Góc nhìn 365: Tự hào vì là chính mình

27/06/2023 11:55 GMT+7 | Văn hoá

Nếu bạn gõ dòng chữ "tháng tự hào" trên nền tảng tìm kiếm Google, giao diện hiển thị kết quả sẽ có hiệu ứng pháo hoa giấy rơi rơi kèm đoàn người vẫy cờ lục sắc. Đấy là cách nền tảng tìm kiếm phổ biến nhất thế giới này bày tỏ sự ủng hộ với "Tháng tự hào LGBT" (LGBT Pride Month).

"Tháng tự hào LGBT" có lịch sử lâu đời kể từ năm 1970 ở Mỹ. Cùng với những nhận thức cởi mở hơn, ngày nay cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới) ở nhiều nơi trên thế giới đều kỷ niệm tháng này (kéo dài từ 1/6 đến 30/6).

Nếu lấy mốc 1970 đã nhắc ở trên, thì cộng đồng LGBT đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ để tự khẳng định mình trong một xã hội phát triển nhưng vẫn còn nhiều định kiến. Và hành trình đó vẫn đang tiếp tục.

Trong xã hội hiện đại, cộng đồng LGBT tự tin khẳng định bản thân hơn, không ngại cất lên tiếng nói và đấu tranh vì bản dạng giới của mình. Nhưng trong "Tháng tự hào LGBT" không hiểu sao tôi nhớ lại Khâu Diệu Tân cùng cuốn "nhật ký" danh tiếng của bà.

Sinh năm 1969 ở Đài Loan (Trung Quốc), sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý, Khâu đến Đại học Paris VIII để nghiên cứu chuyên sâu. Có lẽ thời đó, không ai ngờ rằng người có trình độ văn hóa cao như Khâu Diệu Tân lại chọn lựa cái chết ở tuổi 26. Bà để lại 2 tiểu thuyết Nhật ký cá sấu và Di thư ở Montmartre.

Góc nhìn 365: Tự hào vì là chính mình - Ảnh 1.

"Tháng tự hào LGBT" có lịch sử lâu đời kể từ năm 1970 ở Mỹ. Nguồn: Internet

Thời của Khâu Diệu Tân, đồng tính là điều gì đó "lập dị", "kỳ quái". Khâu Diệu Tân lấy hình ảnh con cá sấu phải sống khép mình vì bị xã hội săn đuổi để chỉ tình cảnh của bà cũng như những người thuộc cộng đồng LGBT ở Đài Loan trong thập niên 1990.

Nhật ký cá sấu của Khâu Diệu Tân là cuốn sách trầm uất và u buồn của một người lạc lối trên quê hương không tìm được sự công nhận và đồng cảm. Cuốn sách nhắc nhiều đến các tác phẩm văn học nổi tiếng, trong đó có Nhân gian thất cách của Dazai Osamu (bản tiếng Việt tên "Thất lạc cõi người") và có cả Rừng Na Uy của Haruki Murakami.

Không ngạc nhiên, khi Khâu Diệu Tân chọn kết thúc như nhiều nhân vật trong Rừng Na Uy, những người trẻ đầy khát vọng yêu đương, một tình yêu giản đơn: "Cách đối đãi với tình yêu trên đời, thay vì cố vẹn tròn một ảo tưởng tình yêu vĩnh hằng lý tưởng, tốt hơn là đối mặt với ý nghĩa của từng mảnh từng mảnh tình vỡ vụn hoang đường." (trích Nhật ký cá sấu, Tố Hinh dịch, NXB Phụ Nữ). Tình yêu giản đơn ấy không chỉ là khát khao của riêng một cộng đồng nào, mà là khát vọng chung của bất kỳ ai trên đời này.

Ngày 24/5/2019, Đài Loan (Trung Quốc) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Cái chết năm 1995 không cho phép Khâu Diệu Tân chứng kiến điều này. Từ lúc bà viết Nhật ký cá sấu, đã có nhiều thứ đổi thay, nhưng có những định kiến vẫn còn tồn tại ở đó.

Trong những ngày của "tháng tự hào", đọc lại một tác phẩm cũ của nhà văn đồng tính nổi tiếng thay cho lời giải thích: Vì sao chúng ta, dù có thuộc cộng đồng LGBT hay không, cần tự hào vì sống đúng với bản thân mình.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm