Đinh Thanh Trung: Sống phải biết chờ đợi

06/09/2009 21:16 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) – “Tôi tiếc cho Trung, vì có làm thầy của Trung thì mới thấy một cầu thủ như thế hữu ích đến mức nào cho đội bóng” – HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét về việc Đinh Thanh Trung không có tên trong danh sách ĐT U23 của ông Calisto. Bản thân Trung cũng tiếc, cũng buồn, nhưng không thất vọng, bởi anh còn trẻ và quan niệm bóng đá là một nghề không vội vã…

Người quen chờ đợi

Liên tục mấy hôm bản danh sách ĐT U23 cứ rập rình, tưởng công bố đến nơi rồi lại hoãn, Trung như ngồi trên đống lửa. Trung tràn trề hy vọng mình sẽ có một suất trong đó, dù chỉ là gọi vào để thử thách thôi cũng được. “Là cầu thủ trẻ như bọn em, ai chẳng khao khát có được cơ hội đi SEA Games hả anh”?

Từ Hà Tĩnh, bố Trung cũng hay gọi điện ra. Ngoài việc thăm hỏi con trai như thường lệ, ông cũng không quên “đế” vào một câu: “Liệu có được đi tuyển không con?”. Trung biết, cả gia đình, thậm chí họ hàng ở quê cũng mong mỏi Trung một lần được khoác chiếc áo tuyển Việt Nam. Trung chỉ dám trả lời bố rất cầm chừng, rằng còn nhiều người giỏi hơn con, chắc chưa đến lượt con đâu...

Nói với bố như vậy cho... đỡ hồi hộp, chứ bản thân Trung cũng thấp thỏm ghê lắm. Hôm nào Trung cũng dậy sớm, mua báo đọc, rồi nghe ngóng thông tin. Trung chờ một cuộc điện thoại từ các bác ở Ban huấn luyện... Anh em cùng đội HP.HN nhiều người bảo Trung cứ yên tâm, “đá như mày mà không được chọn thì cũng lạ”.

Thế mà rốt cuộc, Trung bị bỏ sót. Trung tiếc ngơ ngẩn mất cả một buổi sáng. Buồn như đánh mất một cái gì...

Nhưng cái mà Trung tưởng mất, thực ra chưa phải là của Trung. Nó mới chỉ đến rất gần... Nghĩ thế nên Trung “hồi” lại rất nhanh, lại ra sân tập trối chết, lại cười đùa vui vẻ. Trung bảo rằng chọn ai, bỏ ai là quyết định của HLV, còn việc của Trung chỉ là đá cho hết sức. Trung vẫn còn trẻ, và hy vọng đã hết đâu. Vả lại, từ nhỏ đến giờ, Trung cũng không quen với những thành công đến vội vàng.
 
Đinh Thanh Trung (trái) trong màu áo HP.HN
 
Đúng là cái vận của Trung không vội được. Trung đi tập năng khiếu từ hồi 11 tuổi, 3 năm sau đã có mặt trong đội hình chính của trẻ Hà Tĩnh. Trung được các thầy coi là người “vọt hẳn lên” trong nhóm cùng trang lứa. Nhưng 3 năm sau nữa, Trung vẫn cứ lẹt đẹt ở hạng Nhì, trong một môi trường bóng đá không thiếu tài năng nhưng lại ngặt nghèo về đãi ngộ, đầu tư và tham vọng.

Phải đến khi HP.HN mang quân vào đá tập cùng Hà Tĩnh thì ông Trần Bình Sự - khi ấy là GĐKT - mới phát hiện ra khả năng thực sự của Trung. Trung cũng chỉ nhớ mang máng là sau trận đấu ấy, có một chú kéo Trung ra hỏi có muốn về đầu quân cho Hòa Phát không. Đương nhiên là Trung gật.

Bẵng đi một thời gian chờ đợi, Trung cứ tưởng bên HP.HN đã quên mình. Nhưng đến trước mùa giải 2008, một bản hợp đồng được mang đến và Trung chính thức ra Thủ đô đá bóng.

Đó là một năm thất bại của cả đội, còn cá nhân Thanh Trung thì chìm trong bóng tối. HP.HN xuống hạng, Trung cũng ngơ ngác trước bầu không khí ủ ê bao trùm lên đội bóng hết Chủ nhật này sang Chủ nhật khác. Trung bơm bóng, xách nước, và miệt mài ngồi dự bị... Như một cái bóng lặng lẽ của người anh, người đồng hương Anh Cường.

Phải đến khi HLV Nguyễn Thành Vinh về HP.HN thì cơ hội mới đến với Trung. Ông Vinh là người ưa kỷ luật, ưu tiên hàng đầu cho thể lực và đặc biệt yêu quý sự cần cù. Đó toàn là những phẩm chất mà Trung có, nhưng chưa được ai sử dụng.

Trung được tung ra thử lửa ở giải tập huấn Ninh Bình mở rộng và đá tốt, gần như một mình quản một biên. Trung đem lại rất nhiều ngạc nhiên cho các đối thủ, kể cả những đội năm ngoái từng khiến HP.HN phải khốn đốn.

Em là Thanh Trung nhé!

Thật ra, khi khởi đầu hạng Nhất 2009, HP.HN chưa đặt cụ thể mục tiêu thăng hạng. Các sếp tín nhiệm ông Vinh, giao cho ông một lộ trình xây dựng, củng cố lực lượng trong khoảng 3 năm. Đó mới là lúc HP.HN cần có mặt ở V-League, và có mặt không phải để rồi lại... xuống.

Ông Vinh truyền lại quyết tâm cho cầu thủ, những cỗ máy chạy không biết mệt như Thanh Trung, Hữu Hoàng, Văn Vinh... HP.HN âm thầm tiến, ban đầu là cố gắng để không thua, sau đó nâng dần lên thắng sân nhà, rồi thắng sân khách. Rồi cơ may thăng hạng đến lúc nào không biết.

Phong độ của Thanh Trung cũng thế. Trung khởi đầu bị khớp mất vài trận, nhưng khi đã không còn ngợp nữa, Trung thoải mái tung hoành khắp hành lang trái. Nơi đó chật hẹp, Trung bó cả vào trong, nhiều khi đảm nhiệm luôn cả vai tiền vệ trụ.

Trung cũng bắt đầu ghi bàn. Chân trái sở trường, chân phải, đánh đầu... bóng động, rồi bóng chết. Không phải cầu thủ nào cũng có khả năng đá phạt hàng rào, HP.HN cũng không có người đá phạt và nói thẳng, những ngày đầu Trung cũng không. Cũng vì HP.HN thiếu chân sút phạt nên ông Vinh bảo Trung tập. Ngày qua ngày, Trung bắt đầu biết miết cái lòng trong cho bóng xoáy hơn, cuộn hơn, đi đúng điểm hơn, và các bàn thắng đẳng cấp cứ tìm đến như kết quả mài sắt nên kim.

Người ta cũng nói đến Trung ngày một nhiều hơn. Nhưng cho đến bây giờ, khi Trung đã “ra ánh sáng” cả một năm, vẫn còn nhiều người nhầm tên Thành Trung. Những lúc ấy, Trung chỉ khẽ cười và nhắc, em là Thanh Trung nhé.

Biết đâu đấy, một thời gian nữa, Thanh Trung sẽ là một “thương hiệu” của V-League thì sao? HP.HN đã trở lại V-League, đã vạch ra một kế hoạch mua sắm không kém phần “đồ sộ” so với các đại gia khác như V.Ninh Bình, XM.Hải Phòng, T&T.HN... Có những đồng đội chất lượng hơn, hẳn Thanh Trung cũng có nhiều cơ hội hoàn thiện mình.

Hết 2010, sang 2011, Thanh Trung cũng vẫn đủ tuổi U23. Chí ít thì một SEA Games nữa đang chờ anh. HLV Calisto tuyên bố không bao giờ khép cửa, miễn là người gõ cửa có năng lực và đây chỉ mới là đợt tập trung đầu tiên.

Cô người mẫu trên ti vi vẫn hay khào khào tuyên bố: “Sống là không chờ đợi” nhưng với Trung điều ấy thật tào lao bởi Trung luôn biết chờ đợi và hy vọng...

Xuân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm