Động đất, túi da cá sấu và những tranh luận bổ/vô bổ?

11/05/2015 05:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Nepal mới đây đang gây nên những tranh luận trái chiều trong cộng đồng. Số đông lên án thái độ, hành động đó là “tháo chạy”, là “quay lưng lại những người cần hỗ trợ”. Số khác cho rằng đó là việc bình thường của những người chuyên nghiệp. Đại diện đoàn công tác cũng lên báo giải thích việc họ về nước là làm đúng theo nguyên tắc và theo yêu cầu của phía Nepal

Tương tự cách đây chưa lâu, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau trước hình ảnh một ca sĩ là đại sứ bảo vệ động vật hoang dã nhưng lại khoe túi xách đắt tiền da cá sấu. Đáp lại nhiều ý kiến cho rằng là đại sứ bảo vệ động vật hoang dã thì không nên sử dụng túi làm từ da động vật, nữ ca sĩ khẳng định cô cũng là người bình thường với những nhu cầu như nhiều người khác và chiếc túi có chứng nhận làm từ da cá sấu nuôi.

Đúng, sai trong những câu chuyện này, theo anh chị, nằm ở đâu? Ba khách mời trong mục Câu chuyện văn hóa tuần này bày tỏ góc nhìn của họ.

Hồng Ngọc (bình luận thể thao): Khi trách nhiệm thiếu vắng mà chỉ có quyền lợi…

Trong cả hai câu chuyện, họ đều có thể được xem là hành xử đúng, hay ít nhất là chấp nhận được, với tư cách là một người bình thường. Mỗi công dân đều có quyền tìm kiếm nơi an toàn thay vì bất an. Cũng như một người tiêu dùng có quyền mua bất kỳ hàng hóa nào trên thị trường mà họ muốn, có khả năng chi trả, và luật pháp không cấm.

Nhưng trong cả hai câu chuyện, những nhân vật chúng ta nhắc tới đều vô thức về trách nhiệm, về sứ mệnh của mình. Trong “Tầm nhìn và sứ mệnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, tổ chức này nhắc tới việc họ hoạt động theo bảy nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu. Cái nhân đạo tối thiểu nhất là trợ giúp người lúc hoạn nạn, mà lúc cần đến hoạt động có tổ chức nhất là hoạn nạn do thiên tai. Chỉ bởi vì người ta không coi đó là sứ mệnh, người ta mới cho mình quyền được lựa chọn thực hiện hay không, điều mà những người có đạo đức dù không có sứ mệnh đó cũng không tự cho phép mình được lựa chọn. Người xưa thậm chí coi việc “thấy hoạn nạn mà không giúp, thấy chết mà không cứu” là cái tội vậy. Nó liên quan đến khái niệm mà tôi gọi là chức trách và chức quyền. Những người này dù được trả công để làm việc đó, nhưng họ không coi đó là chức trách, mà là chức quyền. Với họ, có lẽ cứu trợ nghĩa là ban phát, họ phải được trang bị tận răng, và phải có cái để mà xà xẻo, nếu không thì thôi, họ không có trách nhiệm làm việc đó.

Cũng tương tự như cô ca sĩ làm đại sứ bảo vệ động vật hoang dã vậy. Với cô ấy, việc đó giống như một cơ hội được trình diễn, được thể hiện, được khoa trương, được đóng thêm một vai trò. Chỉ không có trách nhiệm thôi. Cô ấy vận động mọi người bảo vệ động vật hoang dã, không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, còn cô ấy thì không có nhiệm vụ đó.

Khi một xã hội mà các tổ chức vô thức về trách nhiệm của nó, những ngôi sao “đại sứ” vô thức về sứ mệnh mà chính họ đang vận động, chúng ta có thể hiểu nhận thức về trách nhiệm của các cá nhân trong xã hội này đang ở đâu. Vắng trách nhiệm mà chỉ có quyền lợi, thì sự ích kỷ, tham lam, và thù địch giữa người với người lên ngôi.

Nguyễn Thị Hậu (TS Khảo cổ học): Tiếp nhận thông tin đúng và suy xét khách quan

Câu chuyện thứ nhất: Từ lâu dư luận đã không mấy tin tưởng vào mục đích của  những đoàn đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm, tham quan học hỏi”… bằng ngân sách nhà nước, bởi vì nhiều chuyến đi như vậy thực chất là đi du lịch, đi chơi nên thành phần tham gia cũng không đúng người đúng việc như mục đích trình duyệt xin kinh phí. Chính vì vậy việc đoàn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam qua Nepal “học tập kinh nghiệm về ứng phó với động đất” lại về nước ngay sau khi nước này bị thảm họa động đất càng làm cho dư luận nghi ngờ mục đích của chuyến đi. Nếu đoàn thực sự đi học tập thì dù “chưa ai có kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống này” thì đây là một cơ hội để học hỏi ngay từ thực tế: có một kinh nghiệm về việc tự ứng phó với hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tham gia giúp bạn trong điều kiện có thể. Với chức năng và mục đích chuyến đi của đoàn Hội Chữ thập đỏ thì việc trở về của đoàn như một sự “chạy trốn”. Dư luận lên tiếng là từ lý do như vậy.

Câu chuyện thứ hai: Là người của công chúng nên các ngôi sao luôn muốn giữ cho mình hình ảnh sang trọng, đẹp đẽ khi xuất hiện. Cô ca sĩ không sai khi dùng chiếc túi sang trọng bằng da “cá sấu nuôi” - nếu cô chứng minh được điều này. Bởi vì cô cổ động cho việc bảo vệ động vật hoang dã. Dư luận lên án có lẽ vì chưa hiểu rõ vai trò của cô cũng như nguồn gốc chiếc túi xách cô dùng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là quan niệm từ lâu trong xã hội ta: các “ngôi sao” phải dùng hàng hiệu, đồ xịn đắt giá, nếu dùng hàng nhái hay hàng rẻ tiền thì “dư luận” cũng không buông tha.

Còn nói về “dư luận”, hiện nay Internet có vai trò cực kỳ quan trọng trong truyền thông, vì sự nhanh chóng, cập nhật và tương tác tức thời, nhất là báo điện tử và mạng xã hội. Nhiều việc xảy ra thực chất không có gì nhưng qua mạng xã hội, qua báo mạng… thì khen chê cũng “dậy sóng” từ đây. Nhiều người chỉ xem qua hoặc thậm chí không xem mà chỉ đọc cái tựa bài báo cũng có thể “bình loạn” ngay với những lời lẽ kiểu “ném đá”. Chính vì vậy mà thông tin ngày càng nhiễu. Những kiểu “truyền thông” như vậy làm cho ai có ý kiến khác cũng ít dám lên tiếng.

Để có thể tiếp nhận thông tin đúng và tự mình suy xét một cách khách quan, cũng là làm cho môi trường giao tiếp lành mạnh hơn, mỗi người tham gia “mạng” truyền thông cần có trách nhiệm hơn. Chỉ phê phán khi hiểu rõ vấn đề và phê đúng vào cái sai, tránh từ việc này kéo sang việc khác kiểu “bỏ bóng đá người”.

Võ Việt Anh (cử nhân ngành Quản trị ĐH Ritsumeikan Asia Pacific University): Người Việt Nam thích tranh cãi vô bổ

Nếu không được hỏi, thật ra tôi không có ý định dành thời gian đọc những câu chuyện kiểu này. Phải nói thật là đọc mà thấy nản…

“Nhóm người Việt đầu tiên rời Nepal an toàn” lại là đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, vốn sang Nepal để học cách ứng phó động đất từ kinh nghiệm của nước bạn. Điều này thật sự nghe thấy đã buổn cười, vì đáng nhẽ những người tình nguyện vào Hội Chữ thập đỏ và cất công qua học về ứng cứu phải là những người sẵn sàng xả thân khi có vô số người chết xung quanh, bất kể họ tự biết khả năng bản thân không giúp được nhiều.

Nhưng mọi chuyện lại thành ra như vậy thì… đành thôi. Muốn trách thì trách Hội Chữ thập đỏ hoặc người mình tổ chức kém, tuyển chọn kém... Nhưng cũng nên lạc quan hơn vì sau sự kiện này đã có thể phát hiện vô số những ứng viên tiềm năng, những người đang to mồm phê phán 10 thành viên kia. Có điều, trên thực tế, các “anh hùng bàn phím” ấy lại chẳng làm được gì  thực tế hơn thay vì tranh cãi hăng say, trong đó không thiếu những lời lẽ kém văn hóa, thậm chí chửi thề.

Nếu tiếp tục bước một bước xa hơn, có thể đoán rằng một số thế lực thù địch đang lợi dụng cái điểm yếu là thích tranh cãi vô bổ của người Việt Nam để gây phân tâm, đánh lạc hướng, tạo điểu kiện cho kẻ thù khai thác, ngầm thực hiện những hành động độc hại sau hậu trường.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm