Công viên... tiêu chuẩn thế giới

12/06/2016 07:58 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin vui với những công dân Thủ đô trong tuần qua: Chủ tịch UBND thành phố vừa khẳng định, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ có thêm 25 công viên, trong đó 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới.

Thông tin này lại càng có ý nghĩa, khi được đưa ra trong những ngày Hà Nội bị nhấn chìm giữa cái nóng kỷ lục gần 40 độ C. Theo như lời của Chủ tịch Hà Nội, ngoài chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường, 5 công viên ấy còn là điểm đến lý tưởng của người dân, với những khu vui chơi giải trí hiện đại và hấp dẫn.

Sự thực, hẳn ai cũng đồng ý: Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng công viên, dù đó là dạng công viên công cộng (thiên về tạo không gian chung cho cộng đồng) hay dạng công viên chuyên đề (thiên về giải trí hoặc trưng bày, tổ chức sự kiện).



Một góc Công viên Yên Sở

Và, danh xưng “thành phố xanh” mà chúng ta hướng tới vẫn là xa vời, nếu chiếu theo thống kê gần nhất mà quỹ JICA (Nhật Bản) thực hiện vào năm 2006, khi Hà Nội chưa mở rộng. Theo đó, tỷ lệ đất công viên cây xanh tại các quận nội thành chỉ xấp xỉ 1m2/người – trong khi tỷ lệ này tại Tokyo cao gấp 7,5 lần, tại Moskva gấp 24 lần, NewYork gần 30 lần…

Nhưng, bên cạnh sự hào hứng đang có mới, người viết vẫn có chút băn khoăn nhỏ, về quy mô, thiết kế và quy hoạch của những công viên tương lai. Bởi, nhìn vào những công viên vừa được “khai sinh” tại Hà Nội trong chục năm qua, dường như có một nghịch lý đang xảy ra: diện tích càng rộng, công viên càng… lúng túng trong việc thu hút du khách.

Điển hình, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về sự trống vắng đang diễn ra tại công viên Hòa Bình, được khánh thành vào năm 2010, với diện tích 20ha. Và, ở mức cao hơn gấp… 7 lần, đó là trường hợp của công viên Yên Sở với diện tích 150ha (không kể tới những khu chức năng đang xây dựng). Như những gì được chia sẻ, từ khi đi vào sử dụng, lượng du khách tới những địa chỉ này khá lẻ tẻ, và là quá ít so với tiềm năng vốn có.

Khá nhiều nhược điểm của 2 công viên lớn này đã từng được các kiến trúc sư phân tích: nằm ở các khu vực đô thị chưa phát triển, lượng cây xanh tại chỗ chưa đủ dày, các dịch vụ vui chơi nghèo nàn, không hiện đại.

Và quan trọng nhất, khi sở hữu một diện tích lớn và đặt cạnh những trục giao thông lớn, những công viên này vừa trở nên khó tiếp cận (bởi tác động từ các luồng giao thông có tốc độ cao), vừa trở nên xa lạ, thiếu gần gũi với cộng đồng khi cảm giác “hoang vắng” được nhân lên.

Để so sánh, một công viên nhỏ tại Hà Nội là Cầu Giấy chỉ rộng có 6,4 ha. Mở cửa miễn phí, điểm nổi bật ở công viên này là các thiết bị vui chơi cho trẻ em được lắp đặt hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, với giá trị vẻn vẹn… 8 tỷ đồng. 

Chỉ có vậy, nhưng từ vài năm nay, công viên Cầu Giấy lại trở thành địa chỉ vô cùng hấp dẫn, để các phụ huynh đưa con vào đây vui chơi và kết hợp… dạo mát cho bản thân. Và, nếu xét theo mối tương quan giữa diện tích và tần suất sử dụng, đây lại là một công viên điển hình về sự thành công, kể từ khi xuất hiện.

Như vậy, câu chuyện lại quay về một tiêu chí cơ bản với công viên mà chúng ta đôi khi lại bỏ qua: sự gần gũi và tiện ích trong việc kết nối với cộng đồng. Và xa hơn, đó còn là bài toán về những hoạt động được duy trì trong công viên, sao cho người dân có thể tự động bước vào khu cây xanh ấy một cách… tự nhiên và ung dung nhất.

Nếu theo cách nghĩ ấy, chúng ta hãy cùng mong chờ những công viên hiện đại theo nhiều tiêu chí, thay vì chỉ lấy sự hoành tráng làm thước đo.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm