Halloween Việt Nam: Vui là chính!

31/10/2009 11:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với biểu tượng là quả bí đỏ (bí ngô) khắc hình đầu người dị dạng, nhe răng trên cái nền màu đen và màu cam chủ đạo được tạo ra bởi ánh sáng, Halloween đang ngày càng hiện diện nhiều ở các thành phố tại Việt Nam, trong một ý nghĩa “phái sinh” của ngày lễ quan trọng này - vui là chính!

Một nhóm nhảy tại cà phê Hollywoodome (87B Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM)

Năm nay, do khủng hoảng kinh tế, lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm sút đáng kể, nhưng theo tin mà TT&VH tìm hiểu được, từ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt, Vũng Tàu... đều có những địa chỉ tổ chức Halloween, chủ yếu ở các khu “Tây ba lô”, với các quán bar, quán cà phê “chịu” thức khuya.

Tranh cãi về mốc Halloween vào Việt Nam
Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về cột mốc du nhập ngày Halloween vào Việt Nam; nhiều sách nghiên cứu về lễ hội nội địa vẫn chưa thấy đề cập cụ thể. Sách báo cũ cũng có đưa một vài tin về Halloween ở Sài Gòn trước 1975, khi những lính Mỹ tổ chức để “trò chuyện” với những người bạn đã chết trong cuộc chiến.

Cũng có ý kiến cho rằng nó đã hiện diện ở khuôn viên các nhà thờ Thiên Chúa giáo từ lâu, nhưng chưa có dịp lan truyền ra ngoài xã hội. Nhiều quan sát khác cho rằng Halloween phát xuất tự phát từ các quán bar, khách sạn,
nhà hàng... nơi có người phương Tây làm việc, lưu trú, vui chơi.

Còn Halloween với các chương trình văn nghệ, tiệc tùng, vui chơi, bán vé...được định trước thì chỉ phổ biến trong  khoảng vài ba năm trở lại đây mà thôi.
Ở TP.HCM, bóng dáng Halloween dễ nhận ra hơn, khi rất nhiều khách sạn, trung tâm Anh ngữ, quán bar, quán cà phê, trường học, nhà văn hóa, công viên, shop quần áo... đã tổ chức. Thậm chí, Halloween đã hiện diện trên rất nhiều game online; chương trình game Bá chủ thế giới đã tổ chức Halloween với khoảng 1.000 người tham dự tại cà phê Blue Star (lầu 5 tòa nhà Alta Plaza, 91B2 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình) vào đêm 30/10, với tên gọi Đám cưới bóng đêm. Trong suốt 3 năm qua, đây là sự kiện thu hút rất đông người tham dự, do CLB F - Event tổ chức, năm nay có giá vé 100.000 đồng và tiêu điểm của chương trình vẫn là Đám cưới quỷ, vừa gây sợ hãi vừa vui nhộn.

Một điểm gây thu hút khác, với khoảng 100 vé được bán ra, là Hollywooddome (87B Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM), nơi mà từ hôm 24/10 đến nay, họ đã chiếu hàng loạt phim kinh dị, chủ đề về Halloween. Tối hôm qua, chương trình ở đây gồm có hóa trang kinh dị, thời trang từ địa ngục, trò chơi vui nhộn ma quái, buffet và bốc thăm trúng thưởng.

Muộn nhất có lẽ thuộc về ĐH Hoa Sen (8 Nguyễn Văn Tráng, TP.HCM) khi họ tổ chức lễ hội vào tối 1/11. Trao đổi với chúng tôi vào chiều 30/10, chị Ngọc Thảo cho biết BTC đã bán hết 400 vé và chương trình tại đây có một điểm khác biệt nhất là sẽ tạo ra 4 căn phòng ma rất rộng, để thách thức khách tham dự. Chương trình sân khấu có ca sĩ Thảo Trang, nhóm nhảy November, nhóm nhảy Heystep...

Trang phục, đạo cụ và giá cho các đêm Halloween ở TP.HCM cũng khá đa dạng, từ một vài chục ngàn đồng đến một vài trăm ngàn, hay vài chục USD cũng có. Tàu du lịch ở bến Bạch Đằng tổ chức buffet và chương trình giải trí với giá khoảng 550.000 đồng/người; khách sạn Legend có giá khoảng 650.000 đồng; khách sạn Rex khoảng 35 USD. Nhiều quán bar như Carmen, Yoko, Acoustic, Chu... đều có tổ chức các chủ đề âm nhạc riêng.

Halloween, xét về ý nghĩa nhân bản và tâm linh, rất giống với lễ Cầu hồn, chợ Âm phủ... ở trong quan niệm dân gian Việt Nam, nơi cõi dương và âm gặp nhau nhắn nhủ, chia sẻ những điều chưa kịp nói. Tuy nhiên, do cách thức du nhập chủ yếu qua hướng du lịch, nên các đêm Halloween ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, tính sự kiện, lấy sự vui nhộn làm chính.



Halloween - nhạt phai gốc tích

Halloween có cách đây hơn 2.000 năm, vốn bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt, được tổ chức vào đêm 31/10 hàng năm. Người Celt ở Anh, Bắc nước Pháp, Ireland lấy ngày 1/11 làm ngày đầu năm mới, đêm trước đó họ tổ chức lễ Tất niên. Đây cũng là lễ tạ ơn sau mùa thu hoạch; lễ cho các vong hồn và ma quỷ tụ họp; lễ trừ tà; lễ đưa gia súc trú Đông về chuồng; lễ khai canh...

Vào thế kỷ thứ 8, các giáo hội Thiên Chúa giáo đã thiết lập Ngày Chư thánh (All Saint’s Day) vào ngày 1/11, nên sau này, nhiều người cũng sáp nhận Ngày Halloween thành Ngày Chư thánh. Từ nguyên chữ “hallow” là thánh, Halloween là cách viết tắt của “All Halows’ Evening”.

Điểm chung của các nước du nhập lễ hội Halloween về sau này, thường bắt đầu từ sự tự phát của giới trẻ, họ thường ít chú ý đến những ý nghĩa nhân bản cổ xưa, mà chủ yếu dựa trên trào lưu “vui là chính”. Đây cũng là dịp để trẻ em hóa trang và được người lớn dạy cho mấy trò chơi “nhát ma”. Thanh niên thiếu nữ thì có dịp gặp nhau trong nhiều hình thức văn nghệ, nhảy múa, tiệc tùng...


Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm