Góc nhìn 365: 'Vốn quý' cho sáng tạo

16/11/2023 07:42 GMT+7 | Văn hoá

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ khai mạc vào ngày mai 17/11. Nhưng từ hơn một tuần qua, thông tin về những hoạt động cụ thể tại sự kiện đã nhận về sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng.

Đầu tiên, đó là cuộc trưng bày được tổ chức tại tháp nước Hàng Đậu, sau nhiều năm kiến trúc này ở vào cảnh "cửa đóng then cài" ngay giữa phố cổ.

Rồi liền đó, trên không gian mạng, nhiều người háo hức chia sẻ về việc mua vé để bước lên "đoàn tàu di sản" được thiết lập trong dịp này - với những chuyến tàu có trang trí, tổ chức biểu diễn nghệ thuật và đưa du khách tham quan dọc tuyến đường sắt từ ga Hà Nội tới Gia Lâm.

Đặc biệt, nhà máy xe lửa Gia Lâm chính là không gian quan trọng của lễ hội này - khi diễn ra các lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức nhiều triển lãm thiết kế sáng tạo. Tại đây, nhiều phân xưởng, nhà kho - vốn là không gian nội bộ của nhà máy này - được "đánh thức" để đón du khách, bao gồm cả việc trưng bày một đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đã có hơn 50 năm tuổi.

Góc nhìn 365: 'Vốn quý' cho sáng tạo - Ảnh 1.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ trở thành một tổ hợp sáng tạo. Ảnh: BTC

Đáng nói, hầu hết những không gian diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 cũng từng được đề cập đến trong những đề xuất hay trong các cuộc thi về kiến trúc trong thời gian qua.

Đơn cử, tháp Hàng Đậu từng được đề xuất kết nối với tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" tại vườn hoa cạnh đó để hình thành quần thể không gian kỷ niệm 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội năm 1946 - hoặc kết nối với đường dẫn lên cầu Long Biên để hình thành cụm bảo tàng ngoài trời.

Rồi, tại cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội năm 2021, một đồ án gắn với ý tưởng biến Nhà máy xe lửa Gia Lâm và hồ Ngọc Lâm liền kề thành một không gian văn hóa sáng tạo cho cộng đồng cũng từng nhận được giải thưởng.

***

Không lạ về điều này: Gắn với lịch sử phát triển của đô thị, tháp nước hay nhà máy cũ đều là những kiến trúc đặc trưng của di sản công nghiệp - khái niệm đang được nhắc tới rất nhiều trong vài năm qua. Vắn tắt, đó là những gì còn lại của các cơ sở công nghiệp từng là hạt nhân tạo ra nguồn lực kinh tế cho thành phố - để rồi đã (hoặc sẽ) trở thành "di sản" khi các cơ sở sản xuất này đến lúc phải di dời trong giai đoạn phát triển mới.

Và trong bối cảnh hiện tại, sẽ là hợp lý nếu những di sản ấy được quy hoạch thành các không gian mang tính chất "vườn ươm" cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo - vốn đã được lựa chọn là định hướng phát triển của thành phố trong tương lai.

Những thống kê hiện tại cho thấy Hà Nội có cả trăm nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đã và đang được di dời khỏi nội đô. Một phần trong số này đã được tái thiết thành các không gian văn hóa hoặc trung tâm sáng tạo cho cộng đồng: Trung tâm văn hóa Pháp cũ (phố Tràng Tiền) và Complex 01 (phố Tây Sơn) vốn là những nhà in cũ, "quận nghệ thuật" Hanoi Creative City (phố Lương Yên) xây lại từ nền tòa nhà Kim khí Thăng Long, khu 282 Design (phố Phú Viên, Long Biên) vốn là nhà máy sản xuất mũ cối.

Nhưng chắc chắn, ở cả quy mô lẫn cách tiếp cận, những gì đã có mới chỉ là một phần nhỏ so với tiềm năng phát triển của Hà Nội từ "vốn di sản" công nghiệp đang có.

Tất nhiên, không phải nhà máy, công xưởng cũ nào cũng hội đủ những yếu tố để trở thành một không gian sáng tạo. Và ở hướng ngược lại, việc thiết lập không gian sáng tạo từ những thiết chế cũ này cũng cần những cơ chế đặc thù để chuyển đổi công năng hay thu hút nguồn lực đầu tư. Nhưng việc "đánh thức" hệ thống di sản công nghiệp qua những chương trình như Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 chính là một khởi đầu quan trọng, để chúng ta có ý thức xây dựng chiến lược dài hơn về "vốn quý" này…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm