Chuỗi bàn tròn âm nhạc LiveSpace Pro: Kết nối nghệ sĩ Việt Nam với âm nhạc thế giới

27/10/2022 07:30 GMT+7 | Giải trí

Trong 3 ngày 24, 25 và 26/10, chuỗi tọa đàm, gặp gỡ chuyên môn mang tên LiveSpace Pro đã được tổ chức tại Tổ hợp Complex 01 (29/31, ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội).

Đẩy mạnh nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam từ bàn tròn LiveSpace PRO

Đẩy mạnh nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam từ bàn tròn LiveSpace PRO

Chuỗi bàn tròn, gặp gỡ chuyên môn và phát triển mạng lưới giữa các chuyên gia hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam và quốc tế mang tên "LiveSpace PRO" sẽ diễn ra từ ngày 24-26/10.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ LiveSpace Vietnam - Dự án âm nhạc dành cho các nghệ sĩ trẻ tài năng do Viện Pháp tại Hà Nội khởi xướng, phối hợp cùng Monsoon Music Festival, Believe, Complex 01 và báo Thể thao và Văn hóa tổ chức.

Xoay quanh các chủ đề “Làm thế nào để các nghệ sĩ phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Việt Nam?; Cách thức nào để thu hút và mang các nghệ sĩ thế giới đến với công chúng Việt Nam?; Hỗ trợ các nghệ sĩ Việt Nam xuất khẩu âm nhạc tới công chúng quốc tế", chương trình đã mang đến cơ hội giao lưu, trao đổi của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn những thách thức của ngành công nghiệp âm nhạc, tìm ra các giải pháp để Việt Nam hội nhập tốt hơn vào mạng lưới quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ nước ta tìm hiểu thêm các dịch vụ, xu hướng để quảng bá sản phẩm âm nhạc, đồng thời phát triển mạng lưới tại Việt Nam.

Bắt đầu từ những gì mình có

Không ít ca sĩ, nhóm nhạc trẻ đang loay hoay trong tổ chức hoạt động và ra MV, album của mình, nhất là khi họ không có gì ngoài niềm đam mê, nhiệt huyết. Tại buổi tọa đàm Làm thế nào để các nghệ sĩ phát triển âm nhạc indie tại Việt Nam, có khá nhiều câu hỏi được đặt ra: Các nghệ sĩ có sống được bằng tác phẩm âm nhạc của mình hay không? Khi đã có một chút danh tiếng, họ nên hoạt động độc lập hay đầu quân cho một hãng đĩa nào đó? Làm thế nào để đa dạng hóa nguồn thu? … Nhưng quan trọng hơn hết là câu hỏi về chất lượng sản phẩm thực tế, độc đáo và có tính cạnh tranh.

Chú thích ảnh
Biểu diễn tại cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc LiveSpace

Ca sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt) đã kể lại những ngày đầu của mình cũng như các bạn trong nhóm, khi chưa có studio, chưa có tiền hay đúng hơn là “có nhu cầu nhưng chưa có ai hỗ trợ”. Thắng chia sẻ, anh đã bắt đầu sản xuất âm nhạc với chiếc Iphone 3 cùng với 2 người bạn, cùng với một vài nhạc cụ đơn giản nhất. Họ đã cùng nhau thu âm, thu hình bài hát và đăng lên nền tảng mạng xã hội instagram.

“Bạn có thể có bất cứ cái gì, nhưng bạn phải biết cách đòi nó bằng lao động. Mọi người không thể biết cách giúp bạn ở đâu nếu họ không biết bạn đang ở đâu” – nhạc sĩ kiêm ca sĩ của nhóm Ngọt tâm sự.

Chú thích ảnh

Như lời anh, khi họ đăng bài hát đầu tiên của mình lên mạng xã hội, tất nhiên cũng chỉ có một số ít người quan tâm. Đến bây giờ, “Ngọt” vẫn giữ mối quan hệ gắn bó với những người bạn đồng hành “từ thuở ban sơ” ấy. “Bạn đã có kĩ năng, bạn có kinh nghiệm sản xuất và người ta nhìn thấy tiềm năng của bạn. Còn cái bạn cần là tiền thì sẽ có người dúi tiền vào tay bạn” - Vũ Đinh Trọng Thắng khẳng định đầy tự tin với những gì anh và nhóm Ngọt đã trải qua trong 10 năm qua.

Chú thích ảnh

Còn theo nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Monsoon Music Festival, trước khi nghĩ đến tất cả những yếu tố như tạo ra nguồn thu, làm việc nhóm hay hoạt động độc lập thì chúng ta cần phải có sản phẩm âm nhạc hoàn hảo, có cá tính, độc đáo. “Thập kỉ 80, 90 của thế kỉ trước, nghĩ đến việc chen chân vào thị trường âm nhạc thế giới thì đó gần như là điều không thể nếu không có nền tảng hỗ trợ lớn như Sony, Universal. Còn ngày nay, các bạn có thể làm việc với các đơn vị để đưa sản phẩm âm nhạc lên các nền tảng. Nhưng để có người nghe, có thu nhập thì các bạn phải có sự độc đáo, tạo ra được tính cạnh tranh” - nhạc sĩ nói.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Quốc Trung, ông Fabien Lot (đại diện công ty POPS Wordwide) cho rằng các ban nhạc cần chuẩn bị để tránh thất bại. Với nghệ sĩ trẻ, họ rất cần nhiều thời gian để khi đưa sản phẩm của mình lên nền tảng số thì phải thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe ngay từ đầu. Muốn làm được điều đó cần nghiên cứu kĩ thị trường, theo dõi xu hướng và cấu trúc phân bổ các thể loại âm nhạc trên nền tảng số. Bởi chỉ có kế hoạch cụ thể, theo đuổi lâu dài một thể loại âm nhạc và tập trung làm việc thì họ mới có thể đi xa.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tại LiveSpace Pro

Tạo ra mạng lưới và tạo ra cơ hội

Muốn thu hút khán giả ngoài đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì các ban nhạc trẻ cần xây dựng những chương trình biểu diễn phù hợp, thu hút nhiều người tham gia.

Trong điều kiện hạn chế về địa điểm biểu diễn cũng như thiết bị kĩ thuật, họ cũng cần kết nối với các công ty để tham gia mạng lưới biểu diễn, dần dần tiếp cận với thị trường quốc tế. Bà Hằng Nguyễn, quản lý dự án tại công ty Thanh Việt Production và Monsoon Music Festival chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Âm nhạc Gió mùa, tạo cơ hội giao lưu giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Chú thích ảnh
Các hoạt động của chuỗi bàn tròn LiveSpace Pro

Theo đó, mô hình lễ hội âm nhạc sẽ là nơi để các nghệ sĩ có thể giới thiệu sản phẩm, đồng thời tìm hiểu những xu hướng âm nhạc mới, tạo thói quen nghe nhạc mới cho khán giả.

“Chúng tôi đang cố gắng kết nối với những lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới, hàng năm tham gia các chương trình biểu diễn, trao đổi nghệ sĩ. Ví dụ năm 2017, chúng tôi giới thiệu ca sĩ Hà Trần (dự án Bản nguyên) và nhóm nhạc Da LAB tới sự kiện âm nhạc quốc tế Mu: CON (Hàn Quốc) tham gia trình diễn tại showcase, với tư cách là nhóm nhạc đại diện cho Việt Nam được giới thiệu bởi Monsoon Music Festival” - bà Hằng Nguyễn cho biết.

Chú thích ảnh

Một điều đáng mừng là số lượng ban nhạc indie ở nước ta đang có sự gia tăng về số lượng trong 10 năm trở lại đây. Có những nhóm nhạc đã tìm cho mình “chất riêng” để giới thiệu đến người nghe.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nghệ sĩ , nền âm nhạc cũng cần lớp công chúng mới. Do đó, ngoài việc tổ chức các chương trình biểu diễn, tạo sân chơi cho các nhóm nhạc trẻ thì dự án LiveSpace Vietnam còn mang lại cơ hội để hỗ trợ, kết nối cho các ban nhạc trẻ và khán giả cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành âm nhạc thế giới. “Những điều tốt có thể đến từ việc tạo ra mạng lưới giữa các địa điểm văn hóa nghệ thuật, các đơn vị tổ chức và nghệ sĩ. Tôi hi vọng rằng trong tương lai gần sẽ tổ chức được nhiều chương trình hơn với các ban nhạc trong nước và nước ngoài, ở các địa điểm khác nhau” - ông Võ Đức Anh, đồng sáng lập Hanoi Rock City khẳng định.

Rõ ràng, trong bối cảnh nền âm nhạc Việt Nam còn non trẻ, chưa thực sự đa dạng so với thế giới thì sự xuất hiện của các nền tảng internet giúp chúng ta có thể nghe nhạc và giao lưu với bất cứ ban nhạc nào, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào. Cơ hội không thiếu nếu như các nhóm nhạc chuyên tâm cho hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh

Chỉ có thể dành thời gian tập luyện, sáng tác và từng bước giao lưu, biểu diễn, các nhóm nhạc indie mới có thể được cọ xát và biết mình đang ở đâu. Có rất nhiều cách để giới thiệu sản phẩm âm nhạc và điều quan trọng là tìm cho mình nhiều cơ hội biểu diễn, từ đó họ sẽ có điều kiện làm việc và phát triển nhiều hơn. Bởi vậy, chuỗi hoạt động biểu diễn và bàn tròn thảo luận LiveSpace Pro trong khuôn khổ dự án LiveSpace Vietnam đã tạo ra những dư âm mới, khích lệ, cổ vũ các nhóm nhạc indie trong hành trình phát triển sự nghiệp và tìm kiếm cơ hội hòa nhập trong dòng chảy âm nhạc thế giới.

“Khi đưa sản phẩm âm nhạc chưa được hoàn hảo và không độc đáo lên các nền tảng số thì những sản phẩm sau dù có làm tốt đến mấy người nghe cũng không quay lại. Bởi các bạn đã để lại một ấn tượng không tốt” - ông Fabien Lotz, đại diện công ty POPS Wordwide.

Phương Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm