Diego Maradona đối đầu tuyển Bỉ: Sự thật đằng sau bức ảnh huyền thoại

05/07/2014 20:45 GMT+7 | Tứ kết

(Thethaovanhoa.vn)- Trong thế giới của những bức ảnh thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, có một tuyệt phẩm mà ở đó chúng ta vẫn đôi khi nhìn thấy nó và lặng đi giây lát: Diego Maradona trước bầy "quỷ đỏ". Nhưng mấy ai còn nhớ được tới nay rằng, những hình ảnh thực đằng sau đó không đẹp đẽ như thế?

Lịch sử World Cup ghi dấu không chỉ những bàn thắng đẹp, những giây phút xúc động mà còn cả những bức ảnh đẹp nữa. Cũng như bao loại nghệ thuật khác, luôn có một vài tác phẩm có chỗ đứng tách biệt hoàn toàn so với phần còn lại, và một trong số đó là hình ảnh Diego Maradona đi bóng trước sáu cầu thủ Bỉ tại World Cup 1982.

Một bức ảnh lưu giữ lại một khoảnh khắc. Và bức ảnh mà chúng ta đang nhắc tới lưu giữ lại một trong những khoảnh khắc cho thấy sự đáng sợ của siêu ngôi sao người Argentina. Với trái bóng Tango trong chân, "Thánh" Diego như thể một người nghệ sĩ đang nhún nhảy ngay trước tầm mắt của một con quỷ đỏ sáu tay - có tới sáu cầu thủ Bỉ đang dàn trận trước tầm rê bóng của Maradona. Thần thoại là đây. Chúng ta ai cũng đã nghe về những chiến tích của số 10 vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Argentina, và bức ảnh này đã nói lên tất cả.

Nhiếp ảnh gia Steve Powell - tác giả của pô ảnh - khi ấy đang thực hiện loạt ảnh đầu tiên cho Sports Illustrated và đã dành sự chú ý đặc biệt với ngôi sao vĩ đại áo xanh-trắng trong suốt thời gian dài trước đó. Ông hẳn nhiên mong chờ một khoảnh khắc đặc biệt. Thật ra, tất cả các cầu thủ của Barcelona đều nhận được sự chú ý tương tự từ các nhiếp ảnh gia khác; và khi ấy chàng Diego nhỏ con đang như một ngôi sao vút lên trời cao không gì cản nổi, lại sắp cập bến Nou Camp.


Bức ảnh lưu giữ lại một trong những khoảnh khắc cho thấy sự đáng sợ của Diego Maradona

Dĩ nhiên Powell không đặt quá nhiều kỳ vọng rằng một điều thần kỳ sẽ xảy ra. Vào thời điểm bấm máy bức ảnh huyền thoại, Powell ngồi ở vị trí có thể coi là tệ nhất trong tình huống đang chụp: trên khán đài sau lưng cầu môn Argentina. Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may, vị trí chụp này mang tới cho ông một góc nhìn hoàn hảo đến từng chi tiết, và ông đã lưu trữ lại khoảnh khắc ấy. Ngay khi chụp xong, ông còn chẳng hề nghĩ rằng mình vừa tạo nên một siêu phẩm trong làng nhiếp ảnh thể thao (vì ảnh thời ấy lưu vào phim chứ không thể xem lại ngay lập tức như các máy kỹ thuật số hiện đại). Dù thế, ông cũng hiểu rằng mình vừa có một khoảnh khắc, một góc nhìn đặc biệt.

"Bức ảnh có được những sắc màu rất tuyệt - màu xanh của cỏ, màu đỏ của đồng phục Bỉ - đó là những tương phản tuyệt vời cho một bức ảnh đẹp, và đường nét cũng rất rõ ràng, với hình ảnh những cầu thủ tỏa ra như một chiếc quạt," Powell hồ hởi hồi tưởng. "May mắn đóng một vai trò quan trọng, nhưng có rất nhiều khoảnh khắc như thế có thể trôi qua phí phạm. Bạn cần phải tập trung và sẵn sàng khi cơ hội đến."

Không thể phủ nhận điều này. Sự dàn xếp hình ảnh các cầu thủ khiến cho bức ảnh mang một chất lượng thẩm mỹ tuyệt vời. Những chiếc bóng áo đỏ tỏa sang trái, rẽ sang phải như thể một bầy nai hoang dã, thổi vào khoảnh khắc một sự hài hước đầy ý nghĩa. Maradona, trong khi ấy, trái ngược hẳn với hình ảnh nhóm cầu thủ Bỉ, đang ở trạng thái rất cân bằng. Chân trái vê bóng, cả cơ thể thả lỏng trên những đầu ngón chân phải. Đỉnh cao của sự bùng nổ chính là sự "tĩnh". Với những gì người ta đã biết, ai cũng thấy Maradona trong bức ảnh thật đáng sợ: anh ta có thể đổi hướng bất kỳ lúc nào, hoặc có thể vung chân tung ra một siêu phẩm thần thánh.

Nhưng, hãy dừng tại đó. Đẹp đẽ tới đâu đi chăng nữa thì bức ảnh này cũng đã đạt tới một đỉnh cao nghệ thuật khác: tạo ra sự sai lệch hoàn toàn về sự thật. Maradona tại thời điểm bức ảnh được chụp không hề được kèm cặp "khủng khiếp" tới thế. Thậm chí, ông đang ở trạng thái mà người ta... chẳng cần kèm. Khoảnh khắc ấy diễn ra trong một tình huống đá phạt trực tiếp, ở đó Maradona đang chạy đà để nhận bóng từ Ossie Ardiles - người đứng bên trái bóng và chỉ làm một động tác nhả ra đơn giản, nhẹ nhàng. Diego siêu phàm chỉ đơn thuần chạy về phía trái bóng - cũng là ngay trước bức tường người che chắn khung thành của Bỉ.

Và thậm chí dù quả thực có rê bóng, Maradona cũng không hề tạo ra điệu vũ tango biến ảo nào để vượt qua họ. Điều ông đã làm là bấm bóng bổng qua đầu hàng rào để tạo cơ hội cho Luc Milecamps. Phải, Maradona không tuyệt đến thế trong ngày hôm ấy. Bỉ đã chiến thắng 1-0 chung cuộc, còn bức ảnh kia tạo ra một cảm giác rằng đội bóng châu Âu đã phải nhận thất bại cay đắng nào đó.

Câu hỏi đặt ra là, việc bức ảnh tạo ra một cảm giác trái ngược với sự thật có quan trọng gì không? Có lẽ là không. Bản chất của nhiếp ảnh là lưu trữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, và cũng không cần nghĩ tới chuyện gì xảy ra trước và sau khoảnh khắc ấy. Ai cũng hiểu rằng, chúng ta sẽ có lúc quên đi những gì đã diễn ra và đành lập luận từ chính khoảnh khắc trong bức ảnh, tự viết nên một câu chuyện trong đầu. Để người xem ảnh viết nên được một câu chuyện hùng tráng về pha đi bóng siêu phàm của chàng Diego siêu... lùn, qua 6 con "quỷ đỏ", bản thân bức ảnh ấy phải có một sức mạnh kỳ ảo.

Powell đã cướp đi sự thật bằng bức ảnh. Với người xem, họ chẳng còn cách nào khác ngoài tin rằng, trận đấu ấy, đã có thời điểm mà Maradona ung dung trước một đám áo đỏ run rẩy.

Powell đồng ý: "Dĩ nhiên vấn đề không nằm ở chất liệu, không nằm ở nghệ thuật, không nằm ở chính trận đấu đó, mà nó vượt trên tất cả. Đó là thông điệp. Thông điệp lồng trong tấm ảnh về sức mạnh của Maradona, về nỗi sợ hãi ông gieo rắc lên mọi hàng thủ. Đó là thông điệp về người đàn ông này và những gì đối thủ cảm thấy về ông."

Và trở về cội gốc, nghệ thuật nhiếp ảnh luôn là vấn đề về thông điệp truyền tải.

N.T.H
Theo Guardian

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm