Độc đáo nghi thức rước diều cổ tại Hoàng thành Thăng Long

30/01/2024 06:48 GMT+7 | Văn hoá

Cuối tuần qua, trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện Happy Tết tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một nghi lễ đặc biệt đã lần đầu được tái hiện: Nghi lễ rước diều cổ. Đây là chương trình do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam phối hợp cùng các câu lạc bộ sáo diều tại các tỉnh thành phía Bắc thực hiện.

1. Theo ông Lê Thanh Bình, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, người Việt Nam đã chơi diều từ rất lâu, dù chưa thể xác định thời gian chính xác. Dựa vào các tư liệu thư tịch, văn bia để lại, có thể văn hóa chơi diều từng xuất hiện ở nước ta cách nay ít nhất 1.000 năm.

Và chơi diều ở Việt Nam không chỉ nhằm mục đích giải trí. Tại nhiều địa phương, nét văn hóa này được nâng lên thành nghi thức, gắn với những giá trị tâm linh. Theo đó, các nghi thức này gắn vớiyếu tố cầu thời tiết khô ráo, không mưa to gió lớnđể bà con nông dân giữ được mùa màng. Điển hình, các địa phương như làng Bá Giang (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) và thôn Quý Sơn (xã Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình) đều có lễ hội rước diều mang màu sắc tâm linh như vậy.

Độc đáo nghi thức rước diều cổ tại Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Bình, Ủy viên BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam giới thiệu cánh diều cổ tới công chúng

Ngoài ra, dù diều ở mỗi địa phương đều ít nhiều có sự khác nhau về kiểu dáng, nhưng đa phần chúng đều gắn với sáo. Qua quá trình nghiên cứu, ông Bình nhận thấy, tiếng sáo diều cũng có đầy đủ những hợp âm như nhạc cụ hiện đại, để tạo ra được thứ âm thanh du dương, có trầm có bổng. Thậm chí, âm thanh tiếng sáo còn được các nghệ nhân chú trọng hơn cả hình thức cánh diều.

2. Tại sự kiện ở Hoàng thành Thăng Long, sau khi hoàn thành lễ dâng hương, diều cổ được Ban tổ chức rước từ điện Kính Thiên đến khu vực sân khấu chính của sự kiện. Đoàn rước được tổ chức bài bản với sự tham gia của đội múa lân và các CLB diều trên cả nước, các thành viên tham gia rước diều đều mặc trang phục truyền thống.

Được biết, những chiếc sáo và diều cổ trong lễ rước tại Hoàng thành Thăng Long đều được thờ trong hậu cung đền Mẫu Sáo Đền tại thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là nơi thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông) cùngthân mẫu của bà. Theo tư liệu để lại, sáo của thôn Quý Sơn thường được làm theo các bộ (bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2) với các bậc âm thanh: Cồng, còi, go, ghí, gô.

Tương truyền, đây cũng là quê của tướng Đinh Lễ thời Lê Sơ. Trong một lần về quê, ông đã mang theo cánh diều cong tựa vầng trăng khuyết cùng các bộ sáo đôi, sáo ba, sáo tứ, sáo đại - vốn là bộ sáo diều được ông và các tướng sĩ thả lên trời trong những ngày dưỡng quân, luyện tập binh lính và trấn giữ vùng biên ải. Câu chuyện này cũng lý giải việc bên cạnh đền Mẫu Sáo Đền khi xưa từng có đền Tam Quốc Công, được dân gian xây dựng để thờ 3 anh em tướng Đinh Lễ.

Độc đáo nghi thức rước diều cổ tại Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 2.

Đoàn rước diều tại Hoàng thành Thăng Long

Theo thời gian, đền Mẫu Sáo Đền hiện chỉ còn lưu giữ được 2 con diều cổ (với niên đại được cho là cách đây 600 năm và 200 năm) kèm theo 1 ống sáo và 1 bộ dây kéo diều làm bằng tre. Chính vì vậy, các mẫu sáo và diều cổ đem đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long lần này là những bộ sáo diều không đồng bộ về kích cỡ, không thể kết hợp với nhau để chơi. Người tới xem chỉ có thể chiêm ngưỡng hiện vật.

Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam, đồng thời cũng là người dân của xã Song An, bật mí: Đây là lần đầu tiên địa phương đưa ra quyết định đưa hiện vật diều cổ ra khỏi không gian truyền thống để giới thiệu tới đông đảo công chúng.

Theo chia sẻ từ ông Hoàng Văn Điệp, cánh diềuxưa được làm từ giấy dó, và để tạo độ bền thì người xưa đã quết nhựa quả cậy lên cánh diều. Còn sáo được làm từ các đoạn tre ghép lại với nhau, sau đó quết lên thân sơn ta để bảo vệ sáo. Ống sáo có chiều dài khoảng 1 sải tay người trưởng thành. Cánh diều đi cùng với ống sáo đó theo ông Điệp trước đây cũng phải dài tới 12 mét, nên khi thả phải cần tới 10 người chung sức mới có thể kéo cánh diều lên cao được.

Thực tế, hội Sáo Đền với nghi thức rước diều diễn ra từ ngày 18/3 đến 28/3 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong lịch sử, vào đêm trước lúc Giao thừa hàng năm, người dân địa phương lại nô nức sửa biện lễ vật, dâng cúng lên thần linh để báo cáo về một năm đã qua. Sau đó, họ thả cánh diều lên không trung. Tiếng gió thổi luồn qua ống sáo cũng tựa như tiếng nói của những người dân với trời đất để gửi gắm ước vọng về một năm mớiđang đến.

Ngoài ra, độ cao của diều, cũng như tiếng sáo diều phát ra trong bầu không khí cận kề sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới còn được coi là cơ sở để dự đoán vụ mùa trong năm tới. Nếu diều bay cao, phát ra âm thanh trong, có nghĩa năm tới mưa thuận gió hòa, thời tiết khô ráo, mùa màng bội thu. Trong trường hợp không có gió đưa diều lên cao, bà con cũng phải cố gắng hợp sức lại, kéo diều lên cao nhất có thể, để hoàn thànhnghi thức cáo yết trời và đất.

Trong chương trình tại Hoàng thành Thăng Long, ngoài nghi lễ rước diều, hơn 200 con diều cũng được trưng bày để giới thiệu với du khách. Số diều này đến từ nhiều câu lạc bộ diều khác nhau của Huế, Thái Bình, Hà Nội…

Phúc Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm