Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng

18/08/2023 15:08 GMT+7 | GenZ

Việc "bịa" CV xin việc có thể khiến bạn mất uy tín, nhất là khi nhà tuyển dụng phát hiện. Tuy nhiên, nếu biết "chém gió" thật khéo léo thì mọi chuyện sẽ khác.

CV xin việc là công cụ để quảng bá hình ảnh bản thân tới các nhà tuyển dụng. Đôi khi bạn cũng sẽ sử dụng một chút mánh khóe để tăng giá trị, hình ảnh của mình. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng những mánh khóe này sẽ mang lại một ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 1.

Ứng viên luôn muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. (Ảnh minh họa: Terra)

"Bịa" từ mục tiêu nghề nghiệp đến kỹ năng và bằng cấp

Lan Hương (22 tuổi), tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc trình bày một chiếc CV khi chưa có nhiều trải nghiệm công việc. “Bản thân tôi chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm những công việc liên quan đến ngành học. Điều này khiến tôi lo lắng về khả năng xin việc sắp tới khi CV quá ‘mỏng’”, Lan Hương chia sẻ.

Chính vì thế, để thể hiện được thế mạnh của mình, chứng minh bản thân thực sự phù hợp với vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần, Hương tự tạo ra cho mình một chiếc CV có phần thông tin “đậm” hơn so với thực tế.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 2.

Tự tạo những bản CV khác xa so với thực tế. (Ảnh minh họa: HRchannels)

Ngoài một số thông tin về cá nhân như họ và tên, năm sinh, học vấn là thật, những thông tin còn lại trong CV của cô đều được tự thêu dệt, "làm màu" thật lung linh. Trong CV, Hương tự nhận kỹ năng Tin học văn phòng đạt 4/5 điểm. Tuy nhiên, thực tế, cô thú nhận kỹ năng này của bản thân gần như bằng 0.

Hương nói dối cô đạt 7.0 IELTS, thế nhưng thực tế cô nàng chỉ thi được 5.5 IELTS. Lý do khiến cô dám viết bừa trong CV vì cô nghĩ không có nhiều nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra lại chứng chỉ IELTS đã hết hạn của ứng viên.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 3.

Gây ấn tượng bằng loạt kinh nghiệm, thành tích. (Ảnh minh họa: Linh Nhi)

Trong mục "Kinh nghiệm làm việc", Hương liệt kê kinh nghiệm làm việc tại 4-5 vị trí khác nhau. Thời gian làm việc kéo dài khoảng 6 tháng - hơn 1 năm cho mỗi công việc nhưng thực tế cô đi làm được 1-2 tháng, lâu nhất là 4 tháng rồi bỏ giữa chừng.

Khác với Hương, Thu Uyên (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không đồng tình với quan điểm “thổi phồng” bản thân để lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng.

Uyên nhận thấy, CV là điểm chạm đầu tiên với nhà tuyển dụng, quyết định được ấn tượng tốt hay xấu. Vì vậy, cần thể hiện nó một cách chỉn chu về mặt hình thức cũng như nội dung.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 4.

CV là điểm chạm đầu tiên với nhà tuyển dụng. (Ảnh minh họa: CafeF)

Uyên chia sẻ: “Thời gian gần đây khi vấn đề fake CV được quan tâm nhiều hơn, tôi cũng bắt đầu để ý đến việc hoàn thiện chiếc CV của mình. Trước đây, tôi cho rằng việc học thật tốt trên trường là đủ, nhưng với sự cạnh tranh như hiện tại, những người có kinh nghiệm đương nhiên sẽ có ưu thế hơn nhiều”.

Việc cố tình “thổi phồng” CV cũng là một phần thể hiện việc bạn thiếu tự tin vào chính năng lực của mình. Kể cả trong trường hợp may mắn các được nhà tuyển dụng “nhắm mắt làm ngơ”, nếu không có năng lực thật sự thì sau một thời gian cũng sẽ bị đào thải vì không chịu được áp lực của vị trí đó.

Thu Uyên khẳng định, cô luôn lấy thực lực làm nền tảng phát triển bản thân và cho rằng đây mới là giá trị cốt lõi.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 5.

Lấy thực lực làm nền tảng phát triển bản thân. (Ảnh minh họa: 10ffice)

Đừng bao giờ đánh giá thấp nhà tuyển dụng

Theo một nghiên cứu được thực hiện với quy mô 1.000 người vào năm 2022, có đến 36% người tham gia trả lời rằng họ đã nói dối trong CV của mình và 93% trong số đó có người quen chọn cách bịa thông tin trong hồ sơ xin việc. Phần có nhiều người thêm thắt thông tin giả nhất là kinh nghiệm làm việc, sau đó là mục kỹ năng và mô tả công việc.

Một khảo sát khác vào năm 2020 được thực hiện với 400 nhà tuyển dụng và 400 ứng viên. Kết quả là 78% ứng viên thú nhận rằng họ không hoàn toàn thành thật với những gì được viết trong resume. Phần được bịa nhiều nhất là kỹ năng mà họ thực ra rất ít khi dùng đến hoặc thời gian làm việc tại một công ty lâu hơn thực tế.

Trong mắt vài người, một lời nói dối vô hại thì chẳng có gì tổn hại. Thậm chí không ít người còn tự hào và ngang nhiên khoe khoang vì tìm được việc nhờ vào những lời bịa đặt trong CV. Nhưng việc đưa ra thông tin không chính xác trong CV sẽ mang lại những hậu quả khó lường cho bạn.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 6.

Chán nản khi không theo kịp nhịp độ công việc. (Ảnh minh họa: Nhịp Sống Việt)

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chị Hà Liên - chuyên viên tuyển dụng tại một công ty trong lĩnh vực truyền thông khẳng định, người trong ngành sẽ rất hiếm mắc sai lầm khi lựa chọn ứng viên.

"Có lẽ bạn này đã nhầm rồi, CV chỉ đánh giá được khoảng 20% - 30% năng lực của bạn ứng viên đó thôi. Tiếp theo khi đến vòng phỏng vấn thì cũng đánh giá được thêm 20% - 30% nữa. Nếu quá thì được 50% - 60%.

Nói sâu hơn một chút, như công ty của mình thì ứng viên còn có bài test và thêm thời gian thử việc để đánh giá sát hơn năng lực của ứng viên. Ngay trong buổi phỏng vấn trực tiếp, mình cũng có thể nhìn ra năng lực, mức độ phù hợp với vị trí hay văn hóa doanh nghiệp hay không".

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 7.

Tại nhiều công ty, yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra năng. (Ảnh minh họa: Adobe Stock).

Chị Thuận Đinh, trưởng ban tuyển dụng công ty truyền thông, cũng nêu rõ, với những HR có kinh nghiệm, ngồi phỏng vấn, hỏi vài câu tình huống, hỏi cụ thể chi tiết về kế hoạch và các công việc bạn đã làm, là biết bạn có phải người nói dối hay không? Hay việc người tham chiếu, chỉ cần gọi trực tiếp tới các công ty hay qua vòng quan hệ của nhân sự là đã có thông tin chính xác rồi.

Càng hạn chế bịa CV, càng có cơ hội tìm được doanh nghiệp ưng ý

Vấn đề mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng với ứng viên được thể hiện bằng hợp đồng lao động. Đó được coi là cơ hội hợp tác mà cả người đi làm và phía doanh nghiệp cùng có lợi, cùng phát triển. Hơn thế nữa, giờ đây gần như không còn "đơn xin việc" đã chuyển dần sang "thư ứng tuyển" và "thư hợp tác làm việc".

"Do đó, càng chân thành bao nhiêu thì càng gây được thiện cảm bấy nhiêu, các bạn càng hạn chế 'thổi phồng' CV thì càng có cơ hội tìm kiếm được doanh nghiệp ưng ý. Doanh nghiệp sẵn sàng sàng đào tạo các năng lực còn thiếu và yếu của các bạn. Tôn chỉ của các doanh nghiệp là không tìm kiếm người giỏi mà tìm kiếm người phù hợp với văn hoá của tổ chức đó là thái độ chân thành cởi mở chia thông tin và cùng nhau xác lập mức độ phù hợp", chị Vân Anh - chuyên gia Quản trị Nhân sự hệ thống cho hay.

Đi làm 4 tháng nhưng CV ghi 1 năm, người trẻ "thổi phồng" bản thân qua mắt nhà tuyển dụng - Ảnh 8.

Trung thực chính là nguyên tắc quan trọng hàng đầu giúp bạn thành công trong buổi phỏng vấn. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nói dối trong CV, không phải bạn trẻ nào cũng dám thú nhận, nhưng chắc hẳn không ít người đã thêm thắt không nhiều thì ít vào hồ sơ xin việc của mình. Nhưng hãy nhớ rằng “lời nói dối vô hại” này có thể có ảnh hưởng rất xấu tới uy tín và cơ hội phát triển trong tương lai của bạn.

Do đó, hãy thật sự tập trung phát triển bản thân và thành thật trong CV để có được một sự nghiệp vững chắc nhé.

Lệ Phương

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm