng theo tôn giáo khác nhau.

Trong một dất nước rộng lớn - "tiểu lục địa" với hơn 1,4 tỷ dân, nơi mà còn thực trạng phân biệt đẳng cấp xã hội theo truyền thống, sự bất ổn do các nhóm "cực đoan" gây ra vẫn phổ biến, thì sự dung hòa của những cộng đồng có "đức tin" khác nhau đã phản ánh một "hệ giá trị" quan trọng của quốc gia này. Đó là sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng, các tộc người dù tôn giáo tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa hay du nhập, dù các cộng đồng dân cư ấy có quá trình hiện diện tại Ấn Độ lâu dài hay ngắn ngủi.

Điều đó góp phần quan trọng để tạo nên và gìn giữ thành quả văn minh sông Ấn - một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn nhất và sớm nhất thế giới. Phải chăng cũng chính điều  này là cốt lõi của quá trình hình thành "bản sắc Ấn Độ" độc đáo và hấp dẫn, trong một thế giới ngày càng có xu hướng "nhân bản vô tính" những hiện tượng văn hóa và văn minh thời hiện đại ở nhiều quốc gia?

Nói cho cùng, bất cứ Hệ giá trị của quốc gia nào, của nền văn hóa và cộng đồng/gia đình nào đều cần dựa trên nền tảng và hướng đến hệ giá trị chung và vĩnh cửu của nhân loại: sự nhân văn bền vững, biểu hiện bằng những giá trị cụ thể và cần thiết như không khí mỗi ngày: tự do, dân chủ, bình đẳng, khoan hòa cho mỗi con người cho mỗi quốc gia.

Nguyễn Thị Hậu - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm