Góc nhìn: Chuyện của Đình Đồng

08/03/2014 09:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua, khi trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa qua điện thoại, HLV Nguyễn Hữu Thắng không giấu nổi sự bức xúc: “Họ đưa ra một án phạt vô cảm và nhuốm cả màu bạo lực nữa. Trong một phát biểu, ông trưởng Ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường còn cho rằng, việc bố của Anh Hùng mất sớm, mẹ cậu ấy sức khỏe yếu…, là những tình tiết tăng nặng án phạt cho Đình Đồng. Thật nực cười”.

“Bóng đá, như tôi từng nói, là môn thể thao không dành cho những người yếu đuối. Nhưng nó không có nghĩa tôi sẽ cho phép cầu thủ của mình vào trận với tư tưởng triệt hạ đối phương. Đối diện với những pha vào bóng mạnh, đúng luật, chấn thương (nếu xảy ra) còn là sự may rủi”, ông Thắng tiếp.

Như Thể thao & Văn hóa từng đề cập trong rất nhiều các chuyên đề về bạo lực sân cỏ, việc giáo dục các đội bóng, cầu thủ tuân thủ luật chơi và tinh thần thể thao cao thượng có vẻ như đang bị xem nhẹ ở Việt Nam. Đó là mầm mống cho bạo lực, còn trọng tài, tiền thưởng hay các yếu tố khác, chỉ là xúc tác.

Trở lại chuyện Đình Đồng cân nhắc giải nghệ, một cách gây sức ép kiểu cũ lên Ban Giải quyết khiếu nại để yêu cầu giảm án cho hậu vệ SLNA, sau khi Đình Đồng bị Ban Kỷ luật phạt 20 triệu đồng, cấm mọi hoạt động bóng đá đến hết năm 2014 và phải lo trọn chi phí chữa trị cho “người bị hại” là Anh Hùng.

Thế nhưng, nó vô tình đẩy câu chuyện đi quá đà, khi một bộ phận không nhỏ người hâm mộ đá bóng đã cảm thấy phẫn nộ. Họ cho rằng, nếu Đình Đồng có ý giải nghệ thì đấy là một tin rất đáng… ăn mừng. “Đồng giải nghệ sẽ trao lại sự nghiệp cho nhiều cầu thủ khác”, một ý kiến như thế.

Song, đặt giả thuyết, Đình Đồng vì bất phục Ban Kỷ luật và Ban Giải quyết khiếu nại, mà giải nghệ thật, thì tác nhân (các quan tòa bóng đá), cũng không phải hoàn toàn vô can. “Họ đã tước đi một năm chơi bóng, với 28 trận đấu và giờ có thể lấy đi cả sự nghiệp của một cầu thủ, một con người”, ý kiến khác.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm