Hậu Đại hội Hội NSNA Việt Nam khóa VIII: Phải sớm có Trung tâm bản quyền ảnh

09/12/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - "Đã tới lúc, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh phải bằng mọi cách tính tới việc thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền ảnh" - NSNA Vũ Huyến trao đổi với Thể thao&Văn hóa - "Vẫn biết, đây là điều rất phức tạp và có thể phải tới nhiệm kỳ sau nữa mới thành hiện thực. Nhưng có xắn tay vào làm, chúng ta mới tự tìm ra một lộ trình hợp lý cho mình".

Đại  hội lần thứ VIII Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đã kết thúc, với việc bầu ra 11 thành viên Ban chấp hành mới cho nhiệm kỳ 2014 – 2019. Theo đó, NSNA Vũ Quốc Khánh (Chủ tịch Hội khóa VII) tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hội, đồng thời các NSNA Lê Xuân Thăng, Phạm Văn Tý, Bùi Hỏa Tiễn giữ chức danh Phó chủ tịch. Ngoài ra, đại hội cũng bầu ra 7 thành viên của Hội đồng nghệ thuật khóa VIII, do nghệ sĩ Lý Hoàng Long làm chủ tịch Hội đồng.

Vi phạm bản quyền ảnh: Phức tạp hơn

Trước đó, trao đổi với Thể thao&Văn hóa, Tân Chủ tịch Hội NSNA Vũ Quốc Khánh cũng cho biết: Việc xây dựng một Trung tâm bảo vệ bản quyền ảnh (hoặc trước mắt là một phòng bản quyền) trực thuộc Hội là điều sẽ được tổ chức nghề nghiệp này  nghiên cứu kĩ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thành viên.

Dù chỉ là một trong hàng chục vấn đề được bàn tới, bản quyền nhiếp ảnh vẫn là câu chuyện được các Hội viên ưu tiên nhắc tới khi trao đổi cùng Thể thao&Văn hóa. Thực tế, trong 5 năm qua, sự xuất hiện đều đặn của những vụ xâm phạm hoặc tranh chấp bản quyền ảnh là điều được dư luận chú ý không kém gì so với phần chuyên môn của loại hình nghệ thuật này.


Ban chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội NSNA VN. Ảnh: Cao Hiếu

"So với trước đây, nhiếp ảnh trong 5 năm qua ít có những trường hợp xâm phạm quá lộ liễu như các vụ Lớp học vùng cao, Nụ hôn của gió. Tuy vậy, sự phát triển về số lượng người cầm máy, cũng như về các ứng dụng ảnh lại khiến chuyện bản quyền diễn biến theo những chiều hướng phức tạp hơn" - tác giả trẻ Nguyễn Xuân Chính, từng giành một số giải thưởng của Hội NSNA, cho biết. "Đơn cử, với lượng ảnh chụp mỗi ngày, tôi tin ít tác giả nào có thời gian đi đăng kí bản quyền cho mọi tác phẩm. Nhưng, người sử dụng lại rất dễ dàng vào facebook của tác giả, lấy ảnh và dùng cho những việc mà cũng ít ai để ý, chẳng hạn như chỉ là minh họa cho một bài thuyết trình".

Bao giờ hết nạn “xài chùa”?

Tuy nhiên, nếu thành lập chỉ để giải quyết những tranh chấp của các tay máy, vai trò của Trung tâm bản quyền nhiếp ảnh sẽ... không thấm vào đâu so với nạn xâm phạm bản quyền bên ngoài đời sống. Bởi, ngoài những câu chuyện "nội bộ" giữa các tác giả chụp, một phần rất lớn của thực tế xâm phạm bản quyền nhiếp ảnh hiện nay là nạn "xài  chùa" tác phẩm của những tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Đó cũng là lý do khiến ý tưởng thành lập Trung tâm này từng được đưa ra cách đây tròn 10 năm vẫn chưa thành hiện thực. "Thời điểm đó, lãnh đạo ngành văn hóa định phối hợp để mỗi hội nghệ thuật như âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học...thành lập một trung tâm bản quyền. Nhưng cái khó nằm ở chỗ, trong đời sống, việc khai thác bản quyền  ảnh quá phức tạp và khó nắm bắt hơn so với khai thác ca khúc hay tác phẩm văn xuôi"- ông Vũ Huyến, một trong những người theo đuổi ý từng này từ cách đây 10 năm, cho biết.

Theo lời ông Huyến, trong giai đoạn trước mắt, Hội NSNA VN có thể thành lập một bộ phận chuyên trách mang tính chất chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm bản quyền nhiếp ảnh. Ngoài việc nghiên cứu các văn bản pháp luật của nhà nước về bản quyền, bộ phận này cũng cần tham khảo mô hình khai thác bản quyền nhiếp ảnh tại các nước phát triển để tìm hướng áp dụng khả thi.

"Đây là một công việc vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, chắc chắn sự ra đời của một Trung tâm bảo vệ bản quyền ảnh là cần thiết và phù hợp với thực tế của đời sống nhiếp ảnh hiện nay"- Chủ tịch Hội NSNAVũ Quốc Khánh cho biết. "Bởi vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu rất kĩ để xây dựng một lộ trình phù hợp cho việc hình thành Trung tâm này".

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm