Góc nhìn 365: Vị thế của nhà làm phim nữ

30/11/2023 08:05 GMT+7 | Văn hoá

Liên hoan phim Việt Nam năm 2023 vừa khép lại, có thể xem là một mùa liên hoan ghi dấu ấn của các nhà làm phim nữ. Hà Lệ Diễm cùng Những đứa trẻ trong sương lần lượt chiến thắng các giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Vàng hạng mục phim tài liệu.

Đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử 23 kỳ liên hoan phim, giải Quay phim xuất sắc nhất được trao cho một nhà quay phim nữ - Nguyễn Phan Linh Đan (phim Cô gái đến từ quá khứ). Đây cũng là lần đầu tiên liên hoan phim trao giải cho hai nhà quay phim cùng một lúc. (Nhà quay phim Nguyễn K'Linh cũng đoạt giải này với phim Tro tàn rực rỡ).

Nhìn lại lịch sử điện ảnh thế giới, những nhà làm phim nữ có phần mờ nhạt so với những nhà làm phim nam. Đơn cử như tại kinh đô điện ảnh Hollywood, ra đời vào năm 1929 nhưng đến năm 2009, giải Đạo diễn xuất sắc nhất mới trao cho một nữ đạo diễn, Kathryn Bigelow với phim The Hurt Locker. Hơn mười năm sau đó, mới có thêm một nữ đạo diễn giành Giải Oscar ở hạng mục này, Chloé Zhao với phim Nomadland.

Góc nhìn 365: Vị thế của nhà làm phim nữ - Ảnh 1.

"Những đứa trẻ trong sương" lần lượt chiến thắng các giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Vàng hạng mục phim tài liệu

Hoặc, tháng 5 năm nay, Anatomy of a Fall của nữ đạo diễn Justine Triet đã xuất sắc giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Dẫu 76 lần tổ chức, Liên hoan phim Cannes mới chỉ có 3 phim đoạt giải Cành cọ vàng do nữ giới đạo diễn.

Có một thực tế bất công rằng trong ngành điện ảnh, nữ giới thường chịu thiệt thòi hơn nam giới. Chẳng hạn như khi một bộ phim xuất hiện cảnh nóng táo bạo, dư luận thường hướng sự chú ý vào diễn viên nữ hơn diễn viên nam. Ở những nền công nghiệp phim ảnh lớn như Bollywood (Ấn Độ), phụ nữ tham gia vào ngành này còn phải đối mặt với sự chênh lệch về lương, không có nhà vệ sinh riêng, không được đảm bảo an toàn khi tăng ca…

Mấy năm qua, cùng với làn sóng nữ quyền, nữ giới ngày càng tìm được tiếng nói nhiều hơn trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy vốn thường bị hiểu nhầm "chỉ dành cho đàn ông." Sự nhìn nhận đúng đắn ấy đã làm cho diện mạo điện ảnh trở nên đa dạng hơn, góp thêm một góc nhìn "của người trong cuộc" và suy cho cùng chính nền nghệ thuật được hưởng thành tựu từ các nữ đạo diễn, và khán giả được thụ hưởng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường chúng ta phải đi cùng những thay đổi, những tín hiệu mới đáng mừng mới dần dần xuất hiện. Chia sẻ với báo giới sau khi đoạt giải, Nguyễn Phan Linh Đan hy vọng nghề quay phim sẽ có thêm nhiều gương mặt phụ nữ hơn. Trong điện ảnh, riêng quay phim, sự xuất hiện của phụ nữ quả hiếm hoi. Những trở ngại về thể lực hay những tình huống xảy ra trong quá trình làm việc chính là điều hoàn toàn có thể làm một nhà quay phim nữ nản lòng.

Ngành phim, trong phạm vi về giới, gió có vẻ đổi chiều. Nhưng chưa thể đánh giá đó là một cuộc xoay chiều mạnh mẽ và căn cơ. Quan trọng là nhận thức của người trong nghề, cùng với sự phát triển của ngành có thể hỗ trợ cho bất kỳ nhà làm phim nào tìm được vị trí xứng với năng lực của mình, chứ không phải là một xu hướng mang tính tình thế hoặc chạy theo trào lưu đang thời sự.

Một thế hệ nhà làm phim trẻ Việt Nam năng động, được đào tạo bài bản đã lộ diện. Ở đó, không thiếu những gương mặt nữ. Nhìn hình ảnh Nguyễn Phan Linh Đan đứng cạnh các đồng nghiệp nam trên sân khấu nhận giải, có thể thấy cô không lu mờ chút nào. Cũng có thể xem giải thưởng lần này không chỉ như một sự khích lệ cá nhân mà còn là sự động viên dành cho nữ giới, không chỉ quay phim mà ở các nhiều lĩnh vực khác của ngành điện ảnh, để họ thêm mạnh dạn hơn trên con đường theo đuổi đam mê với môn nghệ thuật thứ bảy của mình.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm