Làm 'con lợn thỏa mãn' hay 'con người bất mãn'?

07/09/2015 05:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “18 năm đi hát đến nay, trong đó có 15 năm nổi tiếng, thằng đó có chết không? Không chết. Nó vẫn cát-sê ngất ngưởng, tên vẫn đứng đầu và báo chí vẫn chạy theo nó. Mọi người cần phải coi lại vì sao tôi lại nổi tiếng hoài như thế” - Đàm tuyên bố.

Đó là câu trả lời phỏng vấn của nam ca sĩ “hàng đầu Việt Nam hiện nay”, xét theo một vài khía cạnh nào đó, cho tạp chí Thể thao & Văn hóa Đàn ông số mới nhất. Câu hỏi Đàm Vĩnh Hưng đặt ra cũng là câu hỏi mà không ít người Việt Nam đã đặt ra, nhưng ít có câu trả lời thỏa đáng.

Gác lại thực tế là không cần đặt câu hỏi, ai thích nghe nhạc gì thì nghe, ai nổi tiếng thì tận hưởng sự nổi tiếng, ai không nổi tiếng thì thôi, câu hỏi của Đàm Vĩnh Hưng cũng khá thú vị để thảo luận. Chủ đề dạng triết học, xã hội học hẳn hoi chứ không chỉ là giải trí.

Không như nhiều người có lòng tự ti dân tộc hay nói, “Chỉ ở Việt Nam mới có kiểu như này”, thực ra, ở rất nhiều nước có kiểu này. Kiểu này là kiểu gì? Là chọn nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng thay vì, Mozart chẳng hạn. Nhắc đến Mozart cho có tính quốc tế, bởi hiện tượng không chỉ của riêng Việt Nam.


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có thể tìm thấy một phần câu trả lời cho câu hỏi của mình trong một cuốn sách triết của Mỹ

Michael J.Sandel, tác giả cuốn sách triết thú vị Phải trái đúng sai, từng tiến hành một thử nghiệm khi cho sinh viên của ông chọn giữa kịch Shakespeare và phim hoạt hình Gia đình Simpsons. Kết quả, “đa phần những người xem cả hai đều thích Gia đình Simpsons hơn”, nhưng kịch Shakespeare được cho là “có chất lượng cao hơn”. Mà đó là ý kiến thẳng thắn của những sinh viên triết cũng là các trí thức có trình độ trong xã hội Mỹ.

Rõ ràng, ai cũng biết Shakespeare nghe có vẻ cao quý hơn, dù Gia đình Simpsons cũng không tệ. Nhưng được chọn thì đa phần chọn Gia đình Simpsons cho đỡ mệt óc. Hiện tượng này được John Stuart Mill, triết gia tiêu biểu của thuyết vị lợi, gọi là “hạnh phúc lớn” và “hạnh phúc nhỏ”. Chúng ta biết hạnh phúc lớn Shakespeare có ý nghĩa hơn và khiến cuộc sống chất lượng hơn, nhưng vẫn chọn hạnh phúc nhỏ vì dễ mãn nguyện hơn.

Mill cố lái đạo đức xã hội theo ý ông muốn, trong một câu triết đáng nhớ mà Sandel trích dẫn và không mấy đồng ý: “Thà làm con người không mãn nguyện còn hơn trở thành con lợn thỏa mãn”. Kiểu như, dù say mê Đàm Vĩnh Hưng, nhưng cứ nhắm mắt bật nhạc Mozart và giả vờ yêu thích đi.

Nhưng khổ cái, ngoài đời mấy ai chịu nghe theo lời khuyên này. Chính Mill thừa nhận: “Thậm chí con người tốt nhất cũng thích hạnh phúc nhỏ hơn hạnh phúc lớn. Mọi người có lúc chỉ muốn làm củ khoai tây ngồi ghế bành”.

“Củ khoai tây ngồi ghế bành” chỉ sự thống trị của văn hóa đồ ăn nhanh trong cuộc sống đương đại, có nhiều điểm tương đồng với âm nhạc thị trường. Những con người cao quý cứ thắc mắc vì sao giá trị ẩm thực (hay nghệ thuật, hay tư tưởng…) tệ như vậy mà đông đảo quần chúng vẫn đổ xô thưởng thức, theo cách gọi của Mill là làm “con lợn thỏa mãn”. Ông có thể hơi cực đoan, nhưng khái niệm “hạnh phúc lớn, hạnh phúc nhỏ” cũng là một cách trả lời.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm