Những 'thảm họa' khi chính trị gia bắt tay ngôi sao âm nhạc

22/06/2016 06:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không ngoa khi nói, Katy Perry đã mang về cho ứng viên Đảng Dân chủ Hilary Cliton rất nhiều phiếu ủng hộ bằng cách mặc bộ đầm trắng quyến rũ và nắm tay bà bước đi. Trong khi đó, Donald Trump thật thảm hại khi bị Neil Young phản đối gay gắt do “dám” dùng sản phẩm của danh ca này làm ca khúc chủ đề.

Những cuộc chiến âm nhạc như thế này đã có từ lâu trong giới chính trường. Các chính trị gia muốn tạo ảnh hưởng tới công chúng nhờ sức mê hoặc lớn lao của những ngôi sao âm nhạc. Tuy nhiên, đáng tiếc là trên thực tế, những hợp tác này phần lớn đều rơi vào cảnh bế tắc, đôi khi dở khóc dở cười.

Cuộc gặp điên rồ nhất lịch sử

Cuộc gặp nổi tiếng vào năm 1970 giữa Elvis Presley và Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó được đánh giá là hết sức... điên rồ. Vào 6h30 sáng, ông hoàng nhạc Rock and Roll đưa cho Nhà Trắng một bức thư sáu trang, yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp với tổng thống để giải quyết vấn đề lạm dụng chất kích thích trong giới trẻ.

Elvis ước có thể “cứu” nước Mỹ khỏi “tệ nạn ma túy, lối sống hippie, SDS (Hội sinh viên cho một xã hội dân chủ)…” Hơn cả, Elvis muốn trở thành đặc vụ ngầm của liên bang và được trao huy hiệu để công tác. Và dường như, Elvis có được những ý tưởng trên “nhờ” số lượng chất kích thích mà ông dùng ngày một nhiều, thứ cướp đi mạng sống của ông ít năm sau đó.


Bức ảnh huyền thoại giữa Elvis và Nixon

Khỏi phải nói các trợ lý tổng thống đã hoảng hốt như thế nào. “Nếu Tổng thống muốn hội đàm với những người trẻ sáng láng ngoài kia, Presley hẳn là sự khởi đầu hoàn hảo”, phụ trách nhân sự Nhà Trắng H.R. Haldeman cảm thán và nói thêm, “Thật điên rồ” trước khi đóng dấu “Chấp nhận” vào văn bản. Lịch làm việc của Tổng thống phải giãn ra để gặp Elvis – với đầy đủ quần loe áo khoác nhung tím, đồng hồ và thắt lưng to vàng chói.

Cuộc gặp trôi qua khá êm ả. Cả hai cùng bàn thảo những vấn đề rất nghiêm túc. Chỉ duy một lần Elvis hơi quá đà khiến Tổng thống Nixon không biết phản ứng sao. “The Beatles, theo tôi, là một loại chống Mỹ. Họ tới đây, ôm bộn tiền rồi quay trở lại Anh và nói nhiều điều chống lại Mỹ”. Khi cuộc gặp kết thúc, Elvis ôm chầm lấy Tổng thống Mỹ Nixon đầy thân ái.

Ngay chiều hôm đó, Elvis có được chiếc huy hiệu mình khao khát. Nhưng khi đó, dường như Elvis đã “rã thuốc”. Cũng không thấy Nixon triệu tập các danh ca để bàn bạc về các chiến dịch ngầm. “Di sản” của cuộc gặp có chăng là những bức ảnh khiến mọi người phát cuồng và một bộ phim mang tên Elvis & Nixon vừa mới ra rạp “nóng hổi” vào tháng 4/2016 vừa rồi.

Một phiên bản tương tự của cuộc gặp này là giữa Tổng thống Ronald Reagan và Michael Jackson. Khi hỏi liệu Jackson có thể đóng góp ca khúc Beat It cho chiến dịch chống nạn lái xe khi say xỉn, Jackson đồng ý với điều kiện Reagan phải trao cho mình giải thưởng cao quý vì nỗ lực chống lại việc lạm dụng chất kích thích. Nhưng oan nghiệt, khi khám nghiệm tử thi sau này cũng phát hiện cơ thể Jackson chứa nhiều loại chất kích thích.


Bà Clinton rất thành công trong việc dùng âm nhạc để vận động tranh cử

Hài hước kiểu Anh

Trong khi đó, tại Anh, lãnh đạo Công đảng Anh Harold Wilson cũng nhận ra sự “nguy hiểm” của The Beatles. Tháng 3/1964, Thủ tướng Vương quốc AnhHarold Wilson đã trao cho tứ quái giải “nhân cách của năm” Silver Heart tại bữa tiệc ở Variety Club. Trong đoạn phim quay lại, có thể thấy The Beatles rất thoải mái và bỡn cợt còn nhà lãnh đạo thì căng thẳng và khúm núm.

Khi nhận giải, Paul vui đùa: “Các bạn nên trao một cái cho quý ông tốt bụng Wilson!” còn John nói nhầm “Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất cảm ơn vì huân chương Purple Heart”. Lập tức, tay trống Ringo Starr nhoi lên hét “Bạc! Bạc chứ!” Tất cả mọi người đều phá lên cười. Năm sau, nhờ Wilson đề cử, The Beatles được Nữ hoàng trao tước Hiệp sĩ (MBE). Lần này, họ lại nhao lên rằng không hiểu MBE là viết tắt của chữ gì.

Khỏi phải nói cũng biết kết quả của những “hợp tác” này đi đến đâu.

Giả Bình (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm