Góc nhìn 365: Truyện tranh Việt Nam nhìn từ một tin vui

05/03/2024 06:56 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin đáng chú ý: Giải thưởng Silent Manga Audition (một giải thưởng truyện tranh quốc tế có uy tín tại Nhật Bản) lần thứ 20 vừa công bố danh sách họa sĩ đoạt giải. Và, trong số hơn 900 bài thi của các tác giả đến từ hơn 80 quốc gia, tác phẩm On the edge của Thùy Linh (Việt Nam) được chọn trao giải Nhì. Chưa hết, hai tác giả Việt Nam khác cũng giành giải Khuyến khích tại cuộc thi này.

Đây không phải lần đầu tiên họa sĩ truyện tranh Việt Nam đạt thành tích tốt tại các cuộc thi truyện tranh của Nhật Bản - quốc gia có nền công nghiệp truyện tranh mạnh nhất thế giới hiện nay.

Gần nhất, vào cuối năm 2023 vừa qua, tác giả Nachi Nguyễn đoạt giải Bạc tại Giải thưởng Truyện tranh quốc tế Nhật Bản (Japan International Manga Award). Đáng nói, Nachi Nguyễn là tác giả Việt Nam thứ 6 ghi dấu ấn ở giải thưởng này. 

Một thành tích ở đấu trường quốc tế là tín hiệu vui, trước nhất là cho cá nhân họa sĩ đoạt giải, sau đó là nguồn cổ vũ cho cộng đồng họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam. 

Góc nhìn 365: Truyện tranh Việt Nam nhìn từ một tin vui - Ảnh 1.

Một trang truyện trong tác phẩm "On the edge" của tác giả Thùy Linh. Ảnh: Thùy Linh/Báo Tuổi Trẻ

Thực tế, hiện nay, các họa sĩ truyện tranh trẻ ở Việt Nam đang hoạt động sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Và với việc tiếp cận thông tin quốc tế dễ dàng hơn, họ dần có nhiều cơ hội thử sức tại các cuộc thi quốc tế. Đó là một điều nên làm, trước hết để chúng ta có thể đánh giá đúng về năng lực của mình.

Nhưng cuộc thi nào vào mùa sau cũng sẽ lại có quán quân khác. Thành công của vài cá nhân chưa thể đủ sức tạo dựng nên vị thế cho cộng đồng sáng tạo truyện tranh của chúng ta, dù là một cộng đồng đầy đam mê và khao khát chứng tỏ mình. 

Như chia sẻ từ những người trong nghề, năm 2023 vừa qua, số đầu truyện tranh "made in Việt Nam" được xuất bản vẫn khá khiêm tốn - chứ chưa bàn về  chất lượng của từng tác phẩm. Còn nhìn từ góc độ xuất bản, ở Việt Nam cũng rất ít nhà xuất bản hay đơn vị làm sách tư nhân có đủ tiềm lực để đồng hành, hỗ trợ các họa sĩ truyện tranh trẻ theo một mô hình chuyên nghiệp hóa. 

Thực tế, những năm qua, nhiều sản phẩm truyện tranh Việt Nam vẫn được  xuất bản bằng hình thức kêu gọi vốn từ cộng đồng. Có thể nói, cộng đồng người yêu truyện tranh và các họa sĩ đang tự lực, "nuôi dưỡng" lẫn nhau, và trước nhất là nuôi dưỡng đam mê với loại hình này.

Rõ ràng, truyện tranh nội địa vẫn có sức hút nhất định - mà bằng chứng là thông tin về tác phẩm Tàn lửa của tác giả Việt Nam Lilywiu (dự kiến ra mắt ngày 8/3 tới) đang gây chú ý lớn. Nhưng một tay vỗ chẳng thành tiếng, truyện tranh Việt Nam cũng không thể dựa vào một vài cá nhân xuất sắc, rồi tự thân vận động là chính. 

Từ những tín hiệu vui đã có, truyện tranh Việt Nam cần khẳng định bản thân ngay tại thị trường "sân nhà" trước khi nghĩ tới giấc mơ lớn là vươn ra thế giới. Và muốn vậy, chúng ta cần một chiến lược lâu dài, cần sự đầu tư đúng mực, cũng như sự quan tâm và chung sức của tất cả những người làm văn hóa, chứ không chỉ những cá nhân trong lĩnh vực này.

 

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm