Dựng lại "chân dung" của hát xoan

12/02/2012 10:05 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - (LTS): Từ góc nhìn của một người đã có hàng chục năm gắn bó với hát xoan, tiếp theo bài “Mơ về một cuộc hát xoan đủ đầy” (TT&VH, 1/2/2012), nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (Phú Thọ) tiếp tục bày tỏ những trăn trở của ông về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản này. Ông cho rằng phải phân biệt giữa phục hồi vốn cổ để bảo tồn với việc khai thác làm theo yêu cầu mới; phải phân biệt cắm mốc các làng xoan gốc với việc nhân rộng của phong trào văn nghệ.

>> Chuyên đề: Hát Xoan trở thành di sản phi vật thể của thế giới

Xin trân trọng giới thiệu các quan điểm của ông (Đầu bài do TT&VH đặt).

Trước hết, theo tôi, việc đưa các bà già và em nhỏ lên sân khấu trình diễn, là không chuẩn với hát xoan - loại hình hát giao duyên của lứa tuổi trẻ trong mùa Xuân, mà xưa đã có quy định nữ 16-17, nam 19-20 tuổi. Trang phục không đúng với trang phục của đào kép xoan hồi đầu thế kỷ 20 theo phong tục cổ truyền.

1. Chúng tôi có cái may mắn là từ hơn 40 năm trước đã được tiếp xúc với các cụ trùm xoan khai thác tư liệu, như cụ Trùm Chế ở An Thái tuổi đã ngoài 70. Mà cũng phải lứa tuổi đó thì trước cách mạng 1945 các cụ mới làm trùm được. Nay xin cung cấp để tham khảo.

Trùm xoan là người giỏi về bài bản và mọi công việc của hát xoan, có đức độ, tuổi từ 40 trở lên được dân làng tín nhiệm cử ra quản lý phường xoan. Các cụ cho biết, mỗi phường xoan có 12 nữ biểu diễn và dăm người dự bị, tuổi 16-17 gọi là đào. Nam gọi là kép, có 6 người biểu diễn và vài ba người dự bị tuổi 19-20 xê dịch. Mỗi phường còn có 2 kép con là 2 nam thiếu niên để chuyên hát hai đoạn giáo trống và giáo pháo sau khi ông trùm hát chào vua, mở đầu cho chương trình biểu diễn.

Khi biểu diễn thì đào, trong mặc áo cánh trắng ngoài mặc áo dài tứ thân màu nâu tươi, váy đen, thắt lưng ngoài áo màu tím hoa cà, chân đi đất hoặc dép quai ngang bằng da trâu, đầu vấn khăn điều bỏ đuôi gà. Cô nào tóc ngắn thì phải nối thêm tóc để có đuôi gà cho đẹp.

Kép thì mặc áo cánh trắng, quần nâu, thắt lưng ngoài áo màu xanh thiên lý, chân đi đất, đầu chít khăn thủ rìu màu đỏ. Những quy định này là thống nhất cả 4 phường xoan Kim Đơi, Thét, Phù Đức và An Thái, mà các cụ trùm trước cách mạng 1945 áp dụng rất chặt chẽ.

Từ năm 1946 đến 1954 kháng chiến chống Pháp dừng hẳn hát xoan. Sau năm 1954 các cán bộ văn nghệ Ty Văn hoá Phú Thọ khai thác chất liệu của hát xoan để sáng tác bài hát hoặc dựng ca cảnh. Đến năm 1985 Ty Văn hoá Vĩnh Phú (tỉnh hợp nhất Phú Thọ + Vĩnh Phúc) mới cử cán bộ văn nghệ về xã Kim Đức thành lập đội hát xoan phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương. Thời gian đó các cụ trùm cũ đã quy tiên cả, thiếu người hiểu biết về xoan hướng dẫn, vả lại cũng không ai nghĩ phải làm theo đúng lệ cổ, mà cứ cách tân theo hướng của văn công cho thuận tiện kịp thời.

2. Ngày nay chúng ta mới đặt ra nhiệm vụ phục hồi và bảo vệ di sản cổ truyền. Do vậy phải tìm về cội nguồn, cố gắng dựng lại bức chân dung của hát xoan ở đầu thế kỷ 20, thời điểm còn đậm nét dấu ấn tổ tiên; chứ không thể lấy hình tượng đã được văn công hoá vài chục năm nay.

“Hát xoan chỉ tồn tại ở 4 phường chuyên nghiệp, nay đem đưa sang các làng khác ý muốn nói là Phú Thọ có phong trào hát xoan thì cần phải cân nhắc. Ta có thể ví hát xoan như bưởi Chi Đám, là một thứ đặc sản địa phương, quý hiếm. Cách “nhân rộng” khiên cưỡng này chắc chắn không tồn tại được lâu dài, vì hát xoan không dễ gì học được. Nó là một chương trình tổng hợp giữa hát và múa, giữa giao duyên nam nữ và ma thuật tín ngưỡng của người Việt cổ, môi trường trình diễn là cửa đình đều trên một cái nền là hội làng, chỉ trong mùa Xuân. Tách khỏi các điều kiện đó là lạc lõng khó mà hiệu quả” (nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên).

Chúng tôi nghĩ hai tiêu chí lứa tuổi và trang phục là đặc trưng nhất về hình thức của phường xoan. Đây cũng là chỗ khác căn bản với hình thức của quan họ Bắc Ninh. Riêng trang phục nữ với áo dài tứ thân màu nâu tươi, thắt lưng ngoài áo màu tím hoa cà, váy đen, vấn khăn điều bỏ đuôi gà là rất đẹp, điển hình về y phục cổ dân tộc. Nam mặc quần nâu chít khăn thủ rìu cũng vậy.

Nếu cứ như lứa tuổi và trang phục của đội hát xoan mà truyền hình vẫn phát thì khác nguyên gốc quá nhiều: nam mặc áo và quần trắng thắt lưng đỏ ngoài áo, đầu buộc dải khăn đỏ ngang trán; nữ mặc quần, áo dài nâu tây tân thời cổ đứng, không có thắt lưng, đầu chít khăn vuông mỏ quạ, trông rất lạ.

3. Chúng ta cần mạnh dạn sửa để đúng với nguyên bản của hát xoan, bỏ đi những lai tạp và các thứ không cần thiết. Sửa cho đúng với độ tuổi đào kép, trang phục mà các trùm xoan chính cống trước năm 1945 đã truyền đạt, để dàn dựng trình diễn theo thể thức đầy đủ của hát xoan.

Nội dung nghệ thuật của hát xoan cũng phải được bình luận kỹ càng hơn, rằng nó được tổ chức chặt chẽ, có bản sắc dân tộc, có trình độ nghệ thuật dân gian điêu luyện, có kết cấu tiết mục đa dạng, dài hơi, độc đáo, có tính riêng biệt không thể lẫn với bất cứ sản phẩm văn hoá của một nơi nào khác.

Vũ Kim Biên (nhà nghiên cứu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm