Đạo diễn Đào Thanh Hưng: 'Tiếng hát' chim hoang dã

19/12/2016 12:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, Đào Thanh Hưng rất ít khi xuất hiện trên báo chí. Tới đầu tháng 11/2016, hay tin dự án Tiếng hát sau những chấn song (Singing from behind the bars) của anh nhận giải nhất ở hạng mục Dự án châu Á xuất sắc tại Chợ dự án phim tài liệu Docs Port Incheon 2016 ở Incheon (Hàn Quốc), Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh.

Đào Thanh Hưng từng là đạo diễn của nhiều chương trình truyền hình, làm nhiều phim sitcom cho giới trẻ, từng công tác trong các đài truyền hình... Giờ anh đã là người làm việc tự do.

* Không hiểu vì lý do gì khiến anh rẽ ngang sang đề tài động vật hoang dã, ở Việt Nam ít người dám theo đuổi đề tài này lắm?

-  Năm 2009 tôi đã từng làm phóng sự về đề tài này cho truyền hình Việt Nam. Đề tài đó tôi vẫn có cảm giác chưa sâu. Tới giờ, khi kinh nghiệm nhiều hơn, nhãn quan cuộc sống thay đổi, tôi muốn tiếp tục đào sâu đề tài này.

Tham gia Docs Port Incheon 2016, tôi có đăng ký một số đề tài và giám khảo đã chọn Tiếng hát sau những chấn song, họ bỏ phiếu gần như tuyệt đối cho dự án. Bộ phim này sẽ nói về chim hoang dã, về những con người rất yêu chim, am hiểu về chim, muốn sở hữu một phần "thiên nhiên".


Đạo diễn với nhà sản xuất của dự án phim "Tiếng hót sau những chấn song" và ông phó chủ tịch Discovery châu Á

* Không khí cạnh tranh ở chợ dự án tại Hàn Quốc thế nào?

- Rất căng thẳng vì họ chuyên nghiệp lắm. Khi họ đã chọn mình, mời mình sang Hàn Quốc họ sẽ duyệt đề tài rất kĩ, họ dành cho các đội những chuyên gia để giúp sửa kịch bản. Họ yêu cầu phải thực hành các kĩ năng thuyết trình dự án. Bởi chợ dự án mời các chuyên gia quốc tế, nên họ muốn mọi thứ phải hoàn hảo.

Thực sự là mất rất nhiều thời gian. Những "cú tát" phản biện về kịch bản của các chuyên gia đôi lúc khiến mình nóng mặt, nhưng sau đó giúp ích rất nhiều.

Giải thưởng ở chợ dự án chỉ là một phần thôi, quan trọng là thu hút được nhà đầu tư thì phim sẽ có kinh phí cho sản xuất.

* Đã có nhà đầu tư nào để mắt tới dự án của anh chưa?

- Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác ký kết với nhà đầu tư Phần Lan, Australia. Một kênh truyền hình Australia đã đồng ý phát sóng dù phim chưa xong. Đã có Studio cam kết sẽ đầu tư phần hậu kì ở nước ngoài.

* Phim của anh hướng đến các liên hoan phim quốc tế hay các Đài truyền hình?

- Tôi hướng đến các kênh truyền hình quốc tế như National Georaphic, Discovery... Các dự án phim tài liệu ở Việt Nam gần như không tìm được nguồn đầu tư. Các Đài đều muốn làm nhưng họ bị giới hạn tiền nên không thể trông chờ vào họ. Chỉ có cách tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Sau nhiều lần làm việc với Discovery giờ tôi cũng đã có kinh nghiệm. Cách tổ chức của họ hay lắm, họ không tốn công nuôi cả bộ máy gồm đạo diễn, quay phim... như ở ta. Mà khi có dự án họ sẽ mời những người tốt nhất, phù hợp trên khắp thế giới cộng tác, và họ quản lý theo tiêu chuẩn do họ đề ra. Vì thế dẫu nhiều đạo diễn, nhiều phong cách nhưng vẫn thấy dấu ấn rõ rệt của kênh trong các sản phẩm phát sóng.

* Thách thức lớn nhất của anh khi thực hiện đề tài này?

- Vẫn là làm sao để thuyết phục được nhân vật tham gia. Muốn nhân vật cởi mở, thì nhà làm phim cũng phải tạo được sự tin tưởng cho họ.

* Anh sẽ làm phim tài liệu này theo phong cách nào?

- Từ khi làm kịch bản tôi đã xác định lối kể chuyện theo cấu trúc phim tài liệu hiện đại. Để các nhân vật tự kể câu chuyện của mình. Tôi đã mất nhiều công để tìm nhiều nhân vật cho câu chuyện đa chiều hơn.

Phim sẽ không có lời bình "định hướng" như các phim tài liệu đang phát trên truyền hình. Và tôi thích kịch tính. Kịch tính có thể đến từ nhân vật, đến từ cách kể chuyện của đạo diễn...


Đạo diễn Đào Thanh Hưng và nhà sản xuất Phạm Phương Thảo tại buổi thuyết trình về dự án phim Tiếng hót sau những chấn song tại Hàn Quốc

Cái gì “thuộc về nghệ thuật thì làm theo bản thân”

* Hình như anh cũng là người thích kịch tính trong công việc, bằng chứng là anh liên đổi việc trong nhiều năm qua?

- Chắc tại bệnh nghề nghiệp (cười). Thực ra phần lớn do mình lựa chọn. Tính tôi luôn muốn tìm cái mới, muốn thay đổi môi trường. Tôi nghĩ các nhà làm phim đều như vậy. Tôi cũng thích thử sức với nhiều thể loại để từ đó biết mình hợp cái gì nhất. Môi trường làm việc cũng vậy, tôi cần sự thoải mái, để thoải mái sáng tạo.

* Anh từng làm phim ngắn, từng kinh qua rất nhiều thể loại truyền hình, giờ lại lấn sân địa hạt tài liệu. Tóm lại anh thích thể loại nào nhất?

- Thể loại tôi khao khát nhất, yêu thích nhất thì chưa làm được. Đó là phim truyện điện ảnh. Không phải là tôi chưa có cơ hội, nhưng có lẽ tôi vẫn thận trọng. Tôi vẫn muốn phải đủ "chín" mới làm. Đã làm là phải trọn vẹn.

* Nhưng ít ra cũng nên bắt tay vào làm thì mới rút ra kinh nghiệm chứ?

- Kinh nghiệm thì tôi có, thậm chí có quá nhiều kinh nghiệm sản xuất phim. Nhưng tôi cảm thấy vẫn con chưa đủ kinh nghiệm để làm bộ phim hay.

Tác phẩm hay sẽ vẫn chỉ ở thì tương lai nếu hiện tại ta chưa bắt đầu

- Tôi vẫn nhìn thấy bộ phim đó chứ, tôi vẫn đang bồi đắp cho nó. Tôi vẫn viết, vẫn sửa kịch bản, chừng nào thực sự vừa lòng thì sẽ tiến hành gây quỹ. Tôi vẫn tin mình làm bài bản, công phu thì sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội tốt.

* Bộ phim tương lai theo tiêu chuẩn của anh sẽ như thế nào?

- Mang đậm tính cách cá nhân, là những gì mình thấy đẹp, lạ nhất, mình muốn làm nhất.

* Thế là phim nghệ thuật à?

- Tôi không phân định mình nghệ thuật hay thị trường, tôi chỉ muốn làm một bộ phim, trong đó mình là mình nhất. Tôi rất thích một câu nói của đạo diễn người Nhật: Cái gì thuộc về đạo đức làm theo xã hội, còn thuộc về nghệ thuật thì làm theo bản thân.


Đạo diễn Đào Thanh Hưng thực hiện một dự án phim tài liệu tại Châu Phi

* Nhưng trong một thị trường đầy biến động thế này, anh có sốt ruột không?

- Thi thoảng sốt ruột nhưng kệ vì mình đang sống bằng nghề làm phim. Ngay cả khi mình làm phim tài liệu cho doanh nghiệp, mình cũng có thể đưa vào chút cá nhân, chút kĩ năng làm phim quốc tế mình học hỏi được. Và các ông chủ rất hài lòng.

* Để đi bán được nghệ thuật của mình, thuyết phục được những người có tiền đó là nghệ thuật không dễ phải không anh?

- Quan trọng là phải chuẩn bị chuyên nghiệp, từ kịch bản, storyboard (kịch bản thể hiện bằng hình ảnh vẽ minh hoạ), tới cấu trúc câu chuyện, cách kể chuyện, giúp nhà đầu tư họ hình dung.

Kĩ năng làm việc với các doanh nghiệp giúp tôi rất nhiều khi tham gia các chợ dự án quốc tế, vì ở đó có rất nhiều doanh nhân muốn đầu tư cho nghệ thuật.

Ra ngõ gặp đề tài phim tài liệu

* Tài liệu đâu có phải thể loại dễ được đầu tư, càng khó để kiếm ra tiền, sao anh theo đuổi?

- Vì phim tài liệu rất hay, nó ghi lại những thay đổi cuộc sống. Trong nhiều năm qua, tôi quay nhiều thứ mà tôi biết nó sẽ biến đổi theo thời gian như xây dựng, kiến trúc. Tôi cũng dành một khoản ngân sách để đầu tư hệ thống lưu trữ tư liệu do tôi quay lại hằng ngày.

Ví dụ như dự án nhà ga sân bay Nội Bài kết hợp với bên Nhật tôi quay trong gần 3 năm. Tôi đã lang thang từng ngóc ngách, nhớ cả những con ốc trong nhà ga. Tuần nào cũng lên tháp không lưu ghi hình, được ngắm hoàng hôn, nhìn máy bay lên xuống, thấy cả xác con dơi nằm phơi sương trên mái. Tôi dành thời gian chụp ảnh những gương mặt công nhân Việt Nam, Nhật Bản. Đó có thể là bộ ảnh chân dung lao động Việt – Nhật ấn tượng.

* Rõ ràng Việt Nam đang là một mỏ đề tài cho các nhà làm phim. Bất kì ai có ý thức ghi lại những đổi thay biết đâu sau này sẽ sở hữu một kho vàng?

- Chính là điều các bạn nước ngoài hỏi tôi: Tại sao cậu lắm đề tài thế? Tôi nói đùa: Chúng tớ ra ngõ gặp đề tài.

* Anh có nghĩ chuyển hẳn sang làm phim tài liệu?

- Nhưng tôi lại thấy mình có năng khiếu phim truyện hơn.

* Dường như anh vẫn đang thận trọng quá với ước mơ này. Sự thận trọng đem lại lợi, hại gì?

- Cho đến nay có lẽ sự thận trọng đã tước đi nhiều cơ hội (cười).

Đạo diễn Đào Thanh Hưng tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh (2003), tốt nghiệp khóa học của dự án Phát triển tài năng điện ảnh ở ĐH USC – Nam California (2009). Anh là đạo diễn của nhiều phim ngắn, phim sitcom (Bộ tứ 10A8, Phóng viên vui nhộn...), phim truyền hình. Từng làm việc ở Đài Truyền hình VTC, Kênh truyền hình StyleTV...

Năm 2015, dự án phim tài liệu dài Người mẹ trẻ trên đỉnh Vài Thai do anh đạo diễn được chiếu ở NHK Nhật Bản.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm