Góc nhìn 365: Nhậu nhiều, đọc ít, vì sao?

18/04/2023 07:28 GMT+7 | Văn hoá

Vài năm trước, ngành xuất bản của chúng ta từng công bố kết quả thống kê, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. 

Nhưng tôi biết có nhiều độc giả, trung bình mỗi năm, đọc cả trăm cuốn sách. Vậy thì xét theo số liệu này, những người đọc nhiều sách, cũng đã "đọc" thay phần cho nhiều người cả năm không đọc cuốn sách nào.

Trong khi đó Việt Nam lại nằm trong tốp tiêu thụ rượu bia cao. Theo số liệu VTV công bố tháng 7/2022, trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi, uống 170 lít bia mỗi năm.

Như thế, nếu tính một cách tương đối, số tiền bỏ ra để mua bia hàng năm có thể đã lên tới bạc triệu, trong khi một cuốn sách, nhiều khi là những cuốn sách kinh điển, có giá trị cao cũng chỉ có giá bìa từ vài chục ngàn đến đôi ba trăm ngàn.

Đi tìm căn nguyên vì sao người Việt đọc sách ít quả cũng không dễ nhưng thử quan sát một số hiện tượng gần gũi hơn. Đó là việc đọc trong nhà trường của các em học sinh và của chính giáo viên nữa. Liệu đã có bản thống kê số lượng sách mà mỗi năm các giáo viên đọc để phục vụ cho công việc của mình không? Một khi giáo viên đã đọc ít, thì những lời khuyến khích học sinh đọc nhiều, xem ra vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Góc nhìn 365: Nhậu nhiều, đọc ít, vì sao? - Ảnh 1.

Ngày hội triển khai hoạt động giới thiệu sách và đọc sách trong cộng đồng. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Vì, một người hướng đạo đầu tiên trong chặng đường đọc sách của mỗi người rất quan trọng. Nhất là thời buổi có bạc ngàn sách vở như hiện nay. Khi mà các kênh tham khảo uy tín như mục đọc sách trên các báo đã thưa vắng dần. Từ một chuyên mục định kỳ của một số tờ báo, các mục này rút dần khỏi các trang, trở thành những bài viết "vãng lai", nhường chỗ cho các chuyên mục, tin tức có nhiều độc giả hơn.

Nói không phải để trách các tờ báo, vì kỳ thực, các chuyên mục về sách vở đã không còn đủ sức hấp dẫn đại đa số độc giả. Còn nhớ ngày xưa, mỗi tuần cứ ngóng chờ số báo ngày thứ mấy đó, để xem có cuốn sách nào mới ra, xem các bài phê bình, đánh giá cuốn sách đó để còn biết có hợp không mà mua. Dĩ nhiên báo chí không phải là kênh thông tin duy nhất giới thiệu sách vở, nhưng là kênh thông tin có chọn lọc. Nghịch lý ở chỗ, chính báo chí đang cổ vũ cho văn hóa đọc nhưng các chuyên trang đọc sách trên nhiều báo đã không còn.

Kể từ khi có Ngày Sách Việt Nam, thì mỗi năm chúng ta lại có dịp bàn chuyện người Việt đọc ít, nhậu nhiều và rồi cứ thế mà bàn, mà cảm thán, mà xuýt xoa với số lượng sách phát hành mỗi năm tăng cao, nhưng số lượng sách mỗi năm người Việt thực đọc thì chẳng thể tăng được là bao.

Trong cái vòng lẩn quẩn của ngày tháng, tự hỏi không biết đến bao giờ sách vở mới trở thành thiết yếu trong đời sống đại bộ phận người Việt Nam chúng ta.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm