Giải mã ĐT.LA: 3 nghệ nhân & 8 con ong thợ

23/02/2011 11:20 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - B.BD đang lao đao bởi họ có quá nhiều “nghệ nhân” trên sân và ai cũng muốn làm thủ lĩnh?! Nhưng nếu đem đối chiếu với ĐT.LA, lập luận này bị xem là rất hài hước. Thủ phủ Bến Lức và sân Long An, có đến 3 nghệ nhân, không ít thủ lĩnh, nhưng họ vẫn vận hành rất tốt. Quan trọng là sự hài hòa.

Chia để trị

Khi còn cầm ĐT.LA, đã có lần HLV Calisto đôn lên một thủ môn dự bị để đá trám vào vị trí của anh em nhà Antonio Carlos và Carlos Rodriguez! Đó là biện pháp mạnh của ông thầy người Bồ nhằm điều trị những con ngựa bất kham. Tất nhiên, ít ai biết điều này, ngoài người của “Gạch”. Ở ĐT.LA luôn tồn tại thứ “luật mềm” như thế, nhằm tránh cho đội bóng khỏi bị loạn. Vai trò của các ngoại binh quan trọng thật, nhưng bất cứ ai cũng có thể bị xử. Ông Calisto đi thì có ông Hòa (GĐĐH Phạm Phú Hòa – PV).

Vẫn được biết đến như cặp song sát cực kỳ lợi hại, nhưng Antonio và Tshamala lại không hợp nhau trong cả cuộc sống bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ. Những tranh chấp về quyền lợi, hoặc để gây tầm ảnh hưởng giữa 2 người này từng khiến đội bóng lao đao. Ông Hòa đã từng không ít lần chỉ mặt – điểm tên từng người để cảnh cáo. Nhưng phải đợi đến khi tuyển thủ QG Tanzania, Danny David, xuất hiện ở Bến Lức và chứng minh được năng lực, những mâu thuẫn mới tạm gác lại, bởi cả Antonio và Tshamala đều thừa thông minh để hiểu rằng, vị trí của họ có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Antonio (9) là cây săn bàn chủ lực của ĐT.LA từ nhiều mùa bóng vừa qua

Tại V-League 2010 và ngay vào thời điểm này, bộ ba ngoại binh trên tuyến đầu Antonio Carlos, Tshamala Kabanga và Mrwanda Danny David vẫn luôn quyết định đến 90% sự thành bại của ĐT.LA. Thế nên, chỉ một trong số ba người họ bị đau (hoặc dính án kỷ luật), ĐT.LA ngay lập tức phải thay đổi các phương án chiến thuật. Ví như hồi đầu mùa giải, khi Tshamala hồi hương để lo chuyện gia đình, “Gạch” đã khởi đi rất chậm. Những thời điểm mà Antonio dính án kỷ luật nội bộ, ĐT.LA không còn là chính mình... Đó cũng là một thách thức.

Chưa phải cuộc cách mạng

Có ý kiến cho rằng, tân HLV Marco Barbosa đang tiến hành một cuộc cách mạng về lối chơi cho ĐT.LA, nhưng thực tế “Gạch” chưa đạt đến cái đích ấy. Từ trước Marco Barbosa, trước nữa là Marcelo Zuleta hay Ricardo Formosinho và cả Jose Luis…, ĐT.LA đã và luôn vận hành như thế. Cho đến tận bây giờ, “Gạch” vẫn được xem là sản phẩm nguyên bản của Henrique Calisto và tất cả những người đến sau, đều thừa hưởng, bắt chước hoặc học cách thích nghi với những thứ có sẵn ấy. Dấu ấn của những HLV gần đây là khá mờ nhạt.

Trong rất nhiều thời điểm, ĐT.LA luôn sở hữu những ngoại binh có tốc độ xuất phát kinh hoàng như những “mũi tên đen”. ĐT.LA đang vận hành với sơ đồ 5 – 3 – 2 (và có thể chuyển rất nhanh sang 3 – 5 – 2 hoặc 4 – 3 – 3) bằng việc để Antonio chơi tự do. Nhưng ngay cả 8 vị trí nội binh còn lại (bao gồm cả thủ môn), công việc của họ chỉ là nhồi bóng cho 3 cái tên vừa nhắc ở trên và hết! Rất đơn giản và hiệu quả. Đấy phải là lối chơi lập trình kiểu của Calisto. Nó được mài giũa và tiến đến sự ổn định, qua từng ngày, từng tháng, từng năm.

Công thức “3 nghệ nhân & 8 con ong thợ” (không một ai hiện còn đứng trong hàng ngũ ĐTQG) là rất thực tế với CLB VN (ngoại trừ các đội bóng có Tây nhập tịch), nhưng học và làm được như ĐT.LA không là chuyện đơn giản. ĐT.LA không được biết đến như một đại gia, lắm tiền nhiều của và sẵn sàng rải tiền để đón sao, nhưng tính ổn định là điều họ có thừa. Tại sao họ vẫn giữ chân được những ngoại binh giỏi như Antonio (từ 8 năm qua), Tshamala (hơn 5 năm qua) hay Danny David?! Đấy cũng là điều nên học.

CCKM

• Với 8 bàn thắng của Antonio (tỷ lệ bị xem là thấp nhất/mùa giải của Antonio tại V-League), 12 bàn cho Danny David và 12 còn lại thuộc về Tshamala, chỉ riêng bộ ba cầu thủ này đã ghi tổng cộng 32/43 bàn thắng cho ĐT.LA ở V-League 2010, giúp “Gạch” cán đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc.

• Từ V-League 2004, Antonio Carlos trở lại ĐT.LA (sau một mùa cho TMN.CSG (tiền thân của CLB TP.HCM bây giờ) mượn đá giải hạng Nhất, và đã ghi tổng cộng hơn 70 bàn thắng cho “Gạch”, đứng đầu trong tốp những chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử 10 năm V-League.

• Sau đôi ba năm phiêu bạt ở giải hạng Nhất, V-League 2007, Tshamala trở lại “Gạch” và đã ghi tổng cộng hơn 40 bàn thắng cho đội bóng của mình. Trước khi có sự xuất hiện của Danny David, Tshamala và Antonio được xem là bộ đôi tấn công hoàn hảo và đáng sợ nhất V-League.

• Chỉ mới là mùa thứ 2 chơi cho ĐT.LA, nhưng Danny David đang được biết đến như thủ lĩnh mới trong lối chơi của đội bóng này. Tuyển thủ QG Tanzania, Danny David (27 tuổi), có thể chơi tiền đạo, hoặc tiền vệ kiến thiết, với nền tảng thể lực dồi dào, kỹ thuật cơ bản và kỹ năng dứt điểm đa năng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm