Dấu ấn Nguyễn Ngọc Tư trong Dòng nhớ

29/09/2009 11:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh, trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 đang diễn ra tại TP.HCM riêng tác giả văn học Nguyễn Ngọc Tư có 2 tác phẩm được chuyển thể thành vở diễn cùng tên là Cánh đồng bất tận (ĐD: Minh Nguyệt) và Dòng nhớ (Hạnh Thúy). Đây là hai vở diễn đáng chú ý ngay từ… tác phẩm văn học. Dòng nhớ sẽ có suất diễn vào lúc 15h ngày 3/10 tới đây.

Từ tác phẩm văn học đầy thách thức

Vốn là vở tốt nghiệp, với mức đầu tư ban đầu vào khoảng 35 triệu đồng, khi đến với hội diễn thì tổng đầu tư khoảng 50 triệu đồng, thuộc diện thấp nhất, nhưng Dòng nhớ vẫn được xem là điểm nhấn và đang được trông chờ vào giờ khai màn.

Dòng nhớ được chào đón và thu hút khán giả ngay khi chưa công diễn, vì đây vốn là tác phẩm văn chương được viết theo thủ pháp dòng ý thức (stream of consciousness) của Nguyễn Ngọc Tư, từng “thách thức” sự kiên trì của người đọc, nên khán giả cũng tò mò xem khi lên kịch, nó sẽ ra sao?


Vài cảnh trong Dòng nhớ

Thứ nữa là sau Cánh đồng bất tận (ĐD: Minh Nguyệt) lên sân khấu khá thành công, giới làm nghề cũng muốn xem Hạnh Thúy sẽ xử lý tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư như thế nào?

      Khi bắt tay vào chuyển thể Dòng nhớ, Hạnh Thúy đã đọc phần lớn các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, đến mức bị hoang mang, thấy truyện nào cũng có thể chuyển thể thành kịch; và chị cũng đang có ý định chuyển thể thêm một vài tác phẩm nữa.

Tiếp đến, từ tháng 5/2009, trong quá trình dựng vở Dòng nhớ Đài TH TP.HCM đã từng thu hình và phát sóng vở này với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Kim Xuân, Thanh Hoàng, Trí Quang; rồi báo chí cũng nhiều lần đề cập, phân tích, nên về mặt truyền thông, đây là vở được quảng bá khá tốt.


Xem Dòng nhớ, ngoài chuyện kịch bản vẫn giữ được các tiêu chí trong nguyên tác văn học là cái nhớ đa nhiều, cái buồn đa diện, tình thương, sự ích kỷ cũng có nhiều mặt. Có những câu thoại tưởng khó buông thành lời, nhưng các nghệ sĩ đã chuyển tải khá tài tình, ví như: “Cái nhớ đem lại linh hồn cho những vật vô tri vô giác (...) Nhưng chính cái nhớ lại làm cho ta đau khổ (...) Phải chi đừng nhớ, đừng yêu, đừng thương, đừng ghét...”. Các nhân vật sống một cuộc đời không cho riêng mình, mà sống cho một cái gì đó rất vô lý và chẳng có thật; ai cũng mang dòng nhớ trong người, nhớ mà ráng quên, rứt ra không được. Tất cả vì một lời hứa cắc cớ trong quá khứ, mà sống, mà chết như vô tình.


 Hạnh Thúy
Hạnh Thúy quê Bến Tre, Dòng nhớ kể về miền sông nước miền Tây, mà nói như nhân vật Thà: “Đời tôi gắn dưới sông rồi, quên hổng được”, nên có sự đồng cảm sâu sắc. Hạnh Thúy đã biết cách rút tỉa những chi tiết đắt giá trong nguyên tác để định hình nội tâm nhân vật trong vở diễn. Rồi Trung Dân, Quỳnh Hương... vì khá rành tình tự Nam bộ, nên các tình tiết dù có u buồn bao nhiêu, họ vẫn pha chút hài hước để cân bằng, như kiểu người miền Tây thường ứng xử ngoài đời sống.


Và trên hết, xét ở kỹ thuật đạo diễn, Hạnh Thúy đã biết cách quán xuyến tiết tấu và “đường dây” vở diễn, để một câu chuyện buồn và gần như không có thắt-mở nút tránh khỏi sự lê thê, rời rạc.

“Nữ diễn viên phụ xuất sắc” thử sức làm đạo diễn

Như đã nói, vở Dòng nhớ ban đầu là vở tốt nghiệp khóa đạo diễn của Hạnh Thúy tại Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (125 Cống Quỳnh, Q.1). Chị đến với nghề diễn viên như là sự an bài của số mệnh, nên đã rất trân trọng từng vai diễn, dù lớn hay nhỏ, trên sân khấu, truyền hình cũng như phim nhựa.

Tuy vậy, không phải ai cũng biết đến tên chị, dù khi xuất hiện, thì khán giả vẫn thấy quen quen. Ngay cả khi có vai Ba Thuận trong phim Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên, chị diễn rất hay, đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện nhựa của Cánh diều vàng, thì tình hình cũng không có nhiều cải thiện hơn. Nói như chính Hạnh Thúy: “Dường như khi làm gì, tôi cũng có một vài sai sót và thiệt thòi nho nhỏ nào đó, nên vẫn muốn được làm lại, để sửa sai”.

Đã có được vai hay trong phim, nên khi chị đi học đạo diễn sân khấu, nhiều người thắc mắc hỏi thì Hạnh Thúy cũng đã giải thích: “Nghề đạo diễn phim đòi hỏi mình phải đầu tư nhiều hơn về thời gian. Điều đó cũng có nghĩa là phải xa nhà nhiều hơn, trong khi Thúy đã có gia đình rồi nên không thể dành hết thời gian cho điện ảnh. Với lại từ trước đến nay, nghề chính của Thúy là sân khấu. Do vậy, học đạo diễn sân khấu cũng là cơ hội để Thúy thỏa mãn ước mơ của mình”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm