Giải Ig Nobel năm 2013: Khôi hài như... khoa học

14/09/2013 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bọ hung tìm đường dựa theo dải Ngân hà, khi uống bia người ta thấy mình hấp dẫn hơn, dự đoán thời điểm con bò đi nằm... là 3 trong số 10 nghiên cứu cứu được trao giải Ig Nobel 2013 - sự kiện thu hút quan tâm không kém gì giải Nobel.

Đêm 12/9, các nghiên cứu trên đã được tôn vinh trong lễ trao giải Ig Nobel. Đây là năm thứ 23 diễn ra lễ trao giải, được tạp chí trào phúng Biên niên sử Các nghiên cứu Vô bổ tổ chức tại Đại học Harvard, nhằm nêu bật các nghiên cứu "đầu tiên khiến người ta cười, sau đó buộc họ phải suy ngẫm".

Dân nhậu luôn tưởng mình quyến rũ

Giải Thiên văn và Sinh học đã cùng được trao cho đội của Eric Warran tại Đại học Lund, vì phát hiện rằng bộ hung đã dò đường bằng cách đi theo những ngôi sao.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng loài bọ này có thể cuộn những viên phân theo một đường thẳng nhờ dựa vào Mặt trăng để định hướng. Chúng cũng dùng ánh sáng của các vì sao để tìm đường.

Nhà nghiên cứu Masanori Niimi (trái) lên nhận giải Ig Nobel Y học 2013 vì đã phát hiện rằng những con chuột được ghép tim sẽ sống lâu hơn khi nghe nhạc

Theo Warrant, nghiên cứu của ông và cộng sự không hẳn vô bổ. "Các nguyên tắc chúng tôi đã phát hiện được khi nghiên cứu hoạt động định hướng, dò đường của bọ hung có thể hữu dụng trong việc thiết kế xe và rô bốt tự hành, dù chuyện này chỉ có thể diễn ra sau vài năm nữa" - ông nói.

Masanori Niimi ở Đại học Teikyo của Tokyo đã nhận giải Ig Nobel Y  học vì phát hiện rằng những con chuột được ghép tim sẽ sống lâu hơn khi được nghe một loại nhạc đặc biệt. Bình thường, chuột chỉ sống được 7 ngày. Nhưng những con chuột nghe bản opera La Traviata của Verdi lại sống được tới 27 ngày. Chuột nghe nhạc của ca sĩ Ireland Enya sống được 11 ngày.

Brad Bushman, tới từ Đại học bang Ohio, đã giành giải Ig Nobel Tâm lý vì nghiên cứu cho thấy khi người ta uống quá nhiều bia, họ cũng thường có cảm giác mình trở nên quyến rũ hơn. Trong nghiên cứu của Bushman, các tình nguyện viên phải phát biểu về việc họ quyến rũ, hài hước và độc đáo ra sao. Các nhận xét của họ sẽ được một số giám khảo độc lập đánh giá. Kết quả là những người đang say xỉn  (và cả những người tưởng mình đang say) khi phát biểu đều tự đánh giá tích cực hơn về bản thân, cao hơn năng lực thực của họ.

"Khi con bò đứng lâu, chắc chắn nó sắp nằm xuống"

Giải Ig Nobel Xác suất được trao cho các nhà khoa học nghiên cứu động vật ở trường Rural College của Scotland vì có hai phát hiện liên quan tới nhau. "Phát hiện đầu tiên là một con bò nằm càng lâu, nó càng có nhiều khả năng sớm đứng lên" - thông báo trao giải cho nghiên cứu của nhóm có viết - "Phát hiện thứ hai là một khi con bò đã đứng lên, có thể dễ dàng dự đoán nó sẽ sớm nằm xuống trở lại".

Giải Vật lý được trao cho một nghiên cứu về việc trọng lực phải yếu tới đâu để người ta có thể chạy qua một hồ nước lỏng mà không bị chìm. Alberto Minetti tới từ Đại học Milan và Yuri Ivanenko từ Bệnh viện nghiên cứu Italia đã treo các tình nguyện viên trên một hồ bơi để mô phỏng trọng lượng của họ tại nhiều hành tinh khác ngoài Trái đất. Tiếp đó họ yêu cầu tình nguyện viên bước đi. Kết quả cho thấy người ta có thể bước qua một ao nước lỏng ở trên Mặt trăng, nhưng họ không thể làm điều tương tự ở sao Hỏa. 

Ig Nobel là giải thưởng nhại lại giải Nobel, được trao tặng vào đầu mùa Thu hàng năm, gần thời gian giải Nobel chính thức được công bố. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.

Giải Ig Nobel An toàn kỹ thuật được trao cho nhà nghiên cứu quá cố Gustano Pizzo, vì đã sáng chế ra một hệ thống điện - cơ khí có thể bắt và nhốt những kẻ cướp máy bay. Hệ thống này khiến những kẻ cướp máy bay rơi vào một cái bẫy bị đóng kín. Tiếp đó tên cướp, vẫn bị nhốt trong  bẫy, sẽ được đẩy ra khỏi máy bay qua một cửa thả hàng được thiết kế đặc biệt. Gã sẽ hạ cánh bằng dù xuống đất khi cảnh sát vây quanh.

Những công trình, việc làm "hổng giống ai"

Giải Hóa học được trao cho Shinsuke Imai và các cộng sự vì phát hiện ra rằng phản ứng sinh hóa của củ hành khiến người ta chảy nước mắt phức tạp hơn nhiều những gì khoa học biết được.

Giải Khảo cổ được trao cho Brian Crandall và Peter Stahl với công trình nghiên cứu việc luộc tái một con chuột đồng đã chết, tiếp đó nuốt con vật mà không cần nhai và cẩn thận kiểm tra phân thải ra trong những ngày sau để xem loại xương nào bị hệ tiêu hóa của con người tiêu hủy và loại xương nào thì không.

Giải Hòa bình được trao cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vì đưa ra quy định khiến việc vỗ tay ở nơi công cộng là phạm pháp. Cảnh sát Belarus cũng được trao giải vì bắt giữ một người đàn ông cụt tay phạm tội vỗ tay.

Giải Sức khỏe cộng đồng trao cho nhóm nghiên cứu về kỹ thuật y tế được họ mô tả là chống lại "nạn cắt cụt dương vật" ở Thái Lan.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm