Hà Nội: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí

06/03/2024 15:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Mấy ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô Hà Nội trở nên nghiêm trọng với sương mù dày đặc, bầu trời mờ mịt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ em.

Đáng chú ý, sáng 4/3, ứng dụng đo chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới. Cụ thể, lúc 10 giờ 30 phút, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) của Hà Nội ở mức 181, không tốt cho sức khỏe của con người. Đến 15 giờ 47 phút cùng ngày, Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm AQI là 187.

Trên ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí PamAir, vào lúc 15 giờ 51 phút ngày 4/3, điểm có chất lượng không khí xấu nhất là khu vực vườn Dâu, Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) với mức ô nhiễm AQI lên đến 236, mức cảnh báo màu tím, rất có hại cho sức khỏe. Nhiều điểm có chỉ số ô nhiễm không khí nằm trong mức cảnh báo ô nhiễm màu đỏ như: Khu vực Thành Công, Đội Cấn (quận Ba Đình), phố Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm), Quan Hoa (Cầu Giấy), quận Tây Hồ…

Hà Nội: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 1.

Các phương tiện di chuyển khó khăn trong lớp sương mù dày đặc trên phố Hoàng Diệu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tiếp đó, ngày 5/3, theo số liệu quan trắc từ Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) lúc 10 giờ là 203 (thuộc ngưỡng tím có hại cho sức khoẻ). Số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của PAM Air cho thấy vào thời điểm 10 giờ, nhiều khu vực ở Hà Nội ô nhiễm ở ngưỡng cảnh báo tím. Điển hình như khu vực chùa Láng (quận Đống Đa), chỉ số AQI là 240; Đội Cấn (quận Ba Đình) 226; Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm) 213; Thành Công (quận Ba Đình) 205; khu vực Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), chỉ số AQI lên tới 351 (màu nâu - ngưỡng nguy hại)...

Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội được thu thập từ 18 trạm kiểm soát không khí với chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5, nồng độ là 108,2µg/m3, cao gấp 21 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các chuyên gia y tế khuyến nghị, không khí ẩm thấp và ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân hạn chế tập thể dục ngoài trời; cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, đóng cửa sổ và cửa ra vào nhà trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, chạy máy lọc không khí… Những người nhạy cảm về sức khỏe cần theo dõi các chỉ số về ô nhiễm không khí nếu thấy ô nhiễm quá thì tránh ra ngoài để khả năng phơi nhiễm giảm đi…

Đánh giá về công tác xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng Thủ đô, Hà Nội trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Do đó, thành phố đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí của Hà Nội.

Hà Nội: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 2.

Sương mù dày đặc khu vực phố Láng Hạ sáng 2/2. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho rằng, bên cạnh quyết tâm của lãnh đạo thành phố và các cấp, ngành rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, đặc biệt sự tham gia cùng hành động của toàn thể các đơn vị, tổ chức và nhân dân trong việc cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Cụ thể, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Đến nay, thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.

Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa; yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn ô nhiễm không khí, đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vẫn xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Hà Nội bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức xã hội về môi trường, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp hiệu quả cho vấn đề cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô trong những giai đoạn, lộ trình tiếp theo.

Linh Khánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm