Đạo diễn Ngô Quang Hải: Làm phim là phải đánh đổi

18/07/2012 13:54 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - 7 năm sau giải thưởng Cánh diều vàng năm 2005 dành cho bộ phim đầu tay: Chuyện của Pao, Ngô Quang Hải – người từng được kỳ vọng sẽ là đại diện thế hệ đạo diễn mới của điện ảnh Việt – dường như chỉ được dư luận biết tới qua những scandal liên quan chuyện tình cảm. Mới đây, anh đánh dấu sự trở lại bằng một dự án phim sau nhiều năm nằm trên giấy: Mùa hè lạnh.

Nhắc tới Ngô Quang Hải, có lẽ cũng phải kể tới những vai diễn điện ảnh được biết đến của anh trong: Người mỹ trầm lặng, Mùa hè chiều thẳng đứng, Cỏ lau… Tuy nhiên, có lẽ “duyên nghiệp” đạo diễn của Hải khá trắc trở khi Chuyện của Pao dù đoạt Cánh diều vàng, dù từng chu du khá nhiều LHP quốc tế thì vẫn ít được công chúng trong nước biết đến. Bộ phim truyền hình Chít&Pi mà Hải dành nhiều tâm sức cũng mất mấy năm sau khi hoàn thành để được lên sóng.

Trên trường quay Mùa hè lạnh, giữa giờ ăn tối, Ngô Quang Hải dành cho TT&VH cuộc trò chuyện:


* Ấn tượng tốt đẹp về Chuyện của Pao khi giành Cánh diều vàng 2005 có là áp lực với anh khi bắt tay làm Mùa hè lạnh?

- Với tôi, bộ phim nào cũng là đầu tay. Ấn tượng với Chuyện của Pao là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cuộc sống mỗi người đều có thăng hoa riêng với mỗi cá nhân hay sự phát triển của toàn xã hội. Chuyện của Pao dù đã để lại dấu ấn tốt thì đó cũng là quá khứ. Với Mùa hè lạnh, tôi dồn toàn tâm sức, trí lực của bản thân cũng như truyền ngọn lửa đó cho ê – kíp thông qua quá trình làm việc một cách chuyên nghiêp cẩn trọng cũng như tính toán hợp lý. Có thể nói, đến giờ, tôi không bị một áp lực nào cả.

* Mùa hè lạnh được anh đặt ở đâu trong lằn ranh mong manh giữa phim nghệ thuật và thị trường?

- Chuyện của Pao ghi dấu mốc lúc đó có một đạo diễn tên Hải xuất hiện. Đó là một công việc nhỏ trong bao công việc xã hội. Còn cái ranh giới như bạn nói, tôi cho rằng, Mùa hè lạnh sẽ không nằm ở trong đó.

Tôi quan niệm, điện ảnh chỉ có phim hay và không hay, bất kể là nghệ thuật hay thị trường. Vừa qua đã có những phim rất hay hài hòa cả hai yếu tố thị trường và nghệ thuật, ví như Slumdog Millionaire, No country for old men… Dù trong sáng hay khốc liệt, dịu dàng hay dữ dội thì phim nghệ thuật cũng chia nhiều cấp độ. Đó có thể là loại nghệ thuật đại chúng có thể hiểu được hoặc nghệ thuật chỉ một số người hiểu được.

Nhà làm phim nên có cái nhìn đại chúng, trung dung để nhóm khán giả “cao cấp” hoặc “bình dân” đều có thể hiểu được. Chuyện của Pao là câu chuyện đơn giản không quá đánh đố người xem; xem xong nó để lại một dư vị đăng đắng, ngòn ngọt nào đó, như uống trà vậy. Nhưng Mùa hè lạnh chắc chắn sẽ có mầu sắc khác, đôi khi nó rực lên hoặc trầm lắng.

* Mất 5 năm để ấp ủ Mùa hè lạnh, chắc hẳn đó phải là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thưa anh?

- 5 năm, một năm, hay một ngày, thậm chí một phút chỉ là khoảng thời gian. Tôi thì lại cho rằng, tư duy có chín hay không mới là quan trọng. Mà có khi chỉ vài giây thôi cũng đủ để tư duy người ta chín rồi.

Mùa hè lạnh là câu chuyện về bước chân đầu đời của người thanh niên. Anh ta sẽ đưa khán giả trải nghiệm những sự khác biệt về văn hóa, về nóng/ lạnh...

* Trong thời điểm hiện tại của điện ảnh Việt, một công thức được xem là “ăn khách” sẽ gồm hài hước pha chút đồng tính và vài cảnh nude… Qua chia sẻ của anh về Mùa hè lạnh thì dường như tôi chưa nhìn thấy ở đó yếu tố “câu khách”?

- Mỗi bộ phim có số phận riêng, “ăn khách” với đối tượng khán giả của riêng nó. “Ăn khách” theo tôi quan niệm là “tuổi thọ” của phim có lâu không hay chỉ chiếu 1-2 tháng rồi thôi. Khi đó người ta có thể cười tươi với thắng lợi trước mắt nhưng có thể phải ngượng ngùng vì những việc chưa làm được hoặc hời hợt. Làm phim buộc người ta phải đánh đổi, nếu chỉ nhìn trước mắt thì không thể vượt qua được.

Tôi sẽ không áp dụng bất cứ công thức trong bộ phim của mình. Đơn giản vì những gì người khác làm rồi, tôi sẽ không lặp lại. Tại sao mình không tạo ra một con đường mới? Nếu điện ảnh có công thức chuẩn thì cả thế giới đã làm phim hay rồi. Tôi cho rằng mỗi đạo diễn là nhà triết học dùng điện ảnh để nói lên quan điểm của mình.

Đây là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Câu chuyện có thật thì luôn sống động, dù nó có một phần hư cấu.

* Đoàn phim vừa ra mắt đã có lùm xùm về việc dù không casting, Lý Nhã Kỳ vẫn được giao vai chính. Mời Đại sứ Du lịch đóng phim có phải là một chiêu PR tiếp theo của đạo diễn Ngô Quang Hải?

- Tôi đã đến Cần Thơ, Hậu Giang, và cả miền Trung để chọn những vai diễn hợp với phim của mình. Nhưng sau khi casting 1.000 người tôi mới nhận ra tại sao không trở lại với hình mẫu ban đầu? Với các diễn viên đang hot hiện nay như Midu, tôi đánh giá khá cao vì cô ấy không ngại ngần thử vai diễn với những cảnh sơ khai.

Riêng Lý Nhã Kỳ, tôi mới chỉ gặp ba lần cho đến khi mời cô ấy vào vai Hoa trong bộ phim Mùa hè lạnh. Trước khi đoàn phim ra mắt chỉ hai tuần, trong lúc rà soát lại những nhân vật mình chưa tuyển được, tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Bỗng dưng một ngày đẹp trời, tôi nhớ tới Lý Nhã Kỳ. 25 năm trong nghề, từng làm diễn viên, tôi khá nhạy cảm trong việc nhìn diễn viên có làm được không.

Sau cuộc hẹn gặp Lý Nhã Kỳ kéo dài hai tiếng đồng hồ tại cửa hiệu kim cương của cô ấy, tôi nói với trợ lý, đó chính là nhân vật Hoa mà chúng tôi vẫn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, Lý Nhã Kỳ vẫn chưa trả lời vì cô ấy bận đi công tác nước ngoài. Tôi đã đợi cô ấy về và gặp lần thứ hai. Tôi nói cô ấy rằng: Tôi biết cô ấy bận và tôi cũng đang bận. Một số ngày trong cuộc đời cô ấy có thể không quan trọng, nhưng với tôi, bộ phim này là quan trọng. Vì thế, cô ấy phải trả lời tôi việc có thể thu xếp không? Có được sự đồng ý của Lý Nhã Kỳ, tôi vô cùng hài lòng. Đến giờ, cô ấy đã qua một số cảnh quay và tôi thấy yên tâm với vai diễn này.

* Lý Nhã Kỳ đã đóng nhiều phim truyền hình, nhưng có thể anh khá mạo hiểm khi giao cho cô ấy vai chính trong bộ phim truyện nhựa?

- Tôi thấy thích thú với sự lựa chọn của mình. Có mạo hiểm hay không, mọi người hãy coi phim mới nói được. Hãy đánh giá diễn xuất của cô ấy qua một bộ phim thực tế. Nếu nói là mạo hiểm thì có lẽ tôi mạo hiểm hơn cả khi giao vai chính cho Hà Việt Dũng vì cậu ấy chưa đóng một bộ phim nào.

Hoàng Lê(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm