Góc nhìn: Trọng nghề

06/03/2014 09:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bạo lực sân cỏ là chuyện không hề mới, và với V-League càng là câu chuyện nhức nhối. Mà đỉnh điểm là những pha vào bóng rợn người như mấy vòng đấu đã qua. Cầu thủ đã nhập viện, phải phẫu thuật, thậm chí nguy cơ bỏ nghề hiển hiện.

Không ngạc nhiên, khi đa phần dư luận đều ủng hộ với hình phạt dành cho Đình Đồng mấy hôm nay, bởi đã đến lúc chúng ta phải thật bình tâm, tỉnh táo, minh bạch để nhận ra giá trị thật của cuộc chơi.

Bóng đá cần đam mê, hăng say, thành tích nhưng mục đích cao nhất vẫn là tinh thần fair-play, chứ không phải nhân danh đam mê, để lao vào những cuộc sát phạt đôi chân của nhau như thế.

Bóng đá cũng là cái nghề mà nhiều người trót đa mang, vì nhiều lẽ công việc, tình yêu, lòng đam mê. Suy cho cùng, cầu thủ cũng là người lao động, họ bỏ mồ hoi, công sức, kỹ năng của mình lo cho cuộc sống thường nhật.

Không  phải  đến bây giờ chuyện đá nhau như triệt hạ đồng nghiệp của mình mới được nhắc đến, chỉ có điều nó đã thật sự leo thang, như một vấn nạn, mà lâu nay do quá nhiều rào cản (phạt nhẹ, nâng lên hạ xuống, án chưa nghiêm…) đã thật sự làm lờn thuốc.

Khán giả vào sân, không đơn thuần là giải trí, mà người vào sân còn có cả trẻ con, không  biết liệu những đứa trẻ ấy có bị ám ảnh bởi những pha bóng rợn người, mang đậm tính võ đài thế không.

Chắc hẳn trong trí nhớ của những đứa trẻ sẽ khó phai những hình mẫu không thượng võ ấy chút nào. Bởi thế, khi ra sân, xin các cầu thủ hãy coi mình như người của công chúng. Anh tôn trọng ý thức với nghề, anh sẽ tôn trọng và giữ gìn cho đồng nghiệp, cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Cuộc sống muôn màu, ta vẫn thường thấy những con người nổi tiếng, họ thường mua bảo hiểm cho đôi chân của chính mình, những đôi chân tiền tỉ. Bóng đá Việt chưa có ai bỏ tiền để nhận về cái “tem” đảm bảo trọn đời cho đôi chân mình. Nhưng tài sản vô giá của đời cầu thủ sẽ được an toàn, nếu họ biết quý chính bản thân mình, để biết quý đôi chân của đối thủ, cũng là đồng nghiệp mình mỗi lúc tỉ thí cùng nhau.

 “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người (Khổng Tử).  Sẽ làm được, nếu cầu thủ biết quý trọng đôi chân đồng nghiệp như chính đôi chân mình. Ngoài ra, các lãnh đạo CLB và cao nhất là bộ phận hành pháp của VFF, cần thực sự dám tuyên chiến với bạo lực.

Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm