Câu hỏi chồng chất quanh kho báu 'tỷ đô'

07/11/2013 12:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc chính quyền Đức vừa phát hiện gần 1.500 bức tranh quý hiếm trong một khu căn hộ chung cư ở nước này, gồm các họa phẩm do Picasso, Matisse vẽ và bị phát xít Đức cướp đi, đã mang đến hàng loạt những câu hỏi chưa có đáp án.

Phát hiện gây sốc về kho báu nghệ thuật trên được thông báo lần đầu vào cuối tuần trước bởi tờ tuần báo Focus và được định giá khoảng 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD).

Sự bất thường từ cuộc kiểm tra bình thường

Mọi chuyện bắt đầu bởi một cuộc kiểm tra thường lệ của các quan chức thanh tra thuế vụ Đức trên một chuyến tàu cao tốc từ Zurich tới Munich trong ngày 22/9/2010. Lần đó họ đang tìm kiếm những kẻ có tiềm năng gian lận thuế và hải quan.

Nguyên nhân do hàng ngàn người Đức có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Không ít trong số đó không khai báo tài sản và kết quả là tuyến đường chạy ra khỏi Zurich đã thành lộ trình chuyển tiền của những kẻ trốn thuế.

Sử gia nghệ thuật Meike Hoffmann trong cuộc họp báo về kho tranh mới được tìm thấy
Một người đàn ông cao tuổi có mặt trên chuyến tàu hôm đó đã khiến các viên thanh tra nghi ngờ. Khi kiểm tra, họ thấy ông ta mang rất nhiều tiền mặt. Nơi ở và tài sản liên quan của ông này lập tức bị lục soát, kiểm kê trong một cuộc điều tra chống gian lận thuế.

2 năm sau đó, vào tháng 2/2012, cuộc điều tra đã dẫn nhà chức trách tới căn hộ chung cư của người đàn ông này nằm ở một quận giàu có tại Munich. Ở bên trong, người ta đã tìm thấy những thứ giá trị hơn nhiều tiền mặt hay bằng chứng trốn thuế: một bộ sưu tập các bức tranh gồm nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy theo trường phái hiện đại.

Các bức tranh, bản vẽ, khắc gỗ, bản in... có số lượng lên tới hơn 1.400 tác phẩm. Chúng được tạo ra bởi những nhân vật hàng đầu trong làn sóng nghệ thuật hiện đại: Marc Chagall, Henri Matisse, Pablo Picasso, Pierre-Auguste Renoir, Oskar Kokoschka, Otto Dix, Max Liebermann, Ernst Ludwig Kirchner.

Các kiệt tác chưa từng được biết tới

Theo ông Siegfried Kloeble, lãnh đạo văn phòng điều tra hải quan ở Munich, 121 bức tranh đã lồng khung và 1.285 bức tranh chưa lồng khung được tìm thấy trong 1 căn phòng ở căn hộ trên, được "cất trữ chuyên nghiệp và ở trong tình trạng rất tốt". Ông cho biết một công ty chuyên bốc dỡ tranh đã phải mất 3 ngày mới đưa hết số tranh đi.

Ít nhất một trong số đó là kho báu thực sự. Tác phẩm này khắc cảnh đóng đinh câu rút Chúa Jesus, được Albrecht Duerer tạo ra trong thế kỷ 16.

Sử gia nghệ thuật Meike Hoffmann nói rằng một số bức tranh trong bộ sưu tập chưa từng được ai nhìn thấy trực tiếp, chỉ có tên trong một số tài liệu. Ví dụ  bức vẽ của Matisse về một người phụ nữ, bị phát xít Đức thu ở Pháp trong Thế chiến II, đã không có mặt trong bất kỳ tài liệu thống kê nào. Ngoài ra còn phải kể tới một bức tranh bột màu của Chagall, cũng không xuất hiện trong các tài liệu thống kê.

Một số tác phẩm khác, như bức chân dung tự họa do nghệ sĩ Đức Otto Dix vẽ trong thế kỷ 20, hay một bản khắc gỗ của Ernst Ludwig Kirchner, đã giúp người ta hiểu hơn về các tác phẩm này.

Về cơ bản, Hoffmann hoàn toàn choáng ngợp trước kho báu. "Khi bạn đứng trước các tác phẩm, nhìn ngắm những bức tranh tưởng như đã mất, thất lạc hoặc bị phá nát từ lâu, vẫn đang ở trạng thái khá tốt... lòng bạn sẽ dâng trào một niềm hạnh phúc vô cùng khó tả" - bà nói.

Một bức tranh hiếm của Otto Dix được giới thiệu trong buổi họp báo
Những câu hỏi đáng sợ

Tuy nhiên sự phấn khích của nhà chức trách nhanh chóng chùng xuống bởi một số câu hỏi đáng sợ. Ít nhất một số tác phẩm đã bị phát xít Đức thu giữ trong làn sóng loại bỏ các tác phẩm "nghệ thuật suy đồi". Vậy thì ai đã bị cướp tranh và giờ ai là chủ sở hữu hợp pháp của các bức tranh?

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm 5/11 ở Augsburg, Đức, cơ quan công tố không nêu danh người đàn ông trốn thuế, dẫn lý do giữ bí mật điều tra. Họ chỉ nói rằng ông không đòi trả lại các bức tranh và họ hiện không giữ liên lạc với ông.

Cơ quan công tố hiện đang tìm hiểu xem có phải người đàn ông trên đã chiếm đoạt bất hợp pháp các bức tranh hay không. Họ cũng cố gắng xác định tình trạng pháp lý và lịch sử của các bức tranh để trả lại chúng cho chủ sở hữu hợp pháp. Hiện họ mới chỉ tiến hành một nghiên cứu ban đầu trên khoảng 500 bức tranh và không rõ bao nhiêu tranh có thể trở lại với chủ nhân đích thực của chúng.

Phần nổi của tảng băng chìm

"Nghệ thuật suy đồi" chỉ các tác phẩm nghệ thuật, phần lớn theo trường phái hiện đại, mà chính quyền phát xít Đức tin rằng gây ảnh hưởng tha hóa lên người dân Đức. Nhiều tác phẩm như thế đã bị chính quyền tịch thu hoặc ép các nhà sưu tập bán với giá rẻ mạt. Về sau chúng được bán lại và tiền thì rơi vào túi chính quyền phát xít.

Theo Focus, các nhà điều tra tình cờ phát hiện các bức tranh khi lục soát một căn hộ thuộc về con cả của nhà sưu tầm nghệ thuật Hildebrand Gurlitt hồi năm 2011. Ông này đã có được các bức tranh trong những năm 1930 và 1940.

Cha của Gurlitt, dù có bà là người Do Thái, đã được chính quyền phát xít sử dụng vì hiểu biết tốt về nghệ thuật và có mạng lưới quan hệ rộng. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền phát xít Đức Joseph Goebbels đã đưa Gurlitt vào ghế phụ trách việc bán tranh ra nước ngoài.

Tuy nhiên Gurlitt đã bí mật giấu nhiều bức tranh, nói rằng chúng bị hủy diệt trong vụ ném bom Dresden. Con trai ông này đã bán vài bức tranh trong nhiều năm và sống nhờ tiền bán tranh.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương người Do Thái ở Đức, Dieter Graumann, đã kêu gọi tìm kiếm lai lịch các bức tranh, với ít nhất 200 trong số đó được thông báo mất tích chính thức. Theo Graumann, phát hiện này "cho thấy rõ ràng rằng thảm họa diệt chủng Do Thái không chỉ là một cuộc tàn sát lớn mà còn là một cuộc chiếm đoạt tài sản chết chóc".

Anne Webber, sáng lập viên kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp ở châu Âu, gọi vụ việc chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm