Hạng mục Best Worldwide Act của giải EMA (Kỳ 2): Giải thưởng toàn cầu có tính… địa phương

26/09/2014 14:03 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Do là giải khán giả bầu chọn nên Best Worldwide Act không phải cuộc đua tài năng hay danh tiếng của các nghệ sĩ. Thay vì thế, đây là cuộc đua bầu chọn qua mạng giữa các cộng đồng hâm mộ.

Như đã nói ở bài trước, danh tiếng không phải là một tiêu chí của Best Worldwide Act (Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc) khi các ngôi sao hạng A của âm nhạc Mỹ (và cũng là với thế giới) cứ được đề cử là thua. Cũng bởi tiêu chí tài năng chưa từng được tô đậm, dù những cái tên lọt vào vòng đề cử đều là những nghệ sĩ thành công ở đất nước mình, họ vẫn không giành giải.

Từ một chiến thắng bất ngờ

Tại EMA năm 2013, 3 trong số 10 cái tên được đề cử đều được cho là có lượng người hâm mộ rất lớn: ca sĩ Justin Bieber của Canada (đại diện Bắc Mỹ), nhóm nhạc One Direction của Anh (đại diện Bắc Âu) và nhóm nhạc EXO (đại diện Hàn Quốc - Nhật Bản). Nhóm EXO là của Hàn Quốc nhưng có cả thành viên người Trung Quốc.

Cuộc đua này được cho là chỉ diễn ra giữa 3 cộng đồng hâm mộ lớn nói trên, dựa trên các nền tảng mạng xã hội Twitter, Instagram, Youtube, Tumblr, Facebook. Vì thế, người ta đã không khỏi kinh ngạc khi nữ ca sĩ Lý Vũ Xuân của Trung Quốc (đại diện cụm Trung Quốc - Hong Kong - châu Á - Thái Binh Dương) giành chiến thắng, với số lượt bầu chọn qua mạng cao đến không tưởng là 100 triệu người.


Là Giải thưởng Âm nhạc MTV châu Âu nhưng EMA hầu như bị các nghệ sĩ Mỹ thống trị

Tuy nhiên do EMA là một giải thưởng nghiêng về giải trí, tương tự các giải thưởng khác của kênh truyền hình MTV nên việc các ngôi sao đình đám bại trận không được báo chí Anh, Mỹ chú ý nhiều bằng… bê bối ca sĩ Miley Cyrus phì phèo thuốc lá trên sân khấu.

Kết quả giải Best Worldwide Act cũng chỉ được báo chí Trung Quốc, Hàn Quốc và vài nước châu Á đưa tin đậm. Ngoài giải thưởng, dư luận ở những nước này còn quan tâm tới các tranh cãi lùm xùm quanh hoạt động bầu chọn. Cụ thể, cộng đồng hâm mộ EXO đã lan truyền tin đồn người hâm mộ nữ ca sĩ Lý Vũ Xuân gian lận, thông qua việc dùng phần mềm do tin tặc tạo ra để tăng lượng bầu chọn.


Ca sĩ Lý Vũ Xuân (Chris Lee) nhận giải tại EMA 2013

Khi giải thưởng phụ thuộc vào… dân số

Ngoài ra, cộng đồng hâm mộ EXO còn có các màn bình phẩm bêu xấu Lý Vũ Xuân trên mạng xã hội như cô “không hề nổi tiếng”, “trông giống đàn ông” và “không xứng đáng chiến thắng”. Thực ra, Vũ Xuân từng được tạp chí Time bầu là “biểu tượng của văn hóa đại chúng Trung Quốc” chứ không phải một nghệ sĩ vô danh.

Trong khi đó, các cộng đồng hâm mộ của Justin Bieber hay One Direction không hiếu thắng đến thế và không dính vào cuộc tranh cãi này. Lý do một phần bởi thần tượng của họ đã thắng tại 2 hạng mục khác. Cụ thể, Bieber thắng giải Nam nghệ sĩ xuất sắc còn One Direction thắng giải Nghệ sĩ pop xuất sắc. Với EXO, Best Worldwide Act gần như là hạng mục duy nhất họ có cơ hội đoạt giải.

Nhưng sau vụ lùm xùm trên, có thể khẳng định ai chiến thắng hạng mục “Best Worldwide Act” phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bầu chọn của người hâm mộ. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Trung Quốc thắng 2 trong 3 lần trao giải cũng chỉ bởi nước này đông dân nhất thế giới.

Nếu vậy, có thể nói giải thưởng có cái tên toàn cầu Best Worldwide Act thực ra lại rất địa phương! Những giá trị được gán cho nó như “vinh quang cho nghệ sĩ” hay “vinh dự quốc gia” đều là quá lời.

Giải thưởng châu Âu đậm chất… Mỹ

Trước thềm giải EMA năm nay, trang Vice.com đăng một bài chỉ trích các điểm bất cập của giải, trong đó quan trọng nhất là EMA hiện nay đang đi ngược lại “tôn chỉ”.

Khi lập giải vào năm 1994, MTV tuyên bố đây là giải thưởng vinh danh những nghệ sĩ tài năng của châu Âu. Nhưng đến nay các nghệ sĩ Mỹ đã phủ kín những đề cử quan trọng nhất của EMA và nghệ sĩ châu Âu chỉ chiếm 1/3 số đề cử. Tỷ lệ xếp theo thứ tự như sau: Mỹ có 4 đề cử, Anh 3 đề cử, phần còn lại của châu Âu là 2 đề cử và phần còn lại của thế giới có 1 đề cử.

Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi các ngôi sao Anh - Mỹ không chiến thắng ở hạng mục Best Worldwide Act của EMA, vì thực ra họ đã càn quét hết các hạng mục khác quan trọng hơn rồi. Best Worldwide Act chỉ như cuộc chơi của các nền âm nhạc nhỏ hơn.

Nhờ tính toàn cầu, lễ trao giải EMA thu hút một lượng khán giả lớn. Năm ngoái, chương trình truyền hình trực tiếp có 55 triệu lượt người xem trên toàn thế giới, riêng ở nước Mỹ là 11,5 triệu. Con số này vượt trội hẳn so với lễ trao giải Âm nhạc MTV Mỹ (American Music Awards hay còn gọi là AMA), trong năm ngoái chỉ thu hút 8,5 triệu lượt người xem trên lãnh thổ Mỹ.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm