Góc nhìn 365: Chờ 'danh xưng' mới cho chèo

04/04/2024 07:44 GMT+7 | Văn hoá

"Bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ", anh hề hỏi. Rồi dàn đế đáp: "Không xưng danh thì ai biết đấy là ai". Đó là câu khai mào mà có lẽ mọi khán giả đều thuộc khi xem những màn chèo cổ.

Còn bây giờ, câu chuyện "danh xưng" ở chèo đang gắn với một thông tin thời sự: Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của các cơ quan chức năng về việc gửi hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật chèo vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhìn lại, từ năm 2021, kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử cho loại hình sân khấu này cũng đã được thông qua và triển khai tại 14 tỉnh, thành vùng trung du và đồng bằng phía Bắc. Có nghĩa, chèo đang đứng trước cơ hội trở thành loại hình sân khấu truyền thống đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là di sản thế giới.

Góc nhìn 365: Chờ 'danh xưng' mới cho chèo - Ảnh 1.

Trình diễn Chèo tại làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Nhưng, cũng phải nhắc tới một thực tế trái ngược: Có lẽ, mọi khán giả Việt Nam đều không xa lạ với chèo, khi nó đã có trên 10 thế kỷ tồn tại và phát triển. Nhưng, để bỏ thời gian thưởng thức trọn vẹn một vở chèo, rất nhiều người trong số chúng ta lại có sự ngại ngần, nếu không phải là người thuộc giới chuyên môn.

Thực tế ấy đến từ sự thay đổi về thị hiếu và điều kiện của người xem qua từng giai đoạn khác nhau. Ở những thế kỷ trước, một thể loại kịch hát dân gian như chèo có thể đạt tới thời hoàng kim - khi khán giả của nó đều là những người nông dân sẵn sàng đứng quanh mảnh chiếu trải giữa sân đình để thưởng thức các điệu hát hoặc tích truyện "nói hộ" tiếng lòng và mơ ước của mình.

Còn ở giai đoạn hiện tại, chèo đang trở nên yếu thế, khi kịch nói đã xuất hiện và chi phối tư duy thưởng thức sân khấu của đa phần khán giả trong suốt gần một thế kỷ qua. Như phân tích của nhiều chuyên gia, chèo là nghệ thuật của tình cảm - trong khi kịch nói là nghệ thuật của nhận thức. Bởi thế, để có thể nắm bắt được nét hay, nét đẹp của nghệ thuật chèo, rõ ràng người xem cần có sự hiểu biết nhất định quanh các nguyên tắc cơ bản về điệu hát, trình thức biểu diễn, cách ra vai… của nó.

Nhìn rộng hơn, đặt trong khó khăn chung của cả nền sân khấu khi phải cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại, chèo phần nào cũng ở hoàn cảnh giống như tuồng hay múa rối nước: Có thể "xuất ngoại" hoặc thu hút khách du lịch quốc tế, nhưng lại gặp nhiều khó khăn để thuyết phục khán giả ở "sân nhà".

Sự thực, trong những năm qua, chèo Việt Nam vẫn có thể tồn tại được tại nhiều địa phương, và cũng thu hút được những lớp khán giả trẻ ham tìm hiểu di sản. Nhưng, thực tế ấy vẫn là quá ít so với tiềm năng của một loại hình nghệ thuật từng tồn tại hơn 10 thế kỷ và là "món ăn tinh thần" chính của cộng đồng trong quá khứ.

Bây giờ, cơ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới rõ ràng là một sự khích lệ xứng đáng và cần thiết cho nghệ thuật chèo.Nhưng cũng giống như nhiều loại hình di sản đã được vinh danh tại Việt Nam, cái đích cuối cùng của danh xưng "di sản thế giới" ấy chắc chắn phải là việc đánh thức sự quan tâm của cộng đồng để gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm