Sống chậm cuối tuần: Từ 'Bến Hàn Quốc' đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn

13/07/2019 07:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những địa chỉ dành cho giới trẻ ở Hà Nội theo thời gian cũng thay đổi khá nhiều. Thời Pháp thuộc là đường Cổ Ngư, thời bao cấp cũng là đường Cổ Ngư rồi công viên Thống Nhất, Bách Thảo... và cả những triền đê đầy cỏ may và “mìn”. Đến thời hiện đại, giới trẻ lại có nhiều nơi để trải nghiệm.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Người Hà Nội đội mưa dạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Người Hà Nội đội mưa dạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Tối 11/5, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) chính thức được khai trương, tạo thêm không gian vui chơi, giải trí cuối tuần cho người dân Thủ đô và du khách.

1. Hơn chục năm trước, có một chỗ hẹn hò, một chỗ chơi khá thú vị dù chẳng có cây to để tựa vào, chẳng có bụi cây lúp xúp để người đi qua không nhìn thấy như một thời, đèn cao áp sáng choang, nhưng mọi hành vi của tình yêu vẫn diễn ra hết sức tự nhiên. Đó là bến Hàn Quốc ở gần Đầm Bảy của đất Nhật Tân. Bến xuất hiện vào năm 2004.

Phim ảnh Hàn đã đưa văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy không bao trùm xã hội như văn hóa và phim ảnh Liên Xô một thời, không tác động đến lý tưởng sống và cống hiến cho xã hội nhưng nó đã ảnh hưởng lớn thời trang đầu tóc, lối sống của giới trẻ Việt trong thế giới phẳng từ những năm đầu thập niên 1990 đến ngày nay. “Công lao” phổ biến lối sống Hàn thuộc về các đài truyền hình suốt ngày chiếu phim Hàn Quốc.

Hồi đó, để vào được bến Hàn, có thể đi vào ngõ 399 đường Âu Cơ, men theo một triền đê hoặc đi vào đường Xuân Diệu, sau đó rẽ vào ngõ 52 Tô Ngọc Vân, đến cuối ngõ sẽ có một con đường nhỏ hơi vòng vèo dẫn tới bến Hàn. Một con đường khác là đi qua đầm sen gần công viên nước Hồ Tây, rẽ vào một con đường đất chỉ đủ rộng cho một chiếc xe máy. Cuối đường đất là một con đường bê tông uốn lượn vòng vèo có đèn cao áp, có lan can hai bên.

Chú thích ảnh
Bến Hàn Quốc nổi tiếng ven Hồ Tây một thời. Ảnh: Internet

Bến Hàn Quốc là không gian vô cùng thoáng đãng với một nửa là đầm sen bao quanh. Bên kia là công viên nước với chiếc đu quay khổng lồ. Ngoảnh sang bên kia là Hồ Tây không còn sâm cầm. Con đường này ban đầu có tên là “con đường tình yêu”, rồi một nhóm bạn trẻ gọi là Bến Hàn Quốc và được thừa nhận.

Bến Hàn Quốc thực ra là một đoạn đường quanh Hồ Tây đang kè dở vì hết vốn, dài khoảng vài trăm mét, có lan can hai bên và đã lắp cột đèn cao áp nhưng... chưa có bóng. Một trong những lý do của cái tên bến Hàn Quốc chính là do những hình vẽ trên con đường này. Đó là một thế giới riêng dành cho dân graffiti. Họ vẽ hàng trăm bức lớn nhỏ xuống mặt đường, vỉa hè, lan can, cột đèn cao áp, biển chỉ đường với đủ các nội dung chỉ có chúa mới hiểu kèm theo những dòng chữ giống như họ đã viết lên Tháp Hòa Phong, lan can cầu Long Biên, Tháp Bút ở đền Ngọc Sơn. Tóm lại họ không nương bút và nếu còn khoảng trống đủ để thể hiện cái gì đó họ cũng vẽ như sợ không vẽ sẽ cùn mòn nghề nghiệp.

Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là hình con bướm khổng lồ choán hết mặt đường... Chính cái loạn màu ấy lại vô tình tạo nên một không gian lạ đã thu hút lứa “ăn chưa no lo chưa tới” ùn ùn đến đây vì tò mò. Và dĩ nhiên các đôi tình nhân cũng trở thành bức tranh sống khiến khu vực này giống như một cảnh trong phim Hàn. Họ bên nhau trong ráng chiều hồ Tây, trong ánh trăng khá nguyên vẹn không như trong phố. Lại thêm mấy bà bán thứ quà của tuổi teen và một quán bán chanh leo có cái tên cũng mang âm hưởng tiếng Hàn là bar Nok, nên ở đây thời gian không có giá trị.

Hà Nội có công viên mang tên Tuổi Trẻ nhưng đến đây toàn người già tập thể dục và liếc trộm một vài đôi tình nhân trẻ tuổi ôm nhau. Giới trẻ đến bến Hàn Quốc vì đoạn đường đủ xa cho những câu chuyện không bao giờ kết thúc và không bị làm phiền như Công viên Tuổi Trẻ.

2. Năm 2016, con đường quanh hồ đã thông thì bến trở nên vắng vẻ. Và thế vào lại có phố đi bộ Trịnh Công Sơn gần công viên nước.

Chú thích ảnh
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ven Hồ Tây. Ảnh: TTXVN

Năm 2015, tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đặt cho đoạn đường từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc ngã ba đê Âu Cơ cạnh trường THPT Phan Chu Trinh. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều ca khúc để đời, trong đó có bài Nhớ mùa Thu Hà Nội, trong bài có câu “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Sâm cầm từng là một trong những đặc sản của Hồ Tây bên cạnh sen, cà cuống, cá chép và giống tôm đỏ.

Dự án phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong đó có không gian văn hóa ẩm thực và nghệ thuật ra đời ngay sau khi tên phố chính thức được thông qua. Đó là hướng đi đúng vì vừa tạo được chỗ vui chơi lành mạnh vừa quảng bá du lịch và các sản phẩm quanh vùng và của Hà Nội.

Hà Nội đã có tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm, vào những ngày cuối tuần thu hút rất đông người Hà Nội và du khách. Tuy nhiên tuyến phố đi bộ này không dành riêng cho lớp trẻ. Thời gian tổ chức không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ 7h30 các tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Điểm khác biệt của không gian đi bộ Trịnh Công Sơn so với tuyến phố đi bộ hồ Gươm, đó là các gian hàng kinh doanh ẩm thực, với các mặt hàng không quầy hàng nào giống quầy hàng nào. Từ xôi Phú Thượng, bánh tôm, bún ốc Hồ Tây đến các mặt hàng nước hoa quả, bánh đa kê, chè sen… Thật bất ngờ dịp cuối tuần lên đây đã cảm nhận được nét riêng rất thú vị, được nghe nhạc Trịnh, uống cà phê ở các quán ven đường với giá rẻ mà chất lượng vẫn ổn.

Chơi ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn thú vị không chỉ có người Việt Nam mà còn có khá đông người nước ngoài. Hà Nội cần những phố đi bộ như phố Trịnh Công Sơn bên Hồ Tây.

Điều ít biết về “đàn sâm cầm nhỏ”

Trong một chuyến ra Hà Nội dịp Thu năm 1982, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thăm thú nhiều nơi trong đó có Hồ Tây. Khung cảnh mùa Thu Hà Nội là cảm hứng để ông sáng tác Nhớ mùa Thu Hà Nội, bài hát có câu “Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Từ câu hát có thể suy ra những năm 1980 Hồ Tây vẫn còn sâm cầm.

Năm 1996, khi đó tôi đang làm báo Hà Nội mới, trong năm này tôi lên hồ Tây viết bài điều tra về nạn lấn chiếm đất quanh hồ, nhiều ngày liền lênh đênh trên thuyền, tôi không thấy bóng dáng sâm cầm. Anh Hùng, lái thuyền chở tôi là người của Công ty khai thác thủy sản hồ Tây nói rằng lần cuối anh nhìn thấy sâm cầm là năm 1994. Điều đó cho thấy nước hồ đã thay đổi và thủy sinh làm mồi không còn.

Xưa, sâm cầm được xếp vào một trong những cảnh sắc đặc biệt của Hồ Tây thời Lê. Đó là Tây Hồ bát cảnh, gồm: Rừng trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, phật say làng Thụy, đàn thề Đồng Cổ, chợ đêm Khán Xuân, tiếng đàn hành cung, sâm cầm rợp bóng, hồng hoa Nghi Tàm.

Sâm cầm là một loại chim di thực. Không biết gốc ở đâu chỉ biết cứ đến mùa Đông, chúng từ phương Bắc bay về. Chặng đường của chúng, trước đêm về đến Hồ Tây, chúng thường sà xuống khu đầm lầy dày đặc ở vùng ngã ba sông Hồng - sông Thao, sông Hồng - sông Lô, rồi mới về hồ Tây và ở lại đấy kiếm ăn trong suốt mùa Đông, sau đó lại bay về phương Bắc.

Thời Nguyễn, dân làng Xuân La, Trích Sài và Nghi Tàm đều có người bẫy sâm cầm mang bán nhưng Nghi Tàm nổi tiếng hơn cả về tài bẫy và số lượng bắt được. Dân làng này căng những tấm lưới lớn cao và dài trên không và cả dưới đáy hồ ở những chỗ nước sâu vừa phải, rồi dùng một con sâm cầm làm mồi dụ cả đàn vào.

Khi đàn sâm cầm đã vào khu vực giăng lưới thì họ ập lưới trên lưới dưới nước lại. Con bay lên thì dính lưới trên, con lặn xuống thì dính lưới dưới, chỉ có những con ở mép lưới mới thoát. Sâm cầm bắt được, họ mang bán ở chợ Bưởi và các chợ trong phố. Người ta đồn đại chim này bổ dưỡng nên nhiều người mua buôn mang đi bán ở các nơi.

Chuyện thịt sâm cầm bổ dưỡng đến tai vua và thế là các vua Nguyễn bắt dân Nghi Tàm hàng năm phải tiến vua. Quan huyện Vĩnh Thuận kém miếng khó chịu cũng bắt dân Nghi Tàm phải biếu mình. Bắt sâm cầm không dễ, bắt được bao nhiêu phải cúng tiến hết nên lý trưởng Nghi Tàm là Lý Râu (còn gọi là Lý Chắm, tên tục của ông là Nguyễn Hữu Khang) thương dân đã làm đơn kêu lên vua xin bỏ lệ cho làng. Trong quá trình lên huyện, lên phủ, Lý Râu bị quan trên sai đánh vào đít vì tội chống lệnh vua và quan nên mới có câu: “Đít Lý Râu, đầu Án Cộng” (Án Cộng cũng là người làng Nghi Tàm, ông này có thói trăng hoa nên thường bị vợ túm tóc ấn đầu xuống đất đánh ghen).

Dù nhiều lần gửi đơn và trực tiếp thưa các quan nhưng không được chấp thuận, dân Nghi Tàm vẫn phải đúng lệ. Biết Bà huyện Thanh Quan là người làng Nghi Tàm đang dạy học ở Huế, Lý Râu đã cậy cục nhờ bà kêu hộ dân. Cuối cùng vua Tự Đức cũng nghe và ra lệnh bãi bỏ lệ vào năm 1870.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm