'Sài Gòn cố gắng lên' - Xoa dịu lòng người

07/09/2021 11:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Không tham gia “đường đua” nhạc Việt đại chúng, không có mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc đình đám, lại mang danh nghĩa mảng đề tài tuyên truyền cổ động, vậy nhưng Sài Gòn cố gắng lên đang len lỏi và lan tỏa trong trái tim người Sài Gòn, Hà Nội và cả nước.

Ưng Hoàng Phúc, Quân A.P, Đạt G tung ca khúc ‘Cố lên Sài Gòn’

Ưng Hoàng Phúc, Quân A.P, Đạt G tung ca khúc ‘Cố lên Sài Gòn’

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ưng Hoàng Phúc đã kết hợp cùng Quân A.P, Dương Ngọc Thái, Đạt G, Bùi Dương Thái Hà, Lena và SOBE ra mắt ca khúc “Cố lên Sài Gòn” nhằm lan tỏa, cổ vũ tinh thần chống dịch của mọi người.

Ra mắt ngày 10/7 trên kênh YouTube mang tên Dee Trần Official, tính đến thời điểm 6/9, sau 2 tháng phát hành MV Sài Gòn cố gắng lên của Dee Trần (sáng tác Tuno, Dee Trần) đón nhận trên 195 nghìn lượt xem, hơn 4.200 lượt thích và 472 bình luận. Đây là con số đáng kể đối với một kênh YouTube không công bố số lượt theo dõi, chưa được tối ưu hóa toàn diện, mặt bằng chung các MV trong kênh chủ yếu dưới 10 nghìn lượt xem.

Bản cover yêu thương

“Đã đến rồi đấy, thật khó ai cũng phải đối diện/ Từng sáng chiều tối ngày tháng nặng trĩu/ Mất mát chia ly buồn đau dòng tin ngắn dài/ Khốn khó mưu sinh, trẻ thơ rời xa mái trường...”.

Tiếng hát của nam ca sĩ trẻ Hà Nội Nguyễn Đức Trung cất lên nhè nhẹ, da diết mà dứt khoát. Và cứ thế, những giai điệu đầy chất tự sự càng về cuối càng dần mạnh mẽ hơn trong sự thể hiện của ca sĩ khiến cho buổi ghi hình của chúng tôi dường như chững lại ngay sau khi bài hát kết thúc. Ai nấy trôi theo dòng cảm xúc của mình hướng về thành phố.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Đức Trung

Đó là một cảm xúc đặc biệt mà những người làm âm nhạc như chúng tôi hết sức trân trọng, bởi không phải lúc nào cũng có được những cảm xúc thật ấy trong chặng đường dài mình đang đi. Ngay trước Sài Gòn cố gắng lên, nữ ca sĩ Huyền Anh Yoko cũng đã tạo nên một không gian ngập tràn cảm xúc khi vừa rơm rớm nước mắt, vừa nghẹn ngào khi cất lên những lời ca đầu tiên của Sài Gòn tôi sẽ.

Buổi ghi hình nằm trong khuôn khổ chương trình Music Like. Thực ra, chương trình này đang phát sóng ổn định trên các hạ tầng VTVcab với chủ yếu các ca khúc về tình yêu đôi lứa nhưng đã tạm dừng để nhường chỗ cho một series chủ đề Cùng nhau vượt qua Covid. Trong số đầu tiên, không phải ngẫu nhiên cả Nguyễn Đức Trung và Huyền Anh Yoko đều chọn trùng ca khúc. Sài Gòn đang ở thời điểm lịch sử chưa từng xảy ra trước đó và cả nước đang dồn sự quan tâm, chia sẻ đến thành phố. Bên cạnh tình cảm chung, 2 ca sĩ còn có những lý do riêng để yêu và thương thành phố này.

Huyền Anh Yoko cựu thành viên nhóm S-Girl từng đoạt á quân X-Factor 2016 rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Sài Gòn trong mắt của Huyền Anh rất khác, một Sài Gòn khỏe mạnh, năng động, là nơi người trẻ thực hiện ước mơ và Huyền Anh cũng từng gắn bó với nơi này. Thế mà giờ đây nhìn hình ảnh thành phố, Huyền Anh không biết nói gì, chỉ muốn góp sức nhỏ bé của mình bằng lời ca để gửi lời tri ân thành phố”.

Trong khi đó, chàng ca sĩ trẻ Nguyễn Đức Trung đừng đoạt giải 3 Giọng hát hay Hà Nội 2018 và đang gắn bó sự nghiệp tại Hà Nội cũng có duyên khi nhận được những lời mời hợp tác từ Sài Gòn. Anh cho biết: “Nếu giờ Sài Gòn đang bình thường thì Đức Trung ở đó, tham gia một game show âm nhạc. Nhưng dịch bệnh ập tới, tất cả phải dừng lại. Vì thế Đức Trung muốn chia sẻ tình cảm từ trong trái tim mình với thành phố”. Nam ca sĩ chia sẻ thêm rằng anh muốn hát Sài Gòn cố gắng lên để gửi tình cảm cũng như mong muốn của mình; thành phố sớm trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
MV “Sài Gòn cố gắng lên” của Dee Trần đang gây xúc động

Một ca khúc thú vị

Câu mở đầu nói về việc mọi người phải đối mặt với dịch Covid-19 đang xuất hiện tại Sài Gòn, cũng như những ảnh hưởng đến xung quanh. Ca từ tiếp theo là sự lặp lại về âm nhạc, trong khi nội dung gợi mở hình ảnh giúp mọi người hình dung rõ hơn về sự đối lập giữa lúc bình thường và lúc chịu dịch bệnh: “Phố phường quạnh vắng/ Dù chỉ ngày hôm qua huyên náo thế nào/ Vì đâu giờ đây bao quán xá tiêu điều/ Lắng lo trên mặt người, thay nụ cười”.

Tiếp đó âm nhạc đã bắt đầu có sự thay đổi, đồng thời ca từ truyền tải thông điệp: “Nguyện cầu mau qua nhanh mong cho thế giới yên bình/ Để muôn người vui sống, trẻ thơ được vui đến lớp/ Những hoang mang lo âu sẽ không kéo dài/ Không còn lây lan, ai cũng bình an/ Nơi nơi đẩy lùi Covid”. Tới đây, đoạn một kết thúc. Cái thú vị ở chỗ, những thay đổi ngày càng hiện ra ở phía cuối của đoạn ca từ này, nhất là những ca từ cuối cùng.

Nếu như toàn bộ giai điệu của đoạn nhạc chủ yếu ở những nốt thấp mang tính tự sự, dàn trải như sự chia sẻ suy nghĩ, âu lo thì ở những nốt cuối của đoạn nhạc - tương ứng với ca từ “nơi nơi đẩy lùi Covid” - đột ngột thay đổi, như có sự cộng dồn, chia nhỏ đều đặn các nốt nhạc tạo cảm giác nhanh hơn, hối thúc trong khi giai điệu bắt đầu với thủ pháp điệp nốt ở 2 nốt đầu tiên, sau đó diễn tiến đi lên. Sự xuất hiện này tạo sức hút, tạo đà gợi mở cho đoạn 2, đoạn điệp khúc.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Các ca sĩ Đức Trung, Huyền Anh Yoko và Minh Hoàng

Sau những thay đổi đáng kể của giai điệu tựa như đoạn nối, đoạn 2 bắt đầu. Vẫn là tính chất trữ tình tự sự nhưng âm nhạc được lan ra với sự phát triển mở rộng của cao độ. Những lời ca của đoạn nhạc thể hiện tinh thần lạc quan: “Sài Sòn cố gắng lên, bước qua Sars Covid/ Một thời khắc khó khăn, vẫn tin, vẫn còn bao hy sinh âm thầm” và “Tạm biệt những chuyến đi, cái ôm giữ lại cho lúc tan dịch”; để rồi nhắn nhủ nhau rằng: “Dẫu cách xa hay buồn” thì “Ta bước qua một mùa Covid”. Sau đó, ở phần chorus out, toàn bộ lời ca đoạn 2 được nhắc lại lần nữa.

Như vậy, Sài Gòn cố gắng lên được viết với khuôn khổ 2 đoạn nhạc, có câu nối ở giữa. Ca khúc được viết ở giọng trưởng, mang màu sắc trữ tình tự sự, mang tinh thần lạc quan. Dee Trần với giọng nam trung, truyền cảm, khá nhuyễn với cách hát giọng pha chứng tỏ có học hỏi, tìm tòi cách hát; trong khi tinh thần hát theo đúng như câu nghe nhạc của số đông giới trẻ hiện nay. Điều đó cũng góp phần giúp ca khúc dễ dàng lan tỏa.

Về phần hình ảnh, như nhiều MV thực hiện trong giai đoạn giãn cách xã hội, ca khúc được thu âm, ghi hình trong studio và khai thác những hình ảnh liên quan đến dịch bệnh, từ những thay đổi của thành phố, đến hình ảnh y bác sĩ, bệnh nhân... Nó góp thêm phần cho sự lan tỏa thông điệp tích cực cùng nhau chống dịch.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Không đơn thuần là một địa danh...

Đất nước đang những ngày khó khăn vì ảnh hưởng từ đại dịch. Số ca nhiễm vẫn còn cao, lại có sự mất mát về người. Những điều đó làm trái tim người nghệ sĩ cảm thấy đau. Và nỗi đau như được an ủi bởi những hình ảnh ấm áp với sự chung tay của toàn xã hội, các lực lượng chức năng, các tổ chức thiện nguyện, những tấm gương sáng đã xuất hiện, những câu chuyện cảm động cùng nhau vượt qua mùa dịch... Cộng dồn những cảm xúc và những hình đó khiến âm nhạc phải lên tiếng. Dễ dàng nhìn thấy tất cả những điều trên trong các tác phẩm liên quan đến mảng đề tài chống dịch Covid-19.

Không chỉ Sài Gòn cố gắng lên, còn có nhiều ca khúc liên quan đến mảng đề tài này ra đời trong 2 năm 2020 và 2021. Đặc biệt, trong giai đoạn Sài Gòn và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng của dịch, đã có thêm nhiều sáng tác mới đề cập cụ thể tới địa danh đặc biệt này của cả nước như: Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn (Khắc Việt, Tuấn Hưng), Sài Gòn tôi sẽ (thầy giáo Nguyễn Thái Dương), Sài Gòn ơi (Phan Việt, Châu Khải Phong), Cố lên Sài Gòn (Nguyễn Hoài Anh, nhiều nghệ sĩ). Trước đó, tháng 10/2020 Nguyễn Phi Hùng ra mắt Có một Sài Gòn như thế...

Có một điều rất đặc biệt, hầu như những ca khúc được sáng tác và ra mắt trong mùa đại dịch mặc dù đều ở trong tình trạng viết rất nhanh, sản xuất vội vã nhưng đều nhận được sự đón nhận từ công chúng. Thú vị hơn, mặc dù các ca khúc mang mục đích tuyên truyền, cổ động về dịch giã nhưng lại không hề gượng ép, mà thực sự đến từ cảm nhận, sự rung động của trái tim.

Sài Gòn cố gắng lên là một trong số đó. Ca khúc này còn tạo sự thú vị từ ngay chính cái tên. Ở đây, Sài Gòn không còn đơn thuần là một địa danh, một đơn vị hành chính, một thành phố nữa mà nó như một thực thể sống. Thực thể ấy từng rất khỏe mạnh, từng là chỗ dựa cho mọi người, từng cho mỗi người những hạnh phúc, sẻ chia và cả khổ đau, từng mang lại tương lai cho rất nhiều người và cưu mang những mảnh đời khốn cùng... Tức là thực thể sống ấy còn có tâm hồn, có tình cảm và luôn chan chứa sự yêu thương. Bỗng một ngày thực thể sống có tâm hồn ấy bị ốm.

Sài Gòn cố gắng lên như lời động viên của một người bạn, một người con, một người đã từng nhận ân huệ của thành phố và vẫn đang còn gắn bó với thành phố. Chính vì thế Sài Gòn cố gắng lên dễ đồng cảm với những ai đã từng gắn bó với thành phố, từng đặt chân tới thành phố hay chỉ đơn thuần yêu thành phố. Đó cũng chính là lý do Huyền Anh Yoko và Nguyễn Đức Trung đều chọn ca khúc này và đều thể hiện được với tinh thần thông điệp và ẩn dụ có trong ca khúc.

Việc hát lên những ca khúc này góp phần cho nghệ sĩ được giãi bày, cho người nghe nhận thêm được một chút động viên. Nó nhỏ bé nhưng hòa vào quyết tâm chung tạo nên niềm tin, niềm động viên tinh thần giúp mỗi chúng ta vơi đi những khó khăn đang phải đối diện. Nó tựa như liều thuốc giúp xoa dịu lòng người.

MV “Sài Gòn cố gắng lên”:

Điểm 7,5/10

Chú thích ảnh

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm