Sông Đồng Nai “oằn mình” gánh ô nhiễm

05/08/2011 10:58 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sông Đồng Nai đang bị “bức tử” là vấn đề dư luận lo ngại từ lâu. Các khu công nghiệp, các bè cá trên sông, rác thải từ sinh hoạt, sản xuất của cư dân hai bên bờ… vẫn hàng ngày xả thải vào lòng sông. Nay dòng sông này lại gánh thêm mối lo mới là dự án nghĩa trang lớn được triển khai ngay ở thượng nguồn.

Chúng tôi có mặt tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cách TP.HCM khoảng 50 km, dự án An Viên Vĩnh Hằng đang được chủ đầu tư san lấp các ngọn đồi với nhiều loại xe cơ giới rầm rộ đào xúc. Theo chủ đầu tư, nghĩa trang có quy mô chôn gần 100 nghìn mộ táng và chỉ cách sông Đồng Nai 100 mét.

Mối lo mới

Có thể thấy, địa điểm xây dựng nghĩa trang phong thủy hữu tình, với địa hình đồi thấp, trước mặt là sông Đồng Nai chảy uốn lượn sát chân đồi. Phần lớn diện tích nằm trong diện thu hồi của dự án là đất nông nghiệp trồng cây ăn trái và đất đồi trồng keo.

Dự án có diện tích 116 ha với tổng số vốn trên 500 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ hoạt động. Hiện nay vẫn còn 17 hộ dân nằm trong diện di dời vẫn chưa đi vì không thống nhất giá bồi thường. Ông Hà Anh Bảo, một hộ dân cho biết: “Tôi lo nhất là cuộc sống của chúng tôi như thế nào khi không còn đất sản xuất. Với mức áp giá đền bù thấp như hiện tại, nhà tôi với 10 nhân khẩu khó có cuộc sống ổn định như trước đây”.

Ông Hà Anh Bảo: “Không có đất sản xuất tôi không biết phải lo cho gia đình như thế nào”

Khảo sát thực tế bờ sông Đồng Nai ngay mặt tiền nghĩa trang, như người dân phản ánh, bờ sông vẫn liên tục sạt lở, nơi sâu nhất hiện chỉ cách tỉnh lộ 768 khoảng 20 mét. Nơi đặt văn phòng Ban Quản lý dự án cũng chỉ cách mép sông không quá 30 mét. Đây là khúc sông cua tay áo, nhiều người dân ở đây dự báo chỉ vài mùa mưa nữa nếu không được kè thì tỉnh lộ 768 sẽ bị cuốn trôi.

Vị trí xây dựng nghĩa trang này nằm trên đầu nguồn, chỉ cách trạm lấy nước thô của Nhà máy nước Thiện Tân khoảng 6 km. Nhà máy nước này có công suất 100 nghìn m3/ngày, hiện đang cung cấp nước cho TP Biên Hòa. Vị trí nghĩa trang cũng chỉ cách điểm lấy nước của Nhà máy nước Thủ Đức khoảng 10 km. Nhà máy có công suất trên 1,3 triệu m3/ngày đêm, hiện cung cấp nước cho hàng triệu người dân TP.HCM.

Nhiều ý kiến lo ngại việc ô nhiễm môi trường nếu như xảy ra tình trạng rò rỉ nước từ mộ táng phân hủy thẩm thấu ra sông. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cho rằng: “Qua thời gian dài sẽ có nước rỉ phát sinh từ quá trình phân hủy của các ngôi mộ, nên có khả năng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống người dân... Đối với việc sử dụng bê tông xây mộ và lót lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, thì chủ đầu tư cam kết “ô nhiễm nguồn nước dưới đất từ các khu mộ được hạn chế đến mức tối đa”.

Dự án An Viên Vĩnh Hằng đang thi công

Thực tế báo động

Như TT&VH đã thông tin trước đây, Báo cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường của Tổng cục Môi trường cho thấy, sức ép lên môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang ngày càng lớn do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông.

Hiện trạng nước mặt sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm do các hoạt động của các ngành công nghiệp và tập trung chủ yếu các đoạn sông chảy qua các tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nơi tập trung nhiều KCN và đô thị. Các chỉ số NNH4, BOD5, COD... đều vượt quy chuẩn Việt Nam và xấp xỉ ngưỡng B1.

Trên toàn lưu vực sông Đồng Nai có đến 103 KCN, hàng chục cụm công nghiệp và khoảng 20 triệu người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, phòng PC49 - công an tỉnh Đồng Nai đã bắt và xử lý 30 vụ, trong đó có những vụ đổ trộm chất thải ra môi trường với số lượng lớn. Như vậy, rõ ràng nguồn nước sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm từng ngày và chứa đựng trong nó nguy cơ về nhiều loại bệnh tật.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm