Eva Peron - 70 năm vẫn là biểu tượng văn hóa đại chúng

28/07/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

Bất cứ ai đã xem tác phẩm opera Evita của Andrew Lloyd Weber đều sẽ nhớ mãi về cuộc đời của Eva Peron - cựu Đệ nhất phu nhân, một trong những nhân vật được yêu thích và gây tranh cãi nhất của Argentina. Và đó chỉ là ví dụ cho việc Peron luôn là một biểu tượng văn hóa đại chúng trên toàn cầu.

Ricky Martin đưa "Evita" trở lại sân khấu Broadway

Ricky Martin đưa "Evita" trở lại sân khấu Broadway

Trong phiên bản mới nhất của vở nhạc kịch "Evita", đang tái xuất sân khấu Broadway sau 3 thập kỷ, Ricky Martin thủ vai nhà lãnh đạo Che, còn Elena Roger trong vai Eva Peron.

Tương tự, nhắc đến Peron - người đã qua đời cách đây đúng 70 năm (26/7/1952) - những thế hệ lớn tuổi hơn ở châu Âu hoặc Mỹ lập tức nhớ đến ấn tượng của Don't Cry For Me Argentina, bài hát chiếm quán quân bảng xếp hạng từ vở nhạc kịch ăn khách năm 1978 của Andrew Lloyd Webber và Tim Rice. Vở nhạc kịch ấy gắn với tiểu sử Evita, dù cuộc đời bà đã từng được kể đi kể lại rất nhiều lần trong sách, phim và trên sân khấu.

Từ cô gái nghèo trở thành Đệ nhất phu nhân

Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó vào ngày 7/5/1919, Maria Eva Duarte - biệt danh “Evita” (Eva nhỏ bé trong tiếng Tây Ban Nha) rời ngôi làng nông thôn Los Toldos của mình để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất ở Buenos Aires. Năm 1934, ở tuổi 15, Evita chuyển đến thủ đô Buenos Aires để theo đuổi sự nghiệp diễn viên sân khấu, đài phát thanh và điện ảnh. Ở đây, Evita - một nữ diễn viên đang gặp khó khăn - gặp đại tá Juan Peron vào năm 1944 trong sự kiện từ thiện tại Sân vận động Công viên Luna nhằm hỗ trợ các nạn nhân của một trận động đất ở San Juan, Argentina. Hai người kết hôn vào năm sau đó. Juan Peron được bầu làm Tổng thống Argentina vào tháng 6/1946 còn Evita trở thành Đệ nhất phu nhân Argentina khi mới 27 tuổi.

Chú thích ảnh
Chân dung cựu Đệ nhất phu nhân Argentina Eva Peron

Trong 6 năm sau đó, Peron đã đấu tranh cho quyền lao động và quyền bầu cử của phụ nữ. Bà đã thúc đẩy những luật mới, cho phép phụ nữ Argentina lần đầu tiên được đi bầu cử và trẻ em vô thừa nhận được hưởng những quyền bình đẳng, nâng cao mức sống của những người cùng khổ. Bởi vậy, người nhập cư và dân nghèo rất mến mộ bà. Bên cạnh việc điều hành Bộ Lao động và Y tế, bà còn thành lập và điều hành Quỹ từ thiện Eva Peron cũng như một đảng phái chính trị quy mô lớn dành cho phụ nữ của Argentina - Đảng Peronist. Nhưng đối với nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở Argentina, bà là người luôn lợi dụng quyền lực cho mục đích cá nhân.

Vào năm 2019, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Peron, một bài báo đã mô tả bà là người “bị ghét và được yêu ngang nhau”.

“Một số người xem Peron như một vị thánh, ân nhân, nhà cách mạng, người phụ nữ quyết tâm mang lại công bằng xã hội cho mọi nơi trên đất nước. Song những người khác đánh giá Peron là người tham vọng, thích phiêu lưu, ích kỷ và giả dối, đầy thù hận và đạo đức giả” - bài báo viết.

Một biểu tượng của văn hóa đại chúng

Peron là một trong những nhân vật có thật được bất tử hóa qua các bài hát và điệu nhảy, cả trên sân khấu và màn ảnh. Cuối thế kỷ 20, bà đã trở thành chủ đề của nhiều bài báo, sách, vở kịch sân khấu và nhạc kịch, từ sách tiểu sử The Woman with the Whip (1952) đến phim truyền hình có tựa đề Evita Perón năm 1981 do Faye Dunaway thủ vai chính.

Tác phẩm thành công nhất về cuộc đời của Peron là vở nhạc kịch Evita. Vở nhạc kịch do Andrew Lloyd Webber và Tim Rice đồng sản xuất vào năm 1976, với Elaine Paige được chọn vào vai chính khi biểu diễn ở West End, London và giành được giải Olivier năm 1978 cho Màn trình diễn xuất sắc nhất trong một vở nhạc kịch.

Chú thích ảnh
“Nữ hoàng pop” Madonna trong chân dung cựu Đệ nhất phu nhân Argentina Eva Peron, phim “Evita”

Năm 1980, đến lượt Patti LuPone đã giành được giải Tony Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong vở nhạc kịch này với vai diễn chính trên sân khấu Broadway. Vở diễn cũng giành được giải Tony cho Nhạc kịch hay nhất và và Evita trở thành vở nhạc kịch Anh đầu tiên được trao giải này. Như một số nhà phê bình tuyên bố, “Evita đã được dàn dựng tại mọi lục địa ngoại trừ Nam Cực và đã tạo ra doanh thu hơn 2 tỷ USD”.

Ngay từ năm 1978, vở nhạc kịch đã được nghiên cứu để chuyển thể thành phim. Sau gần 20 năm trì hoãn sản xuất, các ngôi sao Hollywood Michelle Pfeiffer, Meryl Streep và Glenn Close đều được “nhắm” đóng vai Peron trong bộ phim ca nhạc điện ảnh năm 1996 của Alan Parker - để rồi cuối cùng đạo diễn đã chọn “nữ hoàng pop” Madonna sau khi nhận được bức tâm thư của cô về giấc mơ với vai diễn này. Dù vậy, các đạo diễn đều nhất quyết Madonna phải tham gia thêm các buổi học thanh nhạc.

Đoạn nhật ký của Madonna khi quay bài hát mang tính biểu tượng trong phim viết: “Tôi cảm thấy bà (Eva) đang xâm nhập vào cơ thể mình”. Và vai diễn của Madonna đã mang về cho cô giải Quả cầu Vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim ca nhạc.

Về phía Argentina, trong nỗ lực được cho là nhằm có mô tả chính xác hơn về cuộc đời của Evita, một công ty điện ảnh nước này đã phát hành Eva Perón: The True Story. Bộ phim có sự tham gia của nữ diễn viên Esther Goris trong vai chính và là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Argentina tham gia tranh giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Chú thích ảnh
Natalia Oreiro trong chân dung Eva Peron, phim “Santa Evita”

Tiếp đó phải kể đến Santa Evita, cuốn tiểu thuyết phát hành năm 1995 của nhà báo Tomas Eloy Martinez với những tưởng tượng hư cấu về cuộc đời của Eva Peron. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra 32 ngôn ngữ, xuất bản trên 50 quốc gia và được dựng thành serie phim truyền hình mà nữ diễn viên Salma Hayek là đồng sản xuất. Như Hayek giải thích, phim đi sâu vào 4 khoảng thời gian khác nhau, bao gồm cả thời thơ ấu của Peron và cả thời gian rất lâu sau khi bà mất, khi một nhà báo bắt đầu tìm hiểu chính xác những gì đã xảy ra với thi hài của bà.

Phim được quay chủ yếu ở Buenos Aires, Argentina, tại hơn 40 địa điểm. Bối cảnh quay phim yêu cầu tái tạo chính xác thời gian để thể hiện tính thẩm mỹ của thành phố, quần áo và chính trị vào thời điểm đó. Tổng cộng, quá trình quay phim có sự tham gia của 120 diễn viên cũng như 1.300 người phụ nữ để khắc họa câu chuyện của Evita. Ngoài ra, có hơn 150 mẫu trang phục được thiết kế để sản xuất. Hóa thân thành Peron trong phim là ngôi sao Uruguay Natalia Oreiro. Phim đang được chiếu trên Disney+.

Rồi, cũng không thể bỏ qua Evita, quien quiera oír que oiga – bộ phim do Eduardo Mignona đạo diễn với Flavia Palmiero trong vai Evita. Bộ phim này nói về thời kỳ đầu của Evita, khi bà rời thành phố sinh ra của mình và chuyển đến Buenos Aires. Bộ phim cũng sử dụng tài liệu lưu trữ từ những thập niên 1940 và 1950 cùng các cuộc phỏng vấn với những người từng gặp bà.

Cuối cùng là Evita, Evita en Fotos của Felipe Pigna. Bộ ảnh này xoáy sâu vào nhiều khía cạnh riêng tư của cuộc đời Peron, kèm theo những lý giải về các giai thoại xung quanh hình ảnh người phụ nữ nổi tiếng nhất Argentina.

Người lãnh đạo tinh thần của Argentina

Năm 1952, Peron được nhận tước hiệu “người lãnh đạo tinh thần của đất nước”. Rồi tin buồn đã đến, Peron phải chống chọi với căn bệnh ung thư tử cung và qua đời vào ngày 26/7/1952 khi mới 33 tuổi. Hàng triệu người Argentina đã đổ ra đường dự lễ tang của bà. Thi thể ướp dầu thơm của Peron ban đầu được một sĩ quan quân sự trông coi, sau đó được đưa tới một số nước châu Âu và cuối cùng yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Bueno Aires. Trên mộ của bà có ghi câu nói đã trở nên nổi tiếng: “Đừng khóc vì tôi, Argentina, tôi sẽ luôn ở gần bên các bạn”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm