Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị từ 5-6 năm tù

12/05/2023 10:42 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 12/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” chuyển sang phần tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo.

cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên phạt mức án từ 5 - 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Cùng bị đề nghị phạt tù với bị cáo Nguyễn Ngọc Hai về tội danh trên có 10 bị cáo khác gồm: Lương Văn Hải (sinh năm 1960, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 4 - 5 năm tù; Ngô Hiếu Toàn (sinh năm 1977, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh) 30 - 36 tháng tù. Tám bị cáo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận là: Hồ Lâm (sinh năm 1960, cựu Giám đốc Sở), Lê Nguyễn Thanh Danh (sinh năm 1980, cựu Phó Giám đốc Sở) đều bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù; Đặng Hoài Nhân (sinh năm 1965, cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất), Nguyễn Thị Thu Phong (sinh năm 1962, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất) cùng bị đề nghị từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Thanh Cho (sinh năm 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Lê Nam Hưng (sinh năm 1980, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai), Phạm Duy Cường (sinh năm 1974, cựu Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai) đều bị đề nghị mức 24-30 tháng tù; Lê Anh Huy (sinh năm 1977, cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai) bị đề nghị từ 18-24 tháng tù.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị từ 5-6 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại phiên toà. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Bị cáo Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, khoản 3, điểm d - Bộ luật Hình sự.

Bản luận tội nêu rõ, các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn công tác tại UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận; đều có quá trình rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng đối với từng lĩnh vực mình công tác. Đáng lẽ các bị cáo phải là những người tiên phong, đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật để tham mưu đề xuất về từng lĩnh vực chuyên môn nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế cho địa phương cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Trái lại, các bị cáo đã thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đất đai, áp dụng giá khởi điểm để giao đất sai quy định tại Điều 108 - Luật Đất đai dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước trên 45 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây dư luận xấu cho xã hội, mất niềm tin đối với nhân dân.

Việc đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo thể hiện sự kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm Đảng và Nhà nước, cũng như của toàn xã hội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế và chức vụ. Pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định, qua đó để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị từ 5-6 năm tù - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc việc Bình Thuận là một tỉnh nghèo, do vậy việc thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn được nhân dân ủng hộ. Về thực trạng 3 lô đất 18, 19, 20 vốn là khu đất nghĩa địa có nhiều mồ mả, khi UBND tỉnh có chủ trương cho đấu giá, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả nhưng vẫn còn đó những dấu tích. Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá đã thông báo đấu giá 6 lần trong 3 năm (2013 - 2015) nhưng vẫn không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia đăng ký mua hồ sơ đấu giá. Việc UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành công tác đấu giá quyền sử dụng đất thu ngân sách năm 2016 đạt 80 tỷ đồng, năm 2017 là 50 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những áp lực đối với Sở Tài nguyên và Môi trường thời điểm đó.

Do vậy, ngày 16/1/2017, khi Công ty Cổ phần Tân Việt Phát có đơn xin giao đất không thông qua đấu giá các bị cáo đã tham mưu đề xuất và quyết định giao đất cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá đối với 3 lô đất 18,19,20; áp giá đất thực hiện giao đất theo Quyết định số 2423 ngày 4/10/2013 trái với quy định tại Điều 108 - Luật Đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 45 tỷ đồng.

Công tố viên xác định, quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, phạm tội không có động cơ mục đích gì khác ngoài việc mong muốn tạo nguồn thu cho tỉnh, mong muốn đạt được chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước. Các bị cáo không có mục đích tư lợi cá nhân cũng như tạo mối quan hệ để có tác động từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lưu tâm khi quyết định trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai bị Viện Kiểm sát xác định là giữ vai trò chính. Bị cáo Lương Văn Hải là người thực hành có vai trò thấp hơn bị cáo Nguyễn Ngọc Hai…

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bào chữa và các bị cáo đã tham gia tranh tụng, đưa ra các luận điểm, luận cứ nhằm cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm