Gặp lại 'Sống mãi tuổi 17' sau 43 năm

15/12/2022 17:00 GMT+7 | Văn hoá

Là kịch bản đầu tay của Lưu Quang Vũ và lập tức giành Huy chương Vàng khi dàn dựng, Sống mãi tuổi 17 đã tái ngộ khán giả qua bản dựng mới của chính đơn vị từng "khai sinh" ra nó - Nhà hát Tuổi trẻ.

Sống mãi tuổi 17 khai thác bối cảnh Việt Nam trong giai đoạn lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trước, lột tả sự thống khổ của người dân lao động thuộc địa 1 cổ 2 tròng, cơ cực bi thương.

Một Lý Tự Trọng trên sân khấu

Chuyện kịch kể về Lý Tự Trọng, người thanh niên trẻ tuổi sớm được giác ngộ cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng. Anh đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt: Vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.

Gặp lại 'Sống mãi tuổi 17' sau 43 năm - Ảnh 1.

Lý Tự Trọng được tái hiện trong "Sống mãi tuổi 17"

Trong vở diễn, Lý Tự Trọng thông minh, sáng tạo, gan dạ, nhiều lần vượt qua sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngay cả khi bị địch bắt, trong nhà tù thực dân đế quốc, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man, tàn khốc nhưng anh vẫn kiên cường giữ vững ý chí, lý tưởng, không khai báo bất cứ điều gì.

Khi nhận án tử hình, Lý Tự Trọng khảng khái tuyên bố: "Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".

Trong vở diễn, dàn nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã tái hiện rõ nét những nhân vật với số phận và cá tính riêng trong Sống mãi tuổi 17. Quang Trọng thể hiện tốt nhân vật Lý Tự Trọng trẻ tuổi, có học thức, giàu nhiệt huyết. Anh diễn tả đượcchiều sâu tâm lý của chàng thanh niên luôn đau đáu lý tưởng cách mạng với câu hỏi: Làm sao để người dân thoát khỏi sự áp bức, lầm than?

Gặp lại 'Sống mãi tuổi 17' sau 43 năm - Ảnh 2.

Thanh Sơn đảm trách vai Bảy "thẹo" dù xuất hiện và thoại không nhiều nhưng đã khắc họa rõ nét tính cách của một tay "bảo kê" lạnh lùng. Sau này, Bảy được anh Lý Tự Trọng dạy chữ và hứa hẹn đi theo con đường cách mạng nếu thoát khỏi ngục tù. Thanh Bình với vai người lái tàu dù chỉ xuất hiện một phân đoạn trò chuyện với Lý Tự Trọng về tự do cũng gây ấn tượng với khán giả. Những vai diễn về người chị gái đi làm gái điếm để nuôi em trai ăn học hay tên cò Lơgơrăng xảo quyệt gian ác...cũng góp những sắc màu quan trọng cho vở diễn thêm ấn tượng.

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến đã dàn dựng vở diễn theo cách ngắn gọn, cô đọng mà vẫn làm nổi bật hình tượng Lý Tự Trọng. Người xem dễ hiểu, đồng cảm và bị cuốn theo những diễn biến trên sân khấu. Cách kể chuyện của Sống mãi tuổi 17 cũng khá gần gũi, hiện đại và lôi cuốn khán giả.

Gặp lại 'Sống mãi tuổi 17' sau 43 năm - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở diễn

Làm mới câu chuyện của 43 năm trước

Hơn 40 năm trước, Sống mãi tuổi 17 được tác giả Lưu Quang Vũ viết trong chưa đầy 20 ngày, với nhân vật chính được xây dựng từ hình tượng người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng, dựa trên câu chuyện Cậu nhỏ của cán bộ lão thành Vũ Duy Kỳ. Vở diễn được đưa lên dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cuối năm 1979 và ngay sau đó xuất sắc giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1980. Đó cũng chính là bước ngoặt khiến Lưu Quang Vũ say mê với lĩnh vực sáng tác kịch bản, mở ra sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa, người góp lửa cho sân khấu Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Gặp lại 'Sống mãi tuổi 17' sau 43 năm - Ảnh 4.

"Sau hơn 40 năm dựng lại vở diễn này, chúng tôi trăn trở rất nhiều. Dù hoàn cảnh nay đã khác nhưng những thông điệp và ý nghĩa của vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đối với công chúng và thời đại" - đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, chia sẻ - "Vở diễn được dàn dựng với mục đích truyền cảm hứng, lý tưởng và ý chí quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh và trọng trách của thế hệ thanh niên Việt Nam trước tổ quốc hôm nay và mai sau".

Theo lời NSƯT Sĩ Tiến, khán giả đang sống trong giai đoạn công nghệ phát triển, bùng nổ về phương tiện nghe nhìn và có thể gặp nhiều yếu tố tác động tới suy nghĩ. Chính vì vậy, những câu chuyện được kể bằng nghệ thuật như Sống mãi tuổi 17 vẫn luôn hữu ích.

"Thời điểm Lý Tự Trọng ngã xuống là lúc đất nước chịu cảnh lầm than, lý tưởng của chúng ta lúc đó là độc lập, tự do. Còn lý tưởng của các bạn trẻ hôm nay là làm sao để xây dựng đất nước văn minh, phồn thịnh"- anh bày tỏ - "Tôi tin, từ cuộc đời Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên có thể nhận về nhiều bài học quý báu về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc hay sự ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp cho cộng đồng".

Trước Sống mãi tuổi 17, nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn dựng lại nhiều kịch bản nổi tiếng của Lưu Quang Vũ như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm?, Tin ở hoa hồng, Ông không phải là bố tôi…

"Những câu chuyện của tác giả Lưu Quang Vũ tưởng như đã trôi qua nhưng chúng tôi đang tìm tòi, khám phá những cách làm mới, cách kể chuyện mới" - NSƯT Sĩ Tiếnbày tỏ - "Dù là kịch bản mang màu sắc đương đại, phản ánh đời sống xã hội hay kịch bản bối cảnh từ thời kỳ đất nước chưa giành được độc lập, tôi tin rằng những triết lý sống mà tác giả gửi gắm tại đó vẫn còn nguyên giá trị và chờ sự sáng tạo của đạo diễn".

Lưu diễn "Sống mãi tuổi 17" trong năm 2023

Với sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sống mãi tuổi 17 sẽ đến với các bạn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên cả nước qua các chuyến lưu diễn trong năm 2023. Vở diễn cũng đã được biểu diễn phục vụ 980 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII vào các tối 13 và 14/12 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm