Không gian nghệ thuật đương đại ở VN quá "hẻo"

03/11/2011 07:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Liên tục được mời tham dự các hội thảo quốc tế giữa các không gian nghệ thuật phi lợi nhuận, Sàn Art được xem là một trong những không gian nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận hoạt động chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam hiện nay. Đây là nơi duy nhất trong số các không gian nghệ thuật tương tự có một curator (giám tuyển nghệ thuật) riêng, Zoe Butt. Zoe Butt mang trong mình hai dòng máu Hoa - Úc, học chuyên ngành về lịch sử và lý thuyết nghệ thuật, từng làm việc ở nhiều nước trước khi đến TP.HCM trong cương vị đồng sáng lập và giám tuyển của Sàn Art.

Giám tuyển Zoe Butt. Ảnh: TL

* Với kinh nghiệm của một giám tuyển làm việc ở nhiều nước, theo chị, các không gian nghệ thuật kiểu như Sàn Art hình thành từ những nguyên do nào?

- Không gian linh hoạt hay “phá cách” (alternative spaces) trên toàn thế giới được hình thành khi một cộng đồng sáng tạo có nhu cầu đặc biệt về một không gian, nhưng các không gian sẵn có chưa thể cung cấp được. Mục đích của các không gian này thường khác nhau, đôi khi nó cung cấp sự thử nghiệm cho một loại thực hành nghệ thuật đặc biệt (ví dụ: nghệ sĩ tìm một không gian để thực hiện xu hướng thử nghiệm về khiêu vũ, một phong cách trái ngược với múa cổ điển, vốn diễn ra trong các không gian chính thống, được tài trợ bởi chính phủ). Nhưng ở nơi khác, một không gian phá cách có thể được tạo ra bởi một nhóm người cùng chí hướng và muốn chia sẻ ý tưởng của họ, trong không gian riêng của họ, với một lượng công chúng đông hơn.

* Điều gì được xem là khác biệt giữa không gian nghệ thuật mới này với những phòng tranh hay không gian trưng bày thông thường?

- Định nghĩa về “phá cách” thường rất phức tạp. Ở Mỹ, Úc hoặc Anh, “không gian phá cách” biểu thị cho một tổ chức phi chính phủ. Nói rộng hơn, thực hành văn hóa “phá cách” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những hoạt động văn hóa khác biệt với những thực hành văn hóa của chính thống. Trong trường hợp này, “phá cách” là một hoàn cảnh với những khán giả chuyên biệt và chuyên gia hơn, trong khi nền văn hóa chủ lưu thì thường muốn phục vụ cho một lượng công chúng rộng rãi. Trong một môi trường văn hóa lành mạnh, bạn sẽ thấy những mạng lưới “chủ lưu” và “phá cách” hợp tác trên các dự án. Có nền văn hóa chỉ có sự “chủ lưu” thì bạn không có ai để tập trung vào việc phát triển một ngành nghề hoặc một tập quán đặc thù. Còn chỉ có “phá cách” thì bạn sẽ xa lánh khán giả hoàn toàn, bởi vì lối hành xử quá chuyên biệt. Đây là lý do tại sao sự hợp tác thường là lành mạnh.

* Như vậy là chúng ta không thể có một hình thức nhất định cho loại không gian phá cách?

- Không thể có một định nghĩa tĩnh cho không gian này! Chúng ta có thể linh hoạt theo tình huống nhất định, theo thực tiễn của mỗi thành phố, đất nước. Ở phương Tây, các viện bảo tàng được coi là “nhà dòng chủ lưu” của văn hóa đương đại, bởi vì chúng đang tích cực thu thập và tạo ra các chương trình cho công chúng của mình. Quang cảnh “phá cách” ở phương Tây do đó đáp ứng với các lĩnh vực mà họ nghĩ rằng không được đề cập trong các chương trình của bảo tàng. Ở các nước khác, nơi mà bảo tàng không tích cực đáp lại sự sản xuất của văn hóa đương đại, thì rất khó để dán nhãn “phá cách” cho bất cứ một cơ sở hạ tầng nghệ thuật nào - bởi vì nó “phá cách” so với cái gì?

* Tiếp xúc với văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm qua, theo chị, nơi đây đã có không gian phá cách chưa? Nếu đã có, chị nghĩ gì về những không gian này? Có phải nó hoàn toàn bắt chước phương Tây không?

- Cá nhân tôi không tin rằng thuật ngữ “phá cách” là phù hợp với bối cảnh nghệ thuật đương đại của Việt Nam hiện nay. Ở đây vốn có quá ít cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho nghệ thuật, cho nên chẳng có mấy hệ thống để nói đến phá cách. Hiện nay, các không gian nghệ thuật ở Việt Nam đang cố gắng tìm các cách thức và phương tiện hoạt động để đạt đến sự vận động tích cực về mặt nghệ thuật và cố gắng mọi cách để thành công. Có đôi khi, họ sao chép mô hình phương Tây, lần khác họ cố gắng để thích ứng các mô hình ấy vào bối cảnh địa phương; có khi, họ lại cố gắng thiết lập đường lối độc đáo riêng để sáng tạo các dự án. Tôi nghĩ rằng, không gian sáng tạo nghệ thuật và trưng bày tại Việt Nam đang tăng trưởng, nhưng rất chậm; và do thiếu tài chính cùng sự chuyên ngành, tăng trưởng này không đạt tới được bình diện quốc tế.

Buổi trình diễn của Lê Thị Diễm Thúy tại Sàn Art. Ảnh: Sàn Art

Tại Việt Nam, nhìn lại lịch sử, có quá nhiều khoảng trống về sự “phá cách”. Vũ Dân Tân của salon Natasha tại Hà Nội là một trong những người theo đuổi đầu tiên, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Về cơ bản, thì phòng tranh của Vũ Dân Tân đã mở cửa và kết nối được công chúng. Từ khoảng năm 2000, không gian Nhà sàn tại Hà Nội cũng là một công cụ trong việc thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam và kết nối với nước ngoài. Tại Huế, chúng ta có New Space Arts Foundation của anh em họ Lê, và TP.HCM thì số lượng ngày một tăng lên, mà khởi đầu là Himiko Visual café, rồi Địa, Zerostation, Sàn Art... Điều tuyệt vời là các sáng kiến này đã thể hiện các nhiệm vụ và mục tiêu riêng biệt, do đó, sự tăng trưởng về số lượng sân chơi/sàn diễn cũng đồng nghĩa với sự đa dạng về sáng tạo nghệ thuật tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải cần nhiều không gian hơn nữa và thực sự thì những nơi kể trên chưa phải là danh sách đầy đủ của sinh hoạt hiện tại.

Xin nói riêng, bản thân tôi luôn xác tín rằng khi thành lập các không gian phá cách thì hãy tạm thời quên đi các lợi nhuận và thu nhập trực tiếp. Lý tưởng, các không gian này có đủ điều kiện để hoạt động phi lợi nhuận dài lâu.

* Trở lại điểm nhìn của chị, trong cương vị giám tuyển của Sàn Art, chị nghĩ gì về những khó khăn của không gian phá cách tại Việt Nam?

- Có rất nhiều vấn đề mà một không gian nghệ thuật phải đối mặt, trong bối cảnh có rất ít sự hỗ trợ tài chính. Sàn Art không phải là không gian thương mại, toàn bộ số tiền chúng tôi gây quỹ được trực tiếp dùng vào việc điều hành tổ chức. Ngoài khó khăn về tiền, tôi thấy rằng vấn đề quan trọng nhất đối với không gian mới này tại Việt Nam là hiệu suất công việc của các nghệ sĩ, đang rất thấp. Có quá ít sự canh tân trong hệ thống giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam từ thập niên 1950 cho tới nay (vốn có rất ít chuyên môn về thực hành nghệ thuật đương đại ở bậc đại học, cũng như có rất ít tài liệu giáo khoa và hình ảnh về nghệ thuật thị giác của thế giới trong thư viện khắp cả nước), sau khi tốt nghiệp đại học, các nghệ sĩ Việt Nam thường có hiểu biết tối thiểu về lịch sử phát triển văn hóa, nghệ thuật thế giới. Đây là vấn đề lớn nhất, rất cần quan tâm giải quyết, nếu muốn mọi ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai. Những ý kiến trên của tôi được tham chiếu từ nghệ thuật đương đại quốc tế. Việt Nam vận hành trên một cơ sở hạ tầng cá biệt, được thiết lập cho các hoạt động nghệ thuật (song hành với Hội Mỹ thuật Việt Nam). Tuy nhiên, các thực hành nghệ thuật nhận được hỗ trợ rất hạn chế, không tương thích với nhu cầu và khát vọng của các nghệ sĩ trẻ, nên buộc những người này phải rốt ráo tìm cách đưa sáng tạo của mình ra nước ngoài.

Bài kết: Những không gian nghệ thuật mới

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm