Đồng bào các dân tộc Tây Bắc với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

08/04/2024 11:49 GMT+7 | Tin tức 24h

Cách đây 70 năm, với sự kết tinh sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của cả dân tộc, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Với vai trò vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, quân và dân Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn vào chiến công chung của cả dân tộc ngay trên quê hương mình.

Tây Bắc - địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc

Tây Bắc là một vùng rừng núi hùng vĩ và tài nguyên phong phú. Đây được xem là địa bàn có vị trí chiến lược biệt quan trọng với chiến trường Đông Dương - được ví như “bản lề”, vừa nối Việt Nam với Thượng Lào, Trung Quốc; vừa nối liền Liên khu 3, Liên khu 4 và vùng căn cứ địa Việt Bắc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt từ khi có Đảng tiên phong lãnh đạo, truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Tây Bắc luôn được giữ vững và ngày càng phát huy mạnh mẽ.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào Tây Bắc nhanh chóng giác ngộ, hăng hái tăng gia lao động sản xuất, làm ra nhiều lúa gạo, khoai sắn, tích cực ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến... Được sự giúp đỡ của đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc trong các chiến dịch Hoà Bình (1951) và Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và nhiều trận chiến đấu khác trên chiến trường Tây Bắc, bộ đội ta liên tục giành thắng lợi, làm cho bộ máy chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ phải thường xuyên bị động, đối phó và thay đổi kế hoạch chiếm đóng. Đồng bào luôn coi bộ đội như con em mình và đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bộ đội chủ động đánh địch giải phóng quê hương.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh 1.

Chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ảnh tư liệu

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở chiến trường Đông Dương. Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, với lòng biết ơn Đảng và Bác Hồ, quân và dân Tây Bắc đã đóng góp đáng kể về sức người, sức của cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ là hình ảnh đẹp, trong sáng của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược, tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.

Tây Bắc vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến

Để làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, ta đã huy động lực lượng sức người, sức của vô cùng lớn. Ngay khi quyết định mở trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị đã nhận thấy "khó khăn lớn nhất là về hậu cần". Trung ương Đảng chủ trương “tích cực huy động tại chỗ đồng thời kết hợp với huy động và vận chuyển từ hậu phương lên".

Thực hiện chủ trương của Trung ương, để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chi viện cho tiền tuyến, Hội đồng Cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc được thành lập. Trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình nhịn bữa hoặc ăn sắn, ăn khoai để dành gạo gửi ra mặt trận. Nhiều phụ nữ xưa nay vốn chỉ ở nhà lo nội trợ, nghe theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản gian khổ, hiểm nguy cùng với nam giới mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh 2.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: TTXVN

Khoảng cách từ hậu phương đến tiền tuyến rất lớn, tất cả mọi con đường đều phải vượt qua địa hình rừng núi, phương thức vận chuyển chủ yếu bằng sức người, với phương tiện rất thô sơ và luôn bị không quân địch tìm mọi cách đánh phá ngăn chặn. Vậy nhưng, lửa đạn, gian khổ không ngăn được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc. Những đôi bồ trên vai các anh chị dân công, những chiếc gùi hàng của đồng bào Việt Bắc, Tây Bắc, ngựa thồ, xe đạp... vẫn ngày, đêm nối nhau chuyển hàng ra hoả tuyến. Trong tổng số gạo huy động cho chiến dịch là hơn 25.000 tấn, thì đồng bào Tây Bắc đã đóng góp hơn 7.000 tấn gạo; 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh. Riêng lượng gạo mà nhân dân Tây Bắc đóng góp chiếm khoảng 27% phải huy động cho toàn chiến dịch và chiếm 47% lượng gạo sử dụng ngay tại mặt trận. Đó là chưa kể số lương thực mà nhân dân các bản mường trực tiếp đưa đến ủng hộ các đơn vị.

Cùng với việc huy động nhân vật lực, hoạt động sửa, nâng cấp các tuyến đường để chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, trên hai tuyến đường hàng vạn dân công, thanh niên xung phong của đồng bào Tây Bắc cùng với bộ đội Trung đoàn công binh 151, ngày đêm xẻ núi, làm cầu, kè ngầm, phát tuyến trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự kiểm soát, bắn phá liên tục của các loại máy bay địch. Những cái tên như đèo Lũng Lô, Pha Đin, ngã ba Cò Nòi... là chuỗi thử thách đối với các lực lượng tham gia chiến dịch mà tiên phong là lực lượng làm đường mở tuyến. 

Tại những nơi này, đồng bào Tây Bắc và các lực lượng làm đường đã phải lao động vô cùng vất vả, vật lộn với bao khó khăn thiếu thốn, không kể ngày đêm, nổ mìn, xẻ núi, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, khẩn trương làm hàng nghìn cầu cống bằng những vật liệu khai thác tại chỗ và sự đóng góp của nhân dân dọc tuyến đường đi qua để thông tuyến kịp thời, đưa xe pháo vào mặt trận đúng kế hoạch. Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, sau hơn ba tháng (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa các tuyến đường 13, 37, 41; mở mới thông tuyến kịp thời, bảo đảm cho vận tải cơ giới và xe kéo pháo cơ động vào mặt trận đúng kế hoạch. Tại Tây Bắc, bất cứ nơi nào có con đường đi qua, đồng bào đều tự nguyện đóng góp tre, gỗ, nứa để chống lầy, chống sụt; làm cầu cống, lán trại và các kho trung chuyển hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho Chiến dịch.

Không chỉ là hậu phương tại chỗ, Tây Bắc còn là tiền tuyến - địa bàn trực tiếp diễn ra trận quyết chiến chiến lược. Lực lượng vũ trang Tây Bắc đã cùng nhân dân vượt qua gian khó, hy sinh, tích cực chủ động chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng phần lớn đất đai và mở rộng căn cứ địa. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và cực kỳ anh dũng, lực lượng vũ trang Tây Bắc đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng toàn mặt trận đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những trận chiến đấu ác liệt ở Đồi Al, Cl... còn in đậm và vang vọng mãi chiến công của Trung đoàn 98 (Trung đoàn Tây Bắc).

Vượt qua không gian và thời gian, địa danh Tây Bắc và chiến thắng Điện Biên Phủ đã được thế giới biết đến như một chứng tích lịch sử về sự thảm bại của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong thế kỷ XX.

Diệp Ninh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm