Đánh thức một lịch sử Hà Nội còn lẩn khuất trong ký ức

18/10/2023 07:16 GMT+7 | Văn hoá

Tác phẩm Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể của PGS-TS Đinh Trọng Thịnh được trao giải Nhất tại Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ 2 năm 2023, do báo Nông thôn ngày nay/ điện tử Dân Việt tổ chức vào sáng 17/10.

Tác phẩm kể về câu chuyện 2 vợ chồng vị giáo sư vừa nuôi lợn để tăng gia, vừa cố giấu để giữ danh tiếng trong thời kỳ bao cấp. Đó là vào thời điểm những năm 1980, khi đó kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, để có thêm thu nhập, nhiều giảng viên đại học đã nuôi lợn.

Những ký ức đẹp đẽ về tình người

Tác giả Đinh Trọng Thịnh nhớ lại: "Gia đình một giáo sư bạn tôi được phân một căn hộ tập thể ở tầng 4, dù chật chội, nhưng vì cuộc sống, nên vợ chồng cũng dành một góc cạnh nhà vệ sinh để nuôi 1 con lợn. Hàng ngày, cứ đi giảng dạy về là vợ chồng lại dành thời gian đi kiếm rau muống, thân cây chuối, bèo Tây, thức ăn thừa… để cho lợn ăn. Mỗi khi nghĩ lại mà chảy nước mắt, vì nuôi lợn thì không ai cấm cả, nhưng chỗ ở thì chật chội, mà ông giáo sư cứ nghĩ phải giữ danh tiếng, phải giấu bạn bè, sinh viên. Nhưng thanh bạch mà không nuôi lợn thì con cái mình… sạch ruột".

Đánh thức một lịch sử Hà Nội còn lẩn khuất trong ký ức - Ảnh 1.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (giữa) được trao giải Nhất. Ảnh: BTC

Hà Nội thời bao cấp khó khăn là thế, nhưng theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, đây cũng là thời kỳ đầy ắp tình người. "Tình người ấy cũng là điều mà chúng tôi vẫn mong muốn nó được lưu giữ như những nét đẹp của những năm 1970 - 1980. Nhớ lắm một thời người Hà Nội cư xử với nhau bằng cái tình. Nhà cửa khi ấy có khi không khóa. Ở trung tâm phố xá mà không sợ mất trộm. Bởi đã có hàng xóm trông hộ. Bây giờ chắc không còn chuyện đó. Nhưng những ký ức đẹp đẽ về tình người vẫn luôn cần được nâng niu và lưu giữ".

Cũng như ông Thịnh chia sẻ tại lễ trao giải: "Những ký ức được nói ra, được ghi lại không chỉ để lưu giữ kỷ niệm của những năm tháng đã qua. Quan trọng hơn thế, chúng ta lấy ký ức đó để có thể nâng bước mình cũng như nâng bước thế hệ tương lai. Vì thế, khơi dậy ký ức Hà Nội, từ đó lưu giữ những nét đẹp, những điều mà Hà Nội đã trải qua, đã cố gắng, đã phấn đấu và để có được như hôm nay là rất quan trọng".

Kể lại chuyện Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể chính là để thấy một thời, có những người thuộc tầng lớp tri thức cao nhưng vẫn gặp khó khăn. Nhưng ở họ có tinh thần cùng đồng cam cộng khổ với người dân, biết phấn đấu để vừa làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, vừa có ý thức xây dựng kinh tế gia đình tốt hơn. "Chúng tôi mong muốn rằng những tinh thần đó được lưu giữ và phát huy để mỗi người dân ngày một giàu hơn, đất nước ngày một mạnh hơn và xã hội ngày một tiến bộ hơn" - ông Thịnh nói.

Nhiều ký ức về thời bao cấp

Cuộc thi năm nay còn vinh danh nhiều tác phẩm viết về thời bao cấp với những mảnh ký ức khác nhau.

Đó là tác phẩm Một vùng ngoại thành thủ đô ngày ấy, bây giờ của Nguyễn Văn Ất, kể chuyện ngay bên kia cầu Thăng Long, những năm bao cấp còn thấy xa xôi, giờ đây đã phát triển, trong tương lai có thể trở thành một thành phố vệ tinh của Thủ đô.

Hoặc tác phẩm Giao thông thủ đô những năm thập niên 1990 của Trần Hữu Minh mang đến hình dung cụ thể về các phương tiện giao thông từ thời kỳ bao cấp cho đến thời kỳ Đổi mới, cũng như quá trình phát triển của phương tiện giao thông về sau.

Đặc biệt Hà Nội thời bao cấp còn hiện diện với biết bao thân thương qua những ký ức "nhỏ xinh" gắn với những kỷ niệm tuổi thơ sâu đậm. Giản đơn, vụn vặt thôi, nhưng những câu chuyện đó đều tạo nên những mảnh ghép cảm xúc đặc biệt của bức tranh ký ức Hà Nội rộng lớn.

Đánh thức một lịch sử Hà Nội còn lẩn khuất trong ký ức - Ảnh 2.

Sổ bé ngoan của tác giả Lê Hồng Quang từ 1978 trong tác phẩm “Phiếu bé ngoan - một thời và mãi mãi”

Như Phiếu bé ngoan - một thời và mãi mãi của Lê Hồng Quang gợi nhắc về hình ảnh phiếu bé ngoan vào những năm 1970. Đó chỉ là một miếng giấy nhỏ in viền xanh giống cuốn sách đang mở, một bông hoa sen nhiều cánh màu đỏ và chữ "bé ngoan". Đơn giản là vậy, nhưng nó lại là thứ được mong chờ nhất của tuổi thơ mỗi tuần đến trường.

Trong khi đó, Chiếc bảng đen chan chứa tình cảm ở khu tập thể của Huỳnh Thị Ánh Tuyết kể về chiếc bảng đen đặt ở khu vực trung tâm của khu tập thể. Không chỉ đơn thuần để ghi chép mà đi cùng thời gian, nó trở thành nơi chứng kiến biết bao hồi ức của người dân sống ở khu tập thể cũ tại Hà Nội vào những năm 1980.

Những câu chuyện đậm đặc ký ức thời bao cấp này cho thấy những mảnh ghép quá khứ trong tâm trí được các tác giả sử dụng linh hoạt, khéo léo để kể lại câu chuyện của bản thân, gia đình mình, hoặc những người xung quanh. Họ đã sống, gắn bó, vượt qua khó khăn rồi phát triển cùng Thủ đô qua biết bao năm tháng thăng trầm. Ở khía cạnh này, những ký ức quá khứ đã thực sự được kết nối với hiện tại và tương lai của Hà Nội.

Cũng cần nói thêm, những tác phẩm được trao giải của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội năm nay đã có tính lượng hóa cao hơn so với mùa giải đầu tiên năm 2022. Có những bài viết được đầu tư công phu về mặt tư liệu, có những con số được đưa ra xác đáng, thuyết phục.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho rằng: "Yếu tố lượng hóa làm nên câu chuyện ký ức có thể đo đếm được. Để thấy ký ức không chỉ có những cảm xúc thuần túy, hay những lãng đãng, tâm tư về một vài kỷ niệm. Ai cũng có kỷ niệm của riêng mình. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta ghi lại bằng cách nào để những người đời sau coi đó là một tư liệu để có thể tiếp tục tìm hiểu, cũng như tạo cơ sở lớp lang để đưa vào nghiên cứu".

Nói rộng ra, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa (Trưởng ban giám khảo), có một trang sử rất đẹp với những dấu tích còn lẩn khuất trong lòng dân. Chính người dân sẽ cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý giá, để tất cả mọi người hiểu thêm về Hà Nội văn hiến.

11 tác phẩm được trao giải


1 giải Nhất, trị giá 20 triệu đồng: Một thời không quên, giáo sư nuôi lợn ở tầng 4 của khu tập thể của PGS-TS Đinh Trọng Thịnh.


2 giải Nhì, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng: Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm của PGS-TS Hà Đình Đức;Phiếu bé ngoan - một thời và mãi mãi của Lê Hồng Quang.

Ngoài ra còn có 3 giải Ba, và 5 giải Khuyến khích. Ba giải Ba, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng: Món nợ ân tình với bà chủ trọ phố Đê La Thành của Vũ Văn Tặng; Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê ở Bát Tràng của Nguyễn Thị Thu; Thiêng liêng buổi lễ thượng cờ, hạ cờ của Ngô Đức Quang. Năm giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng: Một vùng ngoại thành thủ đô ngày ấy, bây giờ của Nguyễn Văn Ất; Sống ở phố nhà binh của Lữ Thị Mai; Chiếc bảng đen chan chứa tình cảm ở khu tập thể của Huỳnh Thị Ánh Tuyết; Giao thông Thủ đô những năm thập niên 1990 của Trần Hữu Minh; Cô sinh viên xứ Nghệ và những ký ức nặng lòng về thủ đô của Lê Thị Thương Huyền.

Công Bắc

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm